Doanh nghiệp và khách hàng cùng… hồi hộp với tour tết

0
14
Doanh nghiệp và khách hàng cùng... hồi hộp với tour tết - Ảnh 1.

Doanh nghiệp và khách hàng cùng... hồi hộp với tour tết - Ảnh 1.

Khách đeo khẩu trang khi đến mua sắm tại một trung tâm thương mại ở quận 1, TP.HCM chiều 5-12 – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Khách lo mất một phần tiền đặt cọc, doanh nghiệp hạn chế quy mô tour, không dám nhận đặt nhiều vé… Dịch COVID-19 quay lại khiến kinh doanh tour tết hồi hộp hơn bao giờ hết.

Hi vọng khách trở lại mua tour

Theo các doanh nghiệp du lịch, lữ hành trên địa bàn TP.HCM, khi có ca dương tính trong cộng đồng thì có hiện tượng khách hủy tour, nhưng cuối tuần qua tình hình bắt đầu dịu lại. Một số khách là tour đoàn có lịch khởi hành vào dịp Tết dương lịch liên hệ hỏi về tình hình và cho biết đang chờ thêm diễn biến khống chế dịch, nếu vẫn có ca nhiễm mới thì hủy tour.

Dù không diễn ra đồng loạt, thiệt hại vì hủy tour chưa nhiều nhưng tâm lý khách hàng khá lo lắng, các kế hoạch đặt tour đều tạm dừng lại khiến thị trường du lịch tết chững mạnh. Theo ông Nguyễn Quốc Kỳ – chủ tịch hội đồng quản trị Công ty Vietravel Holdings, TP.HCM là thị trường cung cấp nguồn khách cho các địa phương nên ngay khi có thông tin ca dương tính trong cộng đồng, doanh nghiệp du lịch ở đây chịu thiệt hại nhiều nhất do nhiều đơn vị, tour đoàn hủy.

Tại doanh nghiệp này, trước thời điểm TP.HCM phát hiện ca dương tính trong cộng đồng, có khoảng 36.000 khách mua tour trong tháng 12 và Tết dương lịch 2021 nhưng tình hình đang không tốt. 

“Mặc dù TP đã truy vết và hạn chế lây lan, nhưng cũng gây tác động khá nghiêm trọng đến doanh nghiệp, cơ sở dịch vụ vốn đã rệu rã sau 2 đợt dịch trước”, ông Kỳ nói.

Đại diện Công ty du lịch TST cho biết dù khách hủy tour không nhiều nhưng sức mua giảm sút thấy rõ. “Tâm lý khách hàng không còn háo hức nữa mà dè chừng. Với tình hình khống chế dịch khả quan, chúng tôi hi vọng khách bắt đầu đặt tour trở lại từ sau ngày 15-12”, đại diện TST cho biết.

Nhiều doanh nghiệp cho biết đang đối mặt với khó khăn mới do phần lớn việc hủy, hoãn tour lúc này rơi vào nhóm tour đoàn. Các doanh nghiệp, đoàn thể lo ngại việc tổ chức những đoàn tour đông người sẽ ảnh hưởng đến công tác chống dịch, riêng khách gia đình, nhóm nhỏ vẫn giữ lịch khởi hành bình thường.

Trước khi TP.HCM có ca lây trong cộng đồng, thị trường tour tết đã sớm khởi động. Tỉ lệ khách đăng ký tour Tết âm lịch vào khoảng 20-30% kế hoạch bán hàng ở nhiều đơn vị, trong khi tour dịp Giáng sinh và Tết dương lịch gần như đã chốt sổ.

Cần tiếp tục đặt ra vấn đề hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau giữa các doanh nghiệp… Những ngày qua, các hãng hàng không vẫn phạt 100% vé đã xuất của doanh nghiệp lữ hành với lý do chưa có lệnh giãn cách xã hội và cấm bay nên không được coi là dịch bệnh.

