Như một bức họa đầy màu sắc của hoa lá, chim muông, bò sát lưỡng cư cùng các sản vật đồng bằng… rừng tràm Trà Sư trở thành điểm đến cực kỳ hấp dẫn của du khách, nhất là khi tết đến xuân về.
Năm 2019, rừng tràm Trà Sư thu hút trên 200.000 lượt du khách đến tham quan, trải nghiệm (tăng 20% so với năm 2018), trong đó có gần 11.000 lượt khách quốc tế.
Điểm đến hấp dẫn
Rừng tràm Trà Sư (H.Tịnh Biên, An Giang) hiện có khoảng 150 loài động thực vật nằm trong Sách đỏ của Việt Nam và thế giới sinh sống. Đây được xem là “lộc của rừng” mà không phải khu rừng đặc dụng nào cũng may mắn sở hữu. Lý giải điều này, đại diện Kiểm lâm An Giang cho biết nhờ công tác bảo vệ tốt cùng với việc tuyên truyền cho mọi người hiểu rõ giá trị của tài nguyên thiên nhiên nên được cộng đồng chung tay gìn giữ. Chính vì vậy, Trà Sư thu hút ngày càng nhiều sản vật từ nơi khác đổ về. Lá phổi xanh của vùng Bảy Núi bốn mùa khoe sắc rực rỡ, động thực vật sinh sôi nảy nở, là điểm đến cực kỳ hấp dẫn của du khách.
Bồ câu không xa lạ với chúng ta, nhưng bồ câu làm “lễ tân” thì có lẽ chỉ có ở Trà Sư. Hàng trăm chú chim bồ câu đủ màu sặc sỡ ríu rít chao liệng và níu chân du khách. Không nhọc công huấn luyện vậy mà chúng tự nhiên trở thành những đại sứ “khánh tiết” vô cùng đáng yêu và khôn ngoan đến lạ thường. Những “biệt thự” bồ câu màu trắng tinh khôi là điểm nhấn ấn tượng trên nền trời xanh biếc và lung linh phủ bóng bên dòng kênh Trà Sư. Một góc không gian thoang thoáng phong cách châu Âu tạo nên khung cảnh tuyệt mỹ tại khu rừng đặc dụng. Bồ câu quanh quẩn theo chân, tự nhiên sà vào bàn tay người… những cử chỉ đáng yêu ấy làm xao xuyến và lan truyền cảm hứng về tình yêu thiên nhiên tại ánh rừng tràm đẹp nhất Việt Nam ở An Giang.
|
Cầu tre vạn bước xuyên rừng
Tập hợp tất cả các loại tre Việt Nam ở mọi miền đất nước, Công CP Du lịch An Giang – thành viên của Tập đoàn Sao Mai, quyết tâm xây dựng công trình đạt kỷ lục Guinness “cầu tre vạn bước” xuyên rừng tràm Trà Sư để phục vụ du khách.
“Cầu tre vạn bước” có tổng chiều dài khoảng 10 km, gồm trục đường chính và đường nhánh, hình thành nên mạng lưới giao thông tre nội khu do đội ngũ nghệ nhân lành nghề thực hiện hoàn toàn bằng thủ công. Kinh phí đầu tư trên 10 tỉ đồng, chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1, cầu dài gần 4 km, kinh phí hơn 5 tỉ đồng, đang bước vào “hậu kỳ” và khánh thành trước Tết dương lịch 2020. Giai đoạn 2, cầu dài hơn 5 km, kinh phí hơn 6 tỉ đồng, sẽ được “hợp long” trước lễ 30.4.2020.
Ông Lê Văn Khanh, Chủ tịch Hội đồng Phát triển du lịch của Tập đoàn Sao Mai, chia sẻ: “Không quá để có thể tự hào về “cầu tre Việt Nam” ở Trà Sư. Chiếc cầu vạn bước sẽ đưa du khách đến thật gần để “chạm tay” vào thảm động thực vật đặc trưng ở tâm rừng. Mạng lưới giao thông tre được trang trí như những cung đường tuyệt đẹp len lỏi qua từng hàng tràm cổ thụ. Không khói bụi, không ô nhiễm tiếng ồn, không bê tông cốt thép, vạn nhịp cầu tre như cánh tay nối dài làm bệ đỡ cho tài nguyên Trà Sư sinh trưởng nhanh hơn”.
|
Lang thang vào vùng lõi rừng tràm Trà Sư trên chiếc cầu tre uốn lượn, du khách sẽ tận hưởng được cảm giác thời gian như trôi chậm lại để hòa mình vào thiên nhiên kỳ vĩ của vô số cây tràm nguyên sinh. Trà Sư thu hút du khách vì là nơi lý tưởng phù hợp cho nhiều loại hình du lịch để mỗi chúng ta được trở về với chính mình qua những khoảnh khắc tĩnh lặng ở chốn thiên đường xanh ngập nước. Nhiệt độ quanh năm mát mẻ hòa cùng tiếng véo von của chim muông vang vọng vào khung cảnh nên thơ, lãng mạn là điểm nhấn thú vị cho những ai đam mê khám phá.
Hãy cùng nhau tản bộ trên “cầu tre vạn bước” để ngắm Trà Sư vào mọi thời điểm, để được đắm chìm vào từng cung bậc cảm xúc trong khu rừng cổ tích, nhất là khi tết đến, xuân về.
Nguồn: Thanhnien.vn