Du khách tự nấu ăn cầm cự trên đảo Cô Tô

0
7
du-khach-co-to-7642-1438178988.jpg

Bị cô lập nhiều ngày do mưa lớn, thực phẩm ở huyện đảo Cô Tô (Quảng Ninh) đã dần cạn kiệt. Để tiết kiệm số tiền ít ỏi còn lại,  nhiều du khách phải ăn bánh mỳ, mỳ tôm trừ bữa. 

Nguyễn Minh Ngọc, 26 tuổi (Hà Nội) và 150 nhân viên khác cùng gia đình của một công ty thời trang đến du lịch tại đảo Cô Tô (Quảng Ninh) từ ngày 24/7, dự kiến sẽ trở về vào chiều 26/7. Tuy nhiên, mưa lớn khiến cả đoàn mắc kẹt trên đảo suốt 3 ngày nay.

Ngọc cho biết,  nhóm của cô phải dồn 4-6 người vào một phòng đôi vừa để tiết kiệm vừa do có thêm khách mới đến thuê phòng. “Chúng tôi mua một gói bột giặt rồi chuyền từ phòng này sang phòng khác để mọi người tự giặt rồi phơi la liệt trong phòng. Trời mưa gió lại đông khách nên 4 ngày nay khách sạn không còn ga giường, khăn tắm để thay nữa”, Ngọc kể.

du-khach-co-to-7642-1438178988.jpg

Rất nhiều đoàn khách mắc kẹt ở Cô Tô chọn phương án tự mua đồ về nấu. Ảnh: Quý Đoàn.

Du khách này cho biết trước khi ra đảo, mọi người đều nghĩ ở ngắn ngày, đảo nghèo nên chỉ mang theo một số tiền vừa phải. Mắc kẹt lại mấy ngày, nhiều thành viên trong đoàn đã phải vay mượn của nhau để chi tiêu. Tuy nhiên, đó không phải khó khăn lớn nhất. Chị Ngọc và nhiều người khác đang lo “có tiền mà không mua gì được” vì trên đảo thực phẩm đã bắt đầu khan hiếm.

Ngọc kể 2-3 hôm đầu, đoàn của cô đặt cơm ở một vài nhà hàng và khách sạn nhưng đến nay có nhiều bếp ăn đã hết ga không đun nấu được. Cả đoàn lại kéo sang địa chỉ khác để đặt đồ và mua thịt trứng, bánh mì, mỳ tôm về tự nấu ăn qua ngày. Tuy nhiên, thực phẩm ngoài chợ không còn nhiều. Đến 3-4 h chiều, các sạp hàng đã hết thịt, trứng, rau củ loanh quanh chỉ mướp, mùng tơi và rau muống.

“Cả thị trấn có một cửa hàng làm bánh mỳ nên ai cũng đổ xô đến xếp hàng để mua. Tôi phải chờ nửa tiếng mới lấy được bánh. Chiều quay lại vẫn thấy khoảng 10 người đứng chờ. Hôm nay thấy chủ cửa hàng nói, họ chỉ đủ bột để làm đến hết sáng mai”, Ngọc kể.  

coto1-5179-1438184830.gif

Nhóm Lê Quang mượn đồ của khách sạn để nấu mì tôm. Ảnh: NVCC

Xác định đến tuần sau mới được về đất liền, nhóm của Ngọc phải hạn chế đồ ăn dự trữ. May mắn, 2 khách sạn nhóm đang ở đều giảm giá 50% tiền phòng, hỗ trợ đồ để khách tự nấu nướng và mời ăn 1-2 bữa miễn phí. 

Tuy nhiên, theo du khách này, rắc rối lớn nhất của việc mắc kẹt lại đảo là công việc bị ngừng trệ. Do đặc thù, hơn 100 nhân viên trong công ty của cô không thể làm được từ xa. 

