Du lịch đồng bằng sông Cửu Long phát triển chậm

0
8
Các tỉnh ĐBSCL có lợi thế về diện tích, đa dạng văn hoá nhưng chưa khai thác tốt đa thế mạnh du lịch: Ảnh: Triệu Hớn Võ.

Sản phẩm du lịch trùng lặp, quảng bá chưa hiệu quả và nguồn nhân lực yếu là thách thức lớn của du lịch 13 tỉnh ở phía nam.

Theo Bộ trưởng Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch, Nguyễn Ngọc Thiện, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang có nhiều điều kiện để du lịch phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn, nhưng chưa được khai thác một cách hiệu quả và tương xứng.

Du lịch của khu vực đang ở đâu?

Từ 2011 đến 2018, tổng khách quốc tế đến đây tăng từ 1,4 triệu lên 3,4 triệu lượt. Tốc độ tăng trưởng trung bình 13%. “So với cả nước, tốc độ tăng trưởng này là tốt nhưng tính ra tổng khách mỗi năm vẫn thấp”, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nói.

So với 14 tỉnh miền Trung (khoảng 10 triệu lượt), khách đến quốc đến 13 tỉnh ĐBSCL chỉ bằng 1/3. Thấp hơn nhiều nếu so với số khách đến 7 tỉnh kinh tế trọng điểm Bắc Bộ (11 triệu lượt). Trong 22 địa phương đón nhiều khách quốc tế nhất cả nước, vùng này có 2 tỉnh là Kiên Giang với 580.000 lượt, xếp thứ 12 và Cần Thơ với 363.000 lượt, xếp thứ 15. Ông Nguyễn Ngọc Thiện cho rằng ĐBSCL là một trong những vùng phát triển du lịch chậm nhất cả nước.

Các tỉnh ĐBSCL có lợi thế về diện tích, đa dạng văn hoá nhưng chưa khai thác tốt đa thế mạnh du lịch: Ảnh: Triệu Hớn Võ.

Các tỉnh miền Tây có lợi thế về diện tích, đa dạng văn hoá nhưng chưa khai thác tốt đa thế mạnh du lịch: Ảnh: Triệu Hớn Võ.

Ba hạn chế lớn nhất của du lịch ĐBSCL được Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện chỉ ra gồm: Công tác xúc tiến quảng bá còn yếu, chưa hiệu quả; Nguồn nhân lực qua đào tạo đạt khoảng 30%; Thời gian khách lưu trú ngắn.

Một điểm nghẽn của du lịch miền Tây là các sản phẩm bị trùng lặp với miệt vườn, sông nước. Ông Nguyễn Quốc Kỳ, giám đốc Vietravel cho rằng việc phân chia khu vực này thành hai cụm phía Đông và phía Tây cũng tạo ra những chia cắt, cạnh tranh ngầm. “ĐBSCL nên là một thương hiệu thống nhất. Mỗi tỉnh phải phát huy một thế mạnh, bản sắc riêng, không trùng nhau”, ông Kỳ nói.

Sáng kiến phát triển du lịch

Diễn đàn kết nối du lịch TP HCM và 13 tỉnh ĐBSCL ngày 4/9 là sáng kiến nhằm khai thác tối đa tiềm năng của các tỉnh miền Tây, tạo sự da dạng cho du lịch TP HCM và kéo dài thời gian lưu trú, chi trả của khách quốc tế.

Việc liên kết giữa TP HCM với 13 tỉnh ĐBSCL không chỉ giúp tăng trưởng khách mà còn kéo dài thời gian lưu trú, cải thiện thu chi từ khách quốc tế. Ảnh: Hữu Khoa.

Năm 2018, TP HCM đón khoảng 7,5 triệu lượt khách quốc tế. Ảnh: Hữu Khoa.

Bí thư Thành uỷ TP HCM, ông Nguyễn Thiện Nhân nói khi liên kết hình thành, TP HCM sẽ là cửa ngõ trung chuyển, đưa du khách đến với các tỉnh miền Tây. Du khách đến TP HCM cũng có thêm nhiều lựa chọn chứ không chỉ mua sắm, giải trí… như hiện nay.

“Muốn làm du lịch tốt thì phải có doanh nghiệp tiên phong. Tuy nhiên các công ty lữ hành, dịch vụ ở các tỉnh miền Tây còn mỏng, cần tạo được cả liên kết giữa hơn 1.200 doanh nghiệp của thành phố với các tỉnh”, ông Nguyễn Thiện Nhân nói thêm.

Bí thư của TP HCM đưa ra 5 đề xuất: Hình thành hội đồng du lịch TP HCM và 13 tỉnh ĐBSCL; Rà soát, chuẩn hoá và nâng cấp các di tích lịch sử thành điểm du lịch đặc sắc; Cùng xây dựng một thương hiệu vùng, sau đó đến thương hiệu du lịch của từng địa phương; Giải quyết những vấn đề tắc nghẽn về hạ tầng hàng không, giao thông đường bộ; TP HCM cam kết đi đầu trong việc số hoá và chia sẻ kinh nghiệm với 13 tỉnh trong việc áp dụng công nghệ thông tin vào du lịch thông minh.

Từ góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Quốc Kỳ đề xuất quy hoạch sản phẩm du lịch 13 tỉnh ĐBSCL theo 3 tuyến. Bên cạnh hai tuyến Đông và Tây có thể đi theo hướng chính tâm: TP HCM – Long An – Tiền Giang – Vĩnh Long – Cần Thơ – Hậu Giang – Kiên Giang – Cà Mau. Việc này không chỉ khai thác tối đa thế mạnh của từng vùng mà còn hạn chế các điểm du lịch phải cạnh tranh ngầm, sản phẩm na ná nhau. Ngoài kết nối dọc theo đường bộ, ông Kỳ cũng đề xuất phương án kết nối theo chiều ngang qua hệ thống sông nội thuỷ.

Về sản phẩm du lịch, đại diện Lữ hành Saigontourist, ông Trương Tấn Sơn đề xuất “du lịch xanh” là thương hiệu đặc trưng của vùng. 

Để liên kết du lịch các tỉnh ĐBSCL với TP HCM phát huy tối đa hiệu quả, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý 3 điều. Thứ nhất là việc kết hợp chặt chẽ việc phát huy di sản văn hoá, con người để tạo ra được những sản phẩm du lịch đặc thù, tạo được sự đa dạng trong du lịch vùng. Thứ hai là sự kết hợp giữa các ngành, địa phương và doanh nghiệp. Cuối cùng là cần quan tâm việc áp dụng công nghệ vào phát triển du lịch.

Phó Thủ tướng cho biết, đây cũng là ba trụ cột của Ban chỉ đạo Nhà nước về Du lịch, Hội đồng Tư vấn Du lịch Quốc gia trong tương lai. Bộ Khoa học Công nghệ đang cùng các bộ làm một đề án về số hoá tri thức. Trong đó việc đầu tiên là lập bản đồ các địa chỉ của Việt Nam, đặc biệt là du lịch. Tiếp đó là khởi động dự án số hoá các di sản văn hoá. Du lịch là một trong những ngành đầu tiên được áp dụng những công nghệ thông minh.

“Mọi người dân đều phải tham gia vào du lịch và được thụ hưởng từ du lịch”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.

Nguồn: Vnexpress.net