Vào ngày xuân, khắp các cung đường Tây Bắc hoa đào, hoa mơ mận bung sắc thắm trong tiết trời ấm áp, mỗi dân tộc đều náo nức đón cái Tết vui vầy bên người thân, gia đình.
Tết nhảy của người Dao
Ở khắp các bản làng người Dao trên miền núi Tây Bắc, nhiều nơi ăn Tết từ tháng chạp. Người ta tổ chức nhảy múa trong tiếng trống, để tỏ lòng biết ơn trời đất, tổ tiên và cầu mong một năm mới mùa màng tốt tươi, thóc lúa đầy sân, trâu, lợn đầy đàn.
Người Dao đỏ mời nhau chén rượu ấm ngày Tết. |
Chính vì thế mà những ngày đầu năm, họ không làm việc mà chỉ vui chơi, thăm hỏi và chúc tụng nhau. Tuy nhiên cũng tùy vào từng điều kiện của mỗi nơi, mỗi gia đình mà người ta mới tổ chức Tết nhảy. Có gia đình vài năm mới tổ chức. Thường Tết nhảy sẽ được tổ chức ở “Nhà cái” (con trưởng, trưởng họ). Việc ăn uống ngày Tết không phải quá câu nệ nên mâm cỗ chỉ gồm thịt và rượu để dâng lên cúng tổ tiên. Sau đó, mọi người trong bản sẽ được thết đãi cơm.
Phần quan trọng nhất của ngày Tết là nhảy múa để tri ân. Mọi người cùng nhảy múa theo tiếng trống, tiếng kèn, tiếng chuông rộn rã. Trước tiên là các điệu múa đưa đường, bắc cầu để đón thần linh, tổ tiên về ăn Tết. Điệu chào bố mẹ, tổ tiên thì nhảy múa một chân, đầu cúi, ngón tay trỏ giơ cao. Điệu mời tiên nương giáng trần được mô phỏng theo điệu cò bay, hai tay dang ngang vẫy vẫy nhịp nhàng…
Lễ nhảy múa thường diễn ra trong vòng 3 ngày, mọi người thay phiên nhau để nhảy múa. Có người nhảy cả trăm lượt trong tiếng reo rộn rã của mọi người. Sau khi kết thúc Tết nhảy, tất cả mọi người sẽ tụ tập lại sau tiếng tù và, cùng nhau ăn uống.
Tết của người Mông
Với người Mông, vào những ngày Tết, họ tổ chức ăn uống rất thịnh soạn, linh đình để cầu mong một năm tới mùa màng bội thu. Thường trước Tết, người ta đã trang hoàng nhà cửa rực rỡ, chuẩn bị sẵn thực phẩm để đón Tết.
Sắc màu rực rỡ trong các trang phục ngày Tết. |
Thường thì trong năm, nhà nào cũng chuẩn bị sẵn một con lợn. Ngoài ra, họ còn gói bánh chưng, hoặc bánh bột nếp. Người Mông ăn Tết sớm, thường sau Tết dương lịch vài ngày và được chuẩn bị rất chu đáo. Trong mâm thờ cúng bao giờ cũng có bánh dày, bởi họ quan niệm bánh dày tròn tượng trưng cho mặt trăng và mặt trời, là nguồn gốc sinh ra con người và vạn vật trên mặt đất.
Không đón giao thừa như nhiều dân tộc khác, người Mông quan niệm tiếng gà gáy sáng ngày mùng một là thời khắc đánh dấu một năm mới. Đàn ông sẽ vào bếp nấu cơm, cho lợn gà ăn. Theo họ đàn ông là trụ của gia đình, nên tất cả mọi việc sẽ do người đàn ông đảm trách.
Những ngày Tết, họ đến nhà nhau chúc tụng, thưởng thức rượu ngô, bánh dày. Họ kiêng thổi lửa, kiêng gọi phụ nữ dậy sớm, kiêng tiêu tiền, cho ai hoặc xin ai bất kỳ cái gì, không hót rác. Từ ngày Mùng 4, người Mông mới bắt đầu chơi Tết, họ trưng diện những bộ váy áo sặc sỡ nhất để đi chơi hội.