Ông Nguyễn Quốc Kỳ

Đi du lịch tự lái theo nhóm gia đình

Theo bà Trần Thị Bảo Thu – giám đốc tiếp thị và truyền thông Lữ hành Fiditour – Vietlux, tâm lý bị ảnh hưởng từ dịch COVID-19 đã khiến hành vi tiêu dùng của du khách trong mùa tết thay đổi khá nhiều, khách đặc biệt nhạy cảm về giá. 

Năm nay sản phẩm du lịch nội địa là thị trường chính nên lượng cầu có thể tăng và tập trung vào một số tuyến, điểm “nóng”, có lịch sử y tế an toàn (đến thời điểm này) như Phú Quốc, Đà Lạt, Vũng Tàu… khiến các công ty lữ hành phải nghiên cứu kỹ để lên kế hoạch, cân bằng hợp lý khả năng cung – cầu rất khó dự đoán dịp tết năm nay.

Xu hướng du lịch với hình thức đi xe tự lái theo nhóm gia đình, bạn bè được dự đoán sẽ lên ngôi dịp tết năm nay. Để thích ứng, ông Lại Minh Duy, tổng giám đốc Công ty du lịch TST, cho biết đơn vị sẽ tập trung vào dòng tour caravan (du lịch bằng ôtô) đi các tỉnh miền Tây. Doanh nghiệp cũng ấp ủ một hành trình tour xuyên Việt, tận dụng khoảng thời gian nghỉ tết 7 ngày.

“Nhiều gia đình trung lưu ở TP có ôtô. Chúng tôi nhắm đến dòng khách hàng này, tăng các tour trải nghiệm, khám phá với chất lượng cao hơn”, ông Duy nói.

Ông Trần Thanh Vũ, tổng giám đốc Vinagroup Travel, cho biết 80% khách hàng của doanh nghiệp là đi nước ngoài các năm trước, năm nay họ chuyển về du lịch nội địa, đòi hỏi chất lượng cao hơn, đó là điều các doanh nghiệp khai thác thị trường tết phải chú ý. 

“Chúng tôi tập trung tiếp cận nhóm khách hàng có nhu cầu đi du lịch bằng máy bay như đi Côn Đảo, Phú Quốc, Đà Nẵng… với cam kết chất lượng dịch vụ tương đương quốc tế” – ông Vũ nói, nhưng cho hay hiện vẫn rất hồi hộp.

Doanh nghiệp và khách hàng cùng... hồi hộp với tour tết - Ảnh 3.

Trước tình hình dịch bệnh, ngành du lịch Khánh Hòa sẽ hạn chế các chương trình khuyến mãi nhưng nâng cao chất lượng dịch vụ của du khách – Ảnh: XUÂN THÀNH

An toàn cho 3 bên

Theo ông Võ Anh Tài – phó tổng giám đốc Tổng công ty Du lịch Sài Gòn, để du khách có quyết định mạnh mẽ đi du lịch cuối năm cần tính đến yếu tố an toàn, gồm an toàn cho du khách, doanh nghiệp và cả cơ quan quản lý nhà nước. Trong đó du khách có cảm thấy an toàn, gồm cả an toàn về sức khỏe lẫn an toàn về tài chính, đảm bảo được giải quyết tốt chuyện hủy tour, hủy dịch vụ… trong trường hợp dịch bùng phát và các quyền lợi khác thì mới khuyến khích khách lên đường.

“Chúng tôi đề xuất cơ chế du lịch an toàn, có sự phối hợp liên ngành, liên vùng, từ trung ương đến các địa phương để xây dựng cơ chế này về mọi mặt, kể cả pháp lý, phải có những kịch bản ứng phó ngay khi dịch bệnh bùng phát hoặc tái phát dịch”, ông Tài nói.

Chị Q.Hường (Q.12) cũng cho rằng cần cơ chế để tránh trường hợp hủy tour do dịch nhưng du khách lại phải chịu thiệt. Bởi năm ngoái gia đình chị đã đặt tour đi nước ngoài nhưng dịch bùng phát, tour không thể thực hiện được. Đóng hơn 60 triệu đồng nhưng công ty du lịch chỉ đồng ý trả cho gia đình chị 80% giá trị hợp đồng và mãi sau 3 tháng mới trả. 

