Du lịch Việt làm gì để đón khách tây?

0
7
Du lich Viet lam gi de don khach tay? hinh anh 1 Khách du lịch đến Việt Nam và biểu đồ suy giảm lượng khách tính theo tháng trong 2 năm 2014 và 2015.

Từ 1/7, quyết định miễn thị thực cho công dân 5 nước châu Âu được đánh giá là cơ hội vàng cho ngành du lịch, tăng cơ hội tạo công ăn việc làm.

Chặn đà suy giảm của ngành du lịch

Theo con số của Tổng cục Thống kê, lượng khách quốc tế tới Việt Nam đã liên tục suy giảm. Trong tháng 6, lượng khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt 529.445 lượt, giảm 8,2% so với tháng trước và giảm 1,9% so với cùng kỳ năm 2014. Tính chung 6 tháng năm 2015 ước đạt 3.804.636 lượt, giảm 11,3% so với cùng kỳ năm 2014.

Con số 11,3% được cho là đáng báo động, trái ngược với con số 94,5% du khách quốc tế bày tỏ sự hài lòng khi đến Việt Nam mà Tổng cục Du lịch đã đưa ra cách đây không lâu.

Du lich Viet lam gi de don khach tay? hinh anh 1 Khách du lịch đến Việt Nam và biểu đồ suy giảm lượng khách tính theo tháng trong 2 năm 2014 và 2015.
Khách du lịch đến Việt Nam và biểu đồ suy giảm lượng khách tính theo tháng trong 2 năm 2014 và 2015.

Nhìn vào biểu đồ cho thấy lượng khách giảm khá sâu. Mặc dù sức giảm là theo chu kỳ vì mùa du lịch của hầu hết các nước châu Âu (trừ Tây Ban Nha) là rơi vào cuối năm song nó cũng cho thấy ngành du lịch phải có biện pháp giải quyết vấn đề này.

Ngày 29/6, trong phiên họp trực tuyến của Chính phủ với các địa phương, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đặt vấn đề rằng du lịch là “tiềm năng, lợi thế của Việt Nam. Vậy mà tôi mới sang Myanmar, năm nay Myanmar đón 5 triệu khách quốc tế, Việt Nam năm nay đón 7 triệu khách quốc tế. Các đồng chí nghĩ mình như thế nào? Nào là ổn định chính trị, nào là cảnh quan mà kết quả như vậy là không thể chấp nhận được”. Thủ tướng cũng cho rằng phát triển du lịch chính là giải quyết công ăn việc làm, đời sống nhân dân.

Bên cạnh đó, theo con số của Tổng cục Thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2015 lượng khách từ các nước Italy, Đức, Tây Ban Nha, Anh và Pháp chỉ khoảng 300.000 lượt, chưa bằng 10%. Rõ ràng du lịch Việt Nam dù có nhiều thắng cảnh nổi tiếng nhưng chưa hút được lượng khách từ châu Âu mà một trong những nguyên nhân, chính là rào cản về thị thực.

Phá rào cản là chưa đủ

Ngay sau khi Việt Nam gia tăng số quốc gia được miễn thị thực, ngày 25/6, Tổng cục Du lịch đã có cuộc họp bàn về các giải pháp thu hút khách du lịch quốc tế từ các thị trường trọng điểm. Một số kế hoạch đã được đề cập, như hội thảo, gặp gỡ với các doanh nghiệp tại 5 quốc gia châu Âu; đón các đoàn press trip đến Việt Nam khảo sát, trải nghiệm; phối hợp với các hãng hàng không, bộ/ngành/địa phương và các doanh nghiệp trong hoạt động xúc tiến quảng bá; tham dự Hội chợ Du lịch Thế giới 2015 tại Vương quốc Anh…

Cũng trong ngày 25-26/6, lãnh đạo Tổng cục Du lịch đã tới làm việc trực tiếp với quan chức đại sứ quán các nước Belarus, Anh, Pháp, Tây Ban Nha và Italy tại Việt Nam nhằm giới thiệu chính sách thu hút khách du lịch mới của Việt Nam và đề nghị các đại sứ quán hỗ trợ việc quảng bá, cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp và người dân tại các nước này.

