Tây Nguyên có tiềm năng du lịch rất lớn nhờ thiên nhiên khoáng đạt, văn hóa độc đáo, nhưng các địa phương khai thác giống nhau, chưa có sản phẩm mang tính riêng biệt giữa từng tỉnh để kích thích sự quan tâm của du khách.
Các nhà làm du lịch, đang có chuyến khảo sát và tìm cách phát triển du lịch cho Tây Nguyên, đưa ra nhận xét như vậy trong tọa đàm thúc đẩy du lịch Kon Tum ngày 12/7.
Theo bà Thuỷ Hưng, Phó Giám đốc Saigonhanoitravel, mô hình trồng hoa tam giác mạch ở Hà Giang rất thành công trong thu hút khách du lịch, phượt thủ đến săn ảnh hàng năm. Do đó, với khí hậu và thổ nhưỡng của Tây Nguyên, vùng đất này có thể trồng cây đào phủ kín như tam giác mạch ở Hà Giang để tạo nên một điểm đến ấn tượng.
Ông Trần Long, Tổng Giám đốc Du lịch Việt, cho rằng các tỉnh Tây Nguyên hiện nay đều có sản phẩm du lịch khá giống nhau, nên khách thường chọn tỉnh gần nhất để đi. “Tôi thấy rằng Tây Nguyên giống như câu truyền miệng ‘có cái nắng, có cái gió, thiếu cái đó’, mà ở đây chính là sản phẩm du lịch đặc sắc”, ông Long nói.
Muốn thu hút khách, các tỉnh nên phát triển từng sản phẩm du lịch riêng. Ông Long nhận thấy nhiều làng dân tộc ở Kon Tum có tắm thuốc, vậy nên phát triển nó thành một hình thức du lịch nổi bật. “Có rất nhiều thứ để khai thác nhưng các tỉnh đang đầu tư tràn lan, mất định hướng”, ông nói thêm.
Hoạt động cồng chiêng, múa hát và uống rượu cần ở Kon Tum. |
Ông Vũ Thế Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam khẳng định khu vực Tây Nguyên có đầy đủ điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch trong tương lai. “Trong khi các vùng đồng bằng đang đô thị hoá thì vẻ đẹp tự nhiên của khu vực Tây Nguyên là lợi thế lớn để hút khách du lịch khắp nơi”, ông Bình nhận định.
Cũng theo ông Bình, Tây Nguyên so với Tây Bắc có nét tương đồng, lại có nền văn hóa bản địa vô cùng đặc sắc. Nơi đây có nhiều yếu tố thu hút khách du lịch trong và ngoài nước như phong cảnh hùng vĩ, khí hậu trong lành, thời tiết mát mẻ, nét sinh hoạt đậm sắc địa phương như cồng chiêng, rượu cần, thưởng thức cơm lam… Tuy nhiên để phát triển du lịch Tây Nguyên, các doanh nghiệp địa phương phải chủ động nghiên cứu và đáp ứng được nhu cầu của khách, tập trung đầu tư tốt cho cơ sở hạ tầng, nhân sự.
40 doanh nghiệp đang thực hiện chuyến “khảo sát xây dựng sản phẩm du lịch cho khu vực Tây Nguyên – Nam Trung Bộ” ở các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Phú Yên, Bình Định. Chuyến đi do Hiệp hội Du lịch Việt Nam và dự án Phát triển năng lực du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội do Liên minh châu Âu tài trợ.
Thảo Nghi
Nguồn: Vnexpress.net