Rút kinh nghiệm, năm nay chị Hường không đặt tour quá sớm. Nếu đơn vị nào có chính sách cam kết bảo vệ quyền lợi khách hàng tốt hơn, chị mới chuyển tiền đặt cọc.

Ông Nguyễn Quốc Kỳ nhấn mạnh từ sự cố dịch lần này tiếp tục đặt ra vấn đề hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau giữa các doanh nghiệp lữ hành – hàng không cũng như các doanh nghiệp khác trong chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch. 

“Những ngày qua, các hãng hàng không vẫn phạt 100% các vé đã xuất của doanh nghiệp lữ hành với lý do chưa có lệnh giãn cách xã hội và cấm bay nên không được coi là dịch bệnh”, ông Kỳ nói.

Với tình trạng hiện nay, không chỉ khách mà ngay doanh nghiệp cũng e dè. Nhiều doanh nghiệp du lịch cho biết hiện dù nhận được booking của khách nhưng doanh nghiệp hạn chế quy mô tour. “Mỗi tour của chúng tôi đều không quá 20 khách. Ngay đặt cọc với hãng bay cũng chừng mực vì nếu ôm nhiều vé thì rủi ro càng lớn, dù thị trường dự báo vẫn có thể bùng nổ vào phút cuối”, lãnh đạo một doanh nghiệp nói.

Giá tour tết có thể giảm 15-30%

Theo các doanh nghiệp, mặc dù tết nhưng giá tour nội địa năm nay tiết kiệm 15-30% so với Tết 2020. Đây là diễn biến tương đối khá lạ so với các năm, khi tour tết luôn có mặt bằng giá cao hơn so với các tour khởi hành trong năm vì nhu cầu cao, áp lực về nhà cung cấp lớn.

Các doanh nghiệp cho biết việc giảm giá có được nhờ công ty du lịch làm việc trực tiếp với doanh nghiệp cung ứng dịch vụ. Ngoài ra, các chương trình liên kết vùng giữa TP.HCM và các địa phương cũng bắt đầu cho thấy hiệu quả.

Về chính sách rủi ro, trường hợp tour tuyến bị hủy sát ngày khởi hành, các doanh nghiệp cho biết các gói tour hiện nay đều có thêm phí bảo hiểm cho rủi ro này. Tuy vậy, với một số chi phí của gói tour như vé máy bay, việc hoàn trả tiền tour 100% là rất khó. Tuy vậy, nhiều doanh nghiệp khẳng định đã ra chính sách để khách không bị mất tiền mà được bảo lưu giá trị tour và được lựa chọn sử dụng theo kế hoạch phù hợp.

Cầu trời dịch đừng quay lại!

Ông Bùi Quốc Thái, phó giám đốc Sở Du lịch Kiên Giang, cho hay theo dự kiến, từ nay đến cuối năm và dịp Tết cổ truyền Tân Sửu ngành du lịch của địa phương sẽ tổ chức hàng loạt sự kiện, nay đều phải dừng, như: hội chợ thương mại Thái Lan tại TP Rạch Giá; lễ ký kết hợp tác du lịch giữa 2 tỉnh Kiên Giang – Lâm Đồng; các sự kiện thể thao, trải nghiệm sản phẩm du lịch mới tại các khu nghỉ dưỡng cao cấp ở Phú Quốc…

Ông Lâm Minh Thành, chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, cũng vừa chỉ đạo các ngành, địa phương thực hiệm nghiêm các biện pháp phòng chống dịch COVID-19. Trong đó tập trung quản lý chặt các cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới bộ, biên giới biển, cảng biển, cảng hàng không, bến tàu xe, các khu vực công cộng…

Tại đảo Phú Quốc, đại diện một số doanh nghiệp lữ hành cho biết hiện có 60-70% khách nội địa mua tour theo nhóm, đoàn thông báo chuyển thời gian hoặc hủy tour do tâm lý lo ngại.