Đại sứ các nước nói trên đều đã đánh giá cao việc miễn thị thực của Chính phủ Việt Nam và hy vọng, chính sách này sẽ được gia hạn thêm ở thời gian tới. Được biết, trong tháng 7, ngành du lịch Việt Nam sẽ phối hợp Bộ Ngoại giao, Bộ Công Thương tiến hành các đợt quảng bá chính sách miễn thị thực mới ngay tại 6 quốc gia vừa được miễn thị thực.

Theo tính toán của những nhà hoạt động du lịch, chỉ riêng việc miễn thị thực cho công dân 5 quốc gia Tây Âu sẽ tăng hơn 40 triệu USD so với tổng thu giai đoạn 2010-2014; tổng lợi ích kinh tế gián tiếp và lan tỏa tương ứng hơn 85 triệu USD; tổng lợi ích kinh tế thu được gần 126 triệu USD. Một con số đáng mong đợi.

Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam mới đây, ông Ken Atkinson – đại diện Nhóm công tác du lịch – cho biết: Ủng hộ việc miễn thị thực cho công dân các quốc gia Châu Âu, Bắc Mỹ, Australia và New Zealand. Lượng khách du lịch từ các quốc gia này tới Việt Nam hiện chiếm tới 1,6 triệu lượt mỗi năm.

Việc mở rộng miễn thị thực sẽ gia tăng khoảng 10% (khoảng 160.000 lượt khách) từ các quốc gia nói trên và dựa trên số ngày lưu trú trung bình hiện tại (khoảng 11,3 ngày) và mức chi tiêu trung bình (khoảng 102 USD/ngày), thì tổng chi tiêu tại Việt Nam của họ sẽ đạt khoảng 200 triệu USD.

Thế nhưng, dù có được “chìa khóa vàng”, ngành du lịch không thể chủ quan và chờ sung rụng.

Ông Nguyễn Công Hoan – Phó Tổng GĐ Hanoi Red Tours – nói: “Thị thực chỉ là một trong nhiều yếu tố hấp dẫn khách quốc tế. Để du lịch phát triển bền vững, việc miễn thị thực phải xác định lâu dài. Thời gian lưu trú cũng phải nới dài thêm. Đồng thời với việc miễn thị thực, các ngành chức năng của Việt Nam cần phải đảm bảo không tăng phí các dịch vụ khác, như phí tham quan… Nếu không, dù miễn cho khách lệ phí thị thực, nhưng lại tăng vô tội vạ những khoản lệ phí khác thì du khách cũng sẽ nản ngay”.

Người lao động lợi gì?

Theo các chuyên gia du lịch, cứ một du khách sẽ cần ít nhất 3 nhân viên phục vụ trong suốt thời gian nghỉ của họ. Theo Tổng cục Thống kê, đến năm 2015, nhân lực làm việc trong ngành du lịch – dịch vụ sẽ khoảng 3,3 triệu công việc, chiếm 7,5% hay cứ 13,4 công việc mới sẽ có 1 công việc liên quan đến du lịch – dịch vụ.

Những con số trên cho thấy ngành công nghiệp có nhu cầu lớn về lao động và đi kèm theo nó là vấn đề đào tạo cho nguồn nhân lực phục vụ cho ngành.

Du lịch Việt Nam đang đón cơ hội vàng với việc hàng triệu việc làm sẽ được tăng theo tỷ lệ thuận của lượng khách du lịch đến Việt Nam. Vấn đề hiện nay là nắm bắt cơ hội này như thế nào? Nó đặt ra thách thức cho các doanh nghiệp làm du lịch phải có phản ứng thật nhanh bởi thời gian miễn thị thực cho công dân 5 nước Châu Âu chỉ có hiệu lực trong 1 năm.

Miễn visa khách đến từ 5 nước châu Âu

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký quyết định miễn thị thực (visa) cho công dân đến từ 5 quốc gia châu Âu: Italy, Đức, Tây Ban Nha, Anh và Pháp.

Nguồn: News.zing.vn