Du lịch 6 tháng: Buồn nhiều hơn vui

0
5
Du lich 6 thang: Buon nhieu hon vui hinh anh 1 Khách nội địa là

6 tháng đầu năm 2015, nhiều chính sách mới ra đời tiếp thêm lợi thế cho du lịch Việt, khách du lịch nội địa tăng trưởng rất tốt. Tuy nhiên, tăng trưởng khách quốc tế tiếp tục giảm.

Theo đánh giá của Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn, bức tranh du lịch nửa đầu năm 2015 buồn vẫn nhiều hơn vui.

Đà suy giảm có thể còn kéo dài 1-2 năm nữa

Những khó khăn khiến lượng khách quốc tế suy giảm năm 2014 tiếp tục là nguyên nhân chính gây ra đà suy giảm khách du lịch quốc tế 6 tháng đầu năm nay.

Đó là sự sụt giảm của các thị trường chiếm tỷ trọng cao, như Trung Quốc (chiếm 1/4 tổng lượng khách du lịch) vẫn chưa phục hồi. Thị trường có mức tăng trưởng rất tốt, như thị trường khách Nga (tăng trung bình 25-30%) vẫn đang gặp khó khăn (sụt giảm 13%).

Du lich 6 thang: Buon nhieu hon vui hinh anh 1 Khách nội địa là
Khách nội địa là “cứu cánh” cho du lịch Việt thời điểm này. Ảnh: VGP – Nguyệt Hà.

Dịch bệnh MERS-CoV tại Hàn Quốc, Thái Lan gần đây tiếp tục gây khó cho du lịch Việt Nam, vì Hàn Quốc, Thái Lan là thị trường outbound trọng điểm, có doanh thu rất tốt của lữ hành Việt. Đến thời điểm này, hầu như các đoàn khách đi Hàn Quốc đều hủy.

Theo công bố của Tổng cục Thống kê, ước tính số lượt khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 6/2015 là 529.000 lượt, giảm 8,2% so với tháng trước. So với cùng kỳ năm trước, khách quốc tế đến Việt Nam giảm 1,9% và là tháng giảm thứ 13 liên tiếp kể từ tháng 6/2014.

Tính chung 6 tháng đầu năm 2015, khách quốc tế đến Việt Nam ước tính đạt 3,8 triệu lượt người, giảm 11,3% so với cùng kỳ năm 2014.

Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tháng 6 đạt 32,9 nghìn tỷ đồng, tăng 5,1% so với tháng trước và tăng 12,7% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu du lịch lữ hành trong tháng đạt 2,7 nghìn tỷ đồng, tăng 8,3% so với tháng trước và giảm 6% so với cùng kỳ năm trước.

Như vậy, trừ khách du lịch nội địa và doanh thu du lịch tăng (không đáng kể), thì các chỉ số còn lại đều tiếp tục đà suy giảm so với tháng trước và cùng kỳ năm ngoái.

Những thị trường châu Á có số lượng khách giảm nhiều gồm Trung Quốc giảm 30,2%, Hàn Quốc giảm 10,6%, Thái Lan giảm 5,1%, Nhật Bản giảm 5,3%. Khách từ các nước châu Âu giảm gồm: Pháp giảm gần 50%; từ Đức, Hà Lan và Bỉ giảm từ 25-30%.

Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn nhận định: “Du lịch Việt Nam đang phải đối mặt với khó khăn “kép”. Chúng tôi cho rằng đà suy giảm khách quốc tế sẽ còn kéo dài từ 1-2 năm nữa”.

Du lịch nội địa tiếp tục là cứu cánh

Du lich 6 thang: Buon nhieu hon vui hinh anh 2 Hội chợ Du lịch quốc tế VITM góp phần thúc đẩy du lịch nội địa bùng nổ.
Hội chợ Du lịch quốc tế VITM góp phần thúc đẩy du lịch nội địa bùng nổ.

Mặc dù có nhiều khó khăn, song 6 tháng đầu năm 2015 du lịch Việt Nam cũng có nhiều điểm sáng. Chính phủ vừa có những giải pháp chính sách ở tầm vĩ mô để thúc đẩy sự phát triển du lịch mà Nghị quyết 92/NQ-CP về một số giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch trong thời kỳ mới là một dấu ấn lịch sử với nhóm 5 giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về du lịch.

Việc Thủ tướng ký quyết định miễn visa 1 năm cho 5 nước châu Âu, 5 năm cho Cộng hòa Belarus; cho phép thành lập Quỹ Phát triển du lịch; yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương vào cuộc để tạo môi trường du lịch thông thoáng, thân thiện, hấp dẫn… đã tăng thêm lợi thế, sức hút của du lịch Việt Nam.

Đặc biệt, từ tháng 6/2014 đến nay, du lịch nội địa tiếp tục là cứu cánh của ngành Du lịch.

Chỉ tính trong 5 tháng đầu năm 2015 đã có 33,5 triệu người Việt đi du lịch, trong đó khách lưu trú đạt 15,1 triệu lượt khách. Tổng thu từ du lịch 5 tháng đạt 161,7 nghìn tỷ tăng 1,8% so với cùng kỳ 2014.