Ông Phạm Xuân Hải, đại diện resort 4 sao Sài Gòn – Phú Quốc tại Phú Quốc, cho hay từ đầu năm đến nay lượng khách tới lưu trú ở đây luôn thấp hơn nhiều năm, ít nhất là 30%.

“Chúng tôi hi vọng rất nhiều vào dịp cuối năm sẽ tăng cường khuyến mãi để hút khách bù lại phần nào doanh thu, nhưng tình hình này chưa biết ra sao, đành theo dõi diễn biến dịch bệnh rồi tính tiếp” – ông Hải bộc bạch.

Theo ngành du lịch Kiên Giang, khi dịch tạm lắng lần đầu, nhiều khách sạn, resort cao cấp 4, 5 sao trên đảo Phú Quốc đều tung chương trình khuyến mãi, giảm giá 10-30% cho khách đặt phòng.

K.NAM

Đà Nẵng hồi hộp dõi theo TP.HCM chống dịch

Với các gói giảm giá, ưu đãi hấp dẫn, doanh nghiệp du lịch Đà Nẵng kỳ vọng đến cuối năm 2020 thị trường khách nội địa sẽ phục hồi về mức tương đương năm 2019.

5-12 da nang 4 1(read-only)

Du khách thực hiện các biện pháp phòng dịch COVID-19 theo đúng yêu cầu của chính quyền TP Đà Nẵng – Ảnh: Trần Lực

Đà Nẵng nín thở…

Ông Cao Trí Dũng, chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, cho biết các doanh nghiệp du lịch vừa vui mừng vì lượng khách đặt tour về Đà Nẵng tăng trưởng tốt nhưng cũng lo lắng khi dịch COVID-19 xuất hiện trở lại tại TP.HCM. Lượng đặt tour những ngày qua đang có dấu hiệu chững lại, đã xảy ra tình trạng hoãn, hủy tour. Một số khác đang chờ xem tình hình kiểm soát dịch bệnh rồi mới chốt ngày khởi hành.

Một khu du lịch lớn ở huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng mấy ngày trước còn hào hứng đón đoàn hàng trăm khách mỗi ngày thì nay trở lại cảnh đìu hiu, lèo tèo vài chục khách. Nhân viên vừa được gọi lại làm việc chưa kịp vui mừng đã buồn lại.

Đại diện khu du lịch này cho biết khách phía Bắc và phía Nam giảm mạnh nên đơn vị tập trung khai thác du khách miền Trung với gói kích cầu du lịch Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam và “chạy” chương trình Người Đà Nẵng đi du lịch Đà Nẵng. Trước đây quảng bá vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng thì nay khu du lịch thiên về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe nhiều hơn. “Hi vọng dịch bệnh không lan tới Đà Nẵng” – vị này nói.

Mong dập dịch nhanh, kiểm soát tốt

Ông Nguyễn Như Nam, tổng thư ký Hội Lữ hành Đà Nẵng, nói chỉ cần dịch bệnh bùng phát lần 3, nhiều doanh nghiệp sẽ chết. Do đó họ rất ý thức chủ động phòng chống dịch. Tất cả đang nín thở trông chờ thị trường phát triển để bù đắp chi phí phải bỏ ra. Ông Nam nhận định sức hút đối với du lịch Đà Nẵng đang rất mạnh do hiệu quả của gói kích cầu 3 tỉnh thành miền Trung và mong muốn cơ quan chức năng tiếp tục kiểm soát tốt, không buông lỏng phòng chống dịch. Ông hi vọng TP.HCM sẽ có biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt để dập dịch nhanh chóng.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Trương Thị Hồng Hạnh, giám đốc Sở Du lịch TP Đà Nẵng, cho hay sở đã hướng dẫn các doanh nghiệp đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh, yêu cầu ký cam kết thực hiện nghiêm việc phòng chống dịch. Bên cạnh tập huấn, phổ biến quy trình đảm bảo an toàn phòng chống COVID-19, sở tổ chức hàng chục chuyến kiểm tra để hướng dẫn, nhắc nhở thêm.

