(VTC News) – Thị trường đang ở giai đoạn khó khăn nhất, các doanh nghiệp BĐS tại TP.HCM phải tự cứu lấy mình bằng cách đổ về vùng ven làm du lịch – nghỉ dưỡng.
Thị trường ở giai đoạn khó khăn nhất
Gần đây, nhiều đơn vị nghiên cứu về bất động sản tại TP.HCM đồng loạt tổ chức hội thảo về tình hình thị trường kinh doanh địa ốc. Các ý kiến đều cho rằng, hiện thị trường bất động sản TP.HCM đang ở thời kỳ khủng hoảng, khó khăn nhất.
Cụ thể, theo báo cáo về thị trường bất động sản TP.HCM quý I/2019 của Savills Việt Nam, nguồn cung căn hộ trên địa bàn đang sụt giảm mạnh, giảm đến 34% theo quý và 57% theo năm. Còn báo cáo thị trường bất động sản nhà ở TP.HCM quý I/2019 của Công ty Cổ phần DKRA Việt Nam thì thị trường đang sụt giảm nghiêm trọng cả về nguồn cung lẫn giao dịch trong 3 năm trở lại đây.
Về vấn đề này, ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết, nguồn thu ngân sách trong năm 2018 giảm 22,5% và hai tháng đầu năm 2019 giảm đến 76% so cùng kỳ.
Tổng nợ thuế trong hai tháng đầu năm lên đến 10.110 tỷ đồng, tăng 13,5% so với cuối năm 2018. Trong đó, các khoản nợ liên quan tới đất đai chiếm 1.370 tỷ đồng và 76 doanh nghiệp xây dựng nợ tiền sử dụng đất 794 tỷ đồng.
“Trong quý I/2019, số lượng dự án mà Sở Xây dựng TP.HCM phê duyệt giảm đến 63%, chỉ cấp 8.472 giấy phép xây dựng (cả nhà dân và dự án), giảm 16% so với cùng kỳ năm trước. Số lượng hợp đồng nhận thầu xây lắp của các doanh nghiệp xây dựng cũng bị sụt giảm từ 30% – 50% do các chủ đầu tư bất động sản thiếu nguồn dự án mới”, ông Châu nói.
Theo ông Châu, quá trình rà soát, thanh tra hàng loạt dự án thời gian qua kéo dài đã ảnh hưởng rất lớn đến doanh nghiệp vì chi phí vốn, lãi vay ngân hàng tăng và mất cơ hội kinh doanh. Minh chứng cụ thể là nguồn cung nhà ở bị sụt giảm, gây bất lợi cho cả người mua nhà và thị trường bất động sản.
Đứng giữa “tâm bão” khủng hoảng của thị trường, các doanh nghiệp bất động sản phải tìm đường “cứu lấy mình” bằng cách “ồ ạt” đổ về các vùng ven để mở rộng thị trường. Bởi đã thành quy luật tất yếu, nếu như tất cả các doanh nghiệp chỉ tập trung đầu tư vào một địa bàn thì nguồn lực tại địa bàn đó cũng đến lúc cạn kiệt.
“Đổ” về vùng ven
Bài liên quan
Doanh nghiệp bất động sản TP.HCM đang ở thời kỳ khó khăn nhất
Đâu là điểm sáng bất động sản quý 1/2019?
Theo quan sát thực tế thời gian qua, thị xã La Gi (Bình Thuận), Mũi Dinh (Ninh Thuận), TP. Biên Hoà (Đồng Nai) và phía Nam khu vực Long Sơn, Long Hải, TP. Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu)… đang trở thành những điểm đến mới nổi của dòng vốn đầu tư vào lĩnh vực bất động sản.
Không thể phủ nhận một thực tế là bất động sản nghỉ dưỡng đang trở thành một kênh đầu tư hấp dẫn đối với cả nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Đây cũng là lý do bất động sản nghỉ dưỡng đang ngày càng “nóng”.