Trần Hà (23 tuổi, Hạ Long) và 5 người bạn cũng bị kẹt trên đảo Cô Tô 5 ngày nay. Quần áo mang theo không đủ, có bạn trai phải cởi trần suốt để chờ hong đồ.

Việc ăn uống cũng là khó khăn lớn của đoàn. Hôm đầu tiên cả đoàn tìm đến quán ăn nhưng do đắt đỏ nên nhóm quyết định tự đi chợ mua đồ về nấu. Thực phẩm ngoài đảo những ngày mưa bão không có tàu từ đất liền chở ra nên nhiều mặt hàng khan hiến, giá bị đẩy lên. Ví tiền của những nhân viên mới đi làm và sinh viên này sắp cạn kiệt do chi phí phát sinh. Đã để riêng một khoản để mua vé tàu về, đoàn của Hà đang lo lắng không biết có đủ trả tiền phòng và ăn uống những ngày sắp tới. 

“Chúng em bắt đầu chán nản và rất mong có tàu ra đón về đất liền. Bố mẹ ở nhà thì sốt ruột cứ lo lắng rồi gọi điện mãi”, Hà nói và tâm sự thêm, vì đi mưa nhiều ngày nên sức khoẻ của thành viên trong đoàn bị ảnh hưởng. Hôm nay nhóm đã phải mua muối về ngậm vì viêm họng, khàn tiếng. 

Nhóm của Quỳnh Trang (22 tuổi) gồm 4 sinh viên Đại học Thăng Long (Hà Nội) cũng gặp khó khăn, nhất là thiếu tiền. Họ phải nhờ “đất liền” chuyển khoản tiếp tế. Tuy nhiên, một mối nguy khác lại đến là cây ATM ngoài đảo hết tiền nên “có tiền chuyển vào tài khoản là chúng em phải nhanh chân đi rút không thì không còn nữa”, Quỳnh Trang nói.

Hai ngày nay, nhóm của cô phải chọn bánh mỳ, mỳ tôm để ăn trừ bữa. Nhưng, theo Thanh Thư, thành viên trong đoàn 50 người của cùng công ty, mỳ tôm trên đảo giờ cũng hiếm. Hai ngày trước, nhóm của Thư phải đi mấy vòng quanh thị trấn mới mua được một thùng mỳ. 

coto2-6433-1438184830.gif

Nhóm du khách mượn lưới rủ nhau đi bắt cá trên đảo. ẢnhNVCC

Chia sẻ với VnExpress, chủ một khách sạn trên huyện đảo Cô Tô, đang còn 100 khách bị kẹt lại cho biết, thực phẩm dự trữ của khách sạn không còn nhiều trong khi ngoài chợ chủ yếu bán rau, củ. Khách sạn không có máy sấy, toàn bộ ga, gối, khăn tắm đều phải chuyển từ đất liền ra nên mấy hôm nay không có đồ mới thay cho khách. Để hỗ trợ khách hàng, khách sạn này cũng như nhiều cơ sở du lịch khác trên đảo đã hỗ trợ giảm giá phòng 50%, chu cấp dụng cụ, gia vị cho khách tự nấu nướng và mời khách ăn miễn phí một bữa.

Trưởng ban Chỉ huy quân sự huyện Cô Tô – Thượng tá Nguyễn Mộng Điệp cho biết, ngoài biển gió vẫn lớn cấp 6-7. Dự đoán phải đến 1-2/8 tàu thuyền mới có thể đi lại được. “Ngay khi được phép xuất bến, chúng tôi sẽ huy động tối đa tàu thuyền để nhanh chóng chở du khách về đất liền”, ông Điệp nói. Trưởng ban Chỉ huy quân sự cũng đảm bảo rằng, nguồn cung tại chỗ của huyện đảo Cô Tô đủ đáp ứng nhu cầu lương thực cho du khách mắc kẹt tại đây.

Quỳnh Trang

Nguồn: Vnexpress.net