Tết của người Thái
Tết của người Thái thường kéo dài hơn so với các dân tộc khác ở Tây Bắc. Ðầu tiên là tết Soong Sịp (tết cơm mới) sau khi lúa ở ngoài đồng đã chín vàng, họ giết trâu, mổ lợn, lấy lúa mới đồ xôi nếp để cúng lễ linh đình.
Thường ngày 25 tháng chạp là phiên chợ cuối cùng của người Thái nên họ tranh thủ mua sắm Tết và chuẩn bị nghỉ ngơi, chơi Tết. Sáng 30 Tết, các nhà luộc bánh chưng và thịt lợn. Đến tối sẽ là bữa cơm tất niên với sự tham gia của người thân, anh em, bạn bè, làng xóm. Họ uống rượu, chúc tụng nhau cả đêm. Sau lễ cúng giao thừa bằng cá, thịt, bánh, các đồ thổ cẩm, bạc nén…, mọi người cùng nhau nhảy múa hát lăm vông theo tiếng cồng, tiếng chiêng.
Sáng mùng một, người Thái dậy sớm, mỗi người sẽ uống một ít nước luộc bánh chưng. Người phụ nữ thì đem xôi ra quạt ở giữa gian cúng ma nhà. Sau đó người ta dọn ra hai hoặc ba mâm cúng, mâm đặt trên cao là để cúng tổ tiên nhà chồng, còn mâm thấp cúng tổ tiên nhà vợ. Cúng xong, người đàn ông trong nhà lui vào để người phụ nữ ăn trước. Theo phong tục của người Thái, đàn bà thường phải ăn cơm sau đàn ông, chỉ duy nhất ngày mùng 1 Tết họ được ăn cơm trước. Sau đó, người dân mặc áo đẹp, đến các nhà chúc tụng nhau.
Tết của dân tộc Nùng
Trong mâm lễ cúng gia tiên đêm 30 của người dân tộc Nùng không thể thiếu được gà sống thiến. Gà sống thiến thể hiện sự ấm no, sung túc, chính vì vậy mà mỗi gia đình đều phải nuôi trước Tết vài tháng.
Thường từ ngày 28 và 29, người Nùng đã nghỉ ngơi, vệ sinh nhà cửa, cọ rửa đồ nông cụ, dán giấy đỏ cúng hồn các vật dụng lao động. Buổi chiều 30 Tết, các thành viên trong gia đình đều tất bật chuẩn bị cho mâm cơm cúng tổ tiên và bữa cơm tất niên. Tối 30, họ tụ tập chơi ở một số nhà rồi về đón giao thừa.
Sáng mùng một, các gia đình dạy sớm làm mâm cơm cúng tổ tiên, mời tổ tiên ăn cỗ mừng năm mới và xin tổ tiên phù hộ cho con cháu, cho dòng tộc được hưởng mọi sự tốt lành. Người Nùng có tục mừng tiền cho các thành viên trong gia đình và cho trẻ con các nhà hàng xóm, bạn bè.
Tết của dân tộc Tày
Mùa xuân trên Tây Bắc. |
Ngày 27 hay 28, các gia đình đã thịt lợn, gói bánh chưng. Người ta lau dọn nhà cửa, chỉnh trang bàn thờ và buộc bốn cây mía vào 4 góc chân bàn thờ. Theo quan niệm của người dân tộc Tày, bốn gậy này để tổ tiên chống gậy về ăn Tết.
Do người Tày kiêng sáng mùng một có người không mời mà vào nhà nên ngay tối 30, mọi người sẽ đến chơi nhà nhau, người phụ nữ cùng nhau làm bánh khảo hay chè lam để tết đãi khách. Sáng mùng một, người xông nhà sẽ là người được mời trước, thường là người già trong bản, người có phúc lớn…
Sau ngày mùng một, người dân mặc những bộ quần áo đẹp nhất đến chơi nhà nhau, chúc tụng nhau một năm con cháu đầy nhà, trâu lợn đầy đàn và an vui hạnh phúc. Ngày Tết của người Tày thường có hội lồng tồng (xuống đồng) để cầu mong một mùa màng bội thu.
Bài và ảnh: Anh Phương
Nguồn: Vnexpress.net