Điển hình, Công ty cổ phần đầu tư kinh doanh Địa ốc Hưng Thịnh (Hưng Thịnh Corp) – một “ông lớn” trong lĩnh vực bất động sản TP.HCM hiện cũng đang mở rộng sang lĩnh vực bất động sản du lịch – nghỉ dưỡng theo định hướng phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của Chính phủ.
Theo đó, doanh nghiệp này vừa “rót” hàng nghìn tỷ đồng để thực hiện 4 dự án có quy mô lớn ngay trung tâm TP. Vũng Tàu. Trong thời gian tới, Hưng Thịnh Corp sẽ tung dự án mới tại Bình Định, Khánh Hoà.
Tập đoàn Novaland cũng đang từng bước mở rộng phát triển bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng và dịch vụ du lịch tại các thành phố có tiềm năng du lịch lớn như Phú Quốc, Cần Thơ, TP.HCM, Bà Rịa – Vũng Tàu, Phan Thiết – Bình Thuận, Ninh Thuận, Cam Ranh – Khánh Hòa,…
Mục tiêu của doanh nghiệp này là phối hợp với các nhà tư vấn, các đơn vị vận hành chuyên nghiệp để tạo ra những “Điểm đến tuyệt hảo” của khách du lịch nội địa và quốc tế, nhằm đưa những nơi này thành trung tâm du lịch – nghỉ dưỡng – giải trí của khu vực, góp phần ghi dấu ấn của Việt Nam trên bản đồ du lịch thế giới.
NovaWorld – một trong ba thương hiệu sản phẩm của bất động sản du lịch nghỉ dưỡng của Novaland là mô hình đô thị du lịch nghỉ dưỡng giải trí có quy mô từ 100ha trở lên, với các hình thức lưu trú đa dạng như nhà phố – biệt thự nghỉ dưỡng, khách sạn, resort, nhà phố thương mại… cùng đa dạng loại hình khu vui chơi, giải trí cao cấp.
Tương tự, Công ty Cổ phần Phát triển Nhà Thủ Đức (Thuduc House) cũng sẽ mở rộng quỹ đất ở các tỉnh, thành phố ngoài thị trường TP.HCM, tập trung vào phân khúc nhà ở cao cấp, nhà ở trung bình – thu nhập thấp và hợp tác phát triển những dự án khu phức hợp.
Với kỳ vọng việc mở rộng quỹ đất sẽ đảm bảo nguồn cung đến năm 2025 và sẽ mang lại doanh thu và lợi nhuận ổn định, trong thời gian tới Thuduc House sẽ mở rộng đầu tư bất động sản vào các thị trường mới như Quảng Ngãi, Bình Dương, Cần Thơ…
Có thể thấy, sự “đổ bộ” của các chủ đầu tư lớn vào các tỉnh vùng ven đã làm cho thị trường bất động sản những địa bàn này thêm phần sôi động. Hơn nữa, khi có nhiều doanh nghiệp tên tuổi đầu tư thì thị trường bất động sản càng cạnh tranh, nhà đầu tư, người dân có thêm nhiều sự lựa chọn, giá cả sẽ hợp lý, dự án sẽ chất lượng, bảo đảm tính pháp lý hơn.
‘Hiến kế’ tháo gỡ hàng loạt vấn đề ‘nóng’ nhà chung cư ở TP.HCM
HoREA đã đề xuất tới Thủ tướng Chính phủ những giải pháp giúp giải quyết vướng mắc, bất cập trong công tác quản lý, vận hành nhà chung cư tại TP.HCM.
Giải quyết 9 ách tắc lớn khiến nguồn cung bất động sản TP.HCM giảm mạnh
Theo HoREA, việc nhiều dự án bất động sản bị ách tắc sẽ dẫn đến nguồn cung dự án và sản phẩm nhà ở sụt giảm mạnh, kéo theo việc tăng giá bất động sản.
Nguồn: Vtc.vn