Lượng khách đặt tour đến Đà Nẵng dịp cuối năm tăng trưởng sau chương trình kích cầu lần 2, nhưng đang bị dịch COVID-19 đe dọa.

TẤN LỰC

* Bà Trương Thị Hồng Hạnh (giám đốc Sở Du lịch TP Đà Nẵng):

Tour Giáng sinh đắt khách

Theo thống kê từ các doanh nghiệp, sau một tuần triển khai kích cầu lần 2, số khách đặt tour đến Đà Nẵng dịp cuối năm 2020 và năm mới 2021 tăng trưởng tốt. Trong đó các hãng hàng không Vietnam Airlines, Bamboo Airways và Vietjet Air báo 40-50% vé đợt Giáng sinh và Tết dương lịch về Đà Nẵng đã được đặt. Một số đoàn lớn đã đặt tour cho tháng 12-2020 với gần 8.000 khách. Theo Sở Du lịch, gói kích cầu lần 2 là sức hút du khách mùa Giáng sinh và năm mới 2021 tới Đà Nẵng.

Khánh Hòa vừa tung ưu đãi vừa chống dịch

512 du lich (2) 5(read-only)

Dùng vòng đeo tay thông minh – giải pháp mới phòng chống dịch COVID-19 – Ảnh: TUẤN ANH

Du lịch Khánh Hòa đang triển khai nhiều giải pháp để thu hút khách du lịch vào dịp lễ Giáng sinh và đón năm mới 2021. Tuy nhiên trước nguy cơ COVID-19 quay lại, các doanh nghiệp đang làm mọi biện pháp để hút khách đồng thời giữ an toàn trước dịch.

Tại Alma resort, bên cạnh việc xúc tiến thu hút du khách qua chương trình “Mùa lễ hội đầu tiên” (từ ngày 20-12-2020 đến 2-1-2021) với nhiều hoạt động thú vị chào đón Giáng sinh và năm mới, khu du lịch này cung cấp vòng đeo tay thông minh cho du khách. Vòng đeo tay này nhằm hạn chế sử dụng tiền mặt trong khu nghỉ dưỡng. Chiếc vòng còn được sử dụng thay cho chìa khóa phòng thông thường. Khách hàng chỉ cần thanh toán một lần khi check-out thay vì phải trả tiền mặt cho mỗi lần sử dụng dịch vụ.

Ông Lê Văn Sơn – giám đốc khách sạn Liberty – cho hay ngoài việc đo thân nhiệt, đặt dung dịch rửa tay trước cửa phòng và yêu cầu khách mang khẩu trang… khách sạn sẽ làm việc thông qua website, điện thoại, thanh toán qua mã QR để hạn chế tiếp xúc giữa khách và nhân viên.

Ông Trần Minh Đức, phó giám đốc Công ty cổ phần du lịch Long Phú, cho biết công ty hướng tới các khách đoàn lớn để tổ chức các sự kiện cuối năm. Nhiều khách đặt tour nhưng chưa quyết định có đi hay không vì dịch, một số đoàn đã hoãn tour. Nhằm ứng phó, công ty hỗ trợ để khách đi với số lượng đông sẽ tách làm hai đoàn, mỗi đoàn không quá 20-30 người để tránh đông người.

Bà Nguyễn Thị Lệ Thanh, phó giám đốc Sở Du lịch Khánh Hòa, cho rằng từ trước đến nay ngành du lịch Khánh Hòa vẫn luôn duy trì các biện pháp phòng chống dịch đảm bảo an toàn cho du khách. Bên cạnh việc giảm giá, ngành du lịch sẽ tập trung thu hút du khách bằng chất lượng dịch vụ, an toàn, các sản phẩm mới… Du khách có thể ngồi tại nhà lựa chọn tour tuyến phù hợp mà không cần phải đặt vé, booking tận nơi.

MINH CHIẾN

Nguồn: Dulich.tuoitre.vn