Xét trên bình diện quốc gia, thì khách du lịch quốc tế đóng góp cho GDP nhiều hơn (mang đến ngoại tệ, thúc đẩy đường bay xuyên quốc gia, chi tiêu dịch vụ cao cấp…). Nhưng với địa phương thì đóng góp của khách du lịch quốc tế và nội địa thì không khác nhau.

1 đồng chi tiêu của khách quốc tế cũng như 1 đồng của khách du lịch nội địa. Chưa kể, khách du lịch nội địa chính là nguồn lực chính để phát triển điểm đến mới, thúc đẩy kinh tế-xã hội cho địa phương, mang lại nhiều việc làm.

Nhiều công ty lữ hành cho biết, sự bùng nổ mạnh mẽ của khách nội địa từ tháng 6/2014 tới nay đã bù cho đà sụt giảm của khách quốc tế, đảm bảo doanh thu tăng trưởng cho DN.

Cùng với chương trình kích cầu du lịch nội địa “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam, mỗi chuyến đi thêm yêu tổ quốc”, Hội chợ Du lịch quốc tế VITM do Hiệp hội du lịch chủ trì đã kết hợp DN du lịch với các hãng hàng không, khách sạn, nhà hàng đưa ra các mức giá giảm từ 20-50% đã thúc đẩy du lịch nội địa bùng nổ.

Chỉ đến đầu tháng 5, các công ty lữ hành như Hanoi Redtour, Vietravel, Saigontourist đã hoàn thành vượt mức kế hoạch 6 tháng đầu năm 2015 nhờ lượng khách đăng ký khổng lồ trong 2 kỳ nghỉ dài (Tết Âm lịch và 30/4).

Theo nhận định của Vietravel, điều này cho thấy lượng khách nội địa từ 2 năm trở lại đây đang không ngừng tăng lên và dần chiếm tỉ trọng lớn trong doanh thu.

Bên cạnh đó, thói quen đi du lịch của người dân đã hình thành và ngày càng phát triển. Xu hướng tiêu dùng trong du lịch cũng có sự thay đổi với việc nhiều khách đã chọn hình thức nghỉ dưỡng vốn có tỷ trọng doanh thu lớn, thay vì chỉ tham quan, khám phá như trước đây. Nhiều người dân cũng chuyển sang chọn các tuyến nội địa, thay vì đi nước ngoài.

Từ những đánh giá và nhận định du lịch nội địa có tiềm năng rất lớn và còn nhiều dư địa để phát triển, các hãng lữ hành Việt Nam đã không ngừng triển khai chuỗi các hoạt động hưởng ứng kích cầu du lịch nội địa, xúc tiến phát triển du lịch tại các thành phố trọng điểm trên cả nước, qua đó nối kết các trung tâm kinh tế, thương mại và du lịch miền Bắc-miền Trung, miền Trung-Tây Nguyên, Tây Nguyên-miền Tây Nam Bộ bằng cách nhanh nhất, tập trung nhất, hiệu quả nhất.

Có thể thấy, càng ngày du lịch nội địa càng khẳng định vai trò của mình trong sự tăng trưởng của ngành du lịch. Chính vì lý do này, ông Nguyễn Văn Tuấn cho rằng, trong lúc thị trường xa chưa phục hồi, DN nên chuyển hướng thị trường, chú trọng phát triển du lịch nội địa, đưa khách Việt Nam ra nước ngoài, tăng cường phối hợp với đối tác hàng không, cung ứng dịch vụ ăn uống, hệ thống khách sạn có gói hấp dẫn với mức giá phù hợp hơn với từng thị trường.

“Những khó khăn trong thời điểm này chính là thử thách, các DN làm ăn nghiêm túc có chiến lược đúng đắn phù hợp sẽ tồn tại và lớn mạnh. Ngược lại những DN làm ăn chụp giật, tiềm lực yếu sẽ bị loại bỏ khỏi thị trường. Và lại có những DN mới ra đời. Mặc dù đang phải đối mặt với thách thức kép, song chúng ta nên có cái nhìn bình tĩnh hơn. Sự sụt giảm là thời điểm, và có thể nó sẽ kéo dài trong khoảng từ 1-2 năm, nhưng chúng tôi vẫn tin tưởng rằng những chính sách gần đây Chính phủ ban hành sẽ hỗ trợ và thúc đẩy cho sự phục hồi của du lịch Việt Nam”, ông Tuấn chia sẻ.

Tuy nhiên, chúng ta phải cùng nhau mới vượt qua khó khăn, không thể một mình ngành Du lịch có thể đương đầu vượt qua tất cả, mà phải có sự phối hợp vào cuộc mạnh mẽ từ các Bộ, ngành, địa phương.

Tunisia nỗ lực khôi phục ngành du lịch

3 ngày sau vụ xả súng đẫm máu khiến 39 người thiệt mạng, ngày 28/6, bãi biển Tunisia đã mở cửa trở lại đón các du khách.

Nguồn: News.zing.vn