Sau nhiều ý kiến về việc bán đồ gia dụng, quần áo, ghế massage trong festival, ban tổ chức cho biết sẽ di dời các gian hàng không phù hợp.
Festival “Văn hoá truyền thống Việt Nam và giao lưu văn hoá quốc tế 2019” đang diễn ra tại khu di tích Hoàng thành Thăng Long (5-9/4) nhận được nhiều ý kiến trái chiều, khi có sự xuất hiện của các gian hàng bày bán sản phẩm không đúng với tiêu chí của lễ hội.
Các sản phẩm tại đây gồm ghế massage, đồ dệt may công nghiệp, đồ lót nam nữ, hàng gia dụng, đồ chơi có chữ Trung Quốc. Một số gian hàng mang nét văn hoá Việt Nam bán nông sản như gia vị, củ, rễ cây, đồ chơi gỗ phủ sơn ta và đồ thờ cúng. Khi có khách chụp ảnh, chủ một gian hàng quần áo lập tức xua đuổi với lý do “từ sáng đến giờ có nhiều người chụp ảnh rồi”.
Gian hàng bán đồ dệt may âu phục tại festival đang diễn ra tại Hoàng thành. |
Đến tham quan hội chợ ngày cuối tuần, anh Nguyễn Văn Hữu (Cầu Giấy) nhận xét: “Tôi thấy có khá nhiều gian hàng thể hiện văn hoá truyền thống nhưng cũng xuất hiện các gian hàng bày bán sản phẩm không liên quan. Tôi thấy không nên có những mặt hàng này xuất hiện tại Hoàng thành Thăng Long”.
Anh Nguyễn Tiến Đạt, phó giám đốc một doanh nghiệp lữ hành, sau khi tham quan sự kiện cho biết: “Đến hơn ba phần tư các gian hàng theo tôi ước tính là không liên quan gì đến văn hoá truyền thống. Các gian hàng bán quần áo hàng chợ có cả đồ lót bán theo lô, cạnh đó là hàng bán đồ thông tắc vệ sinh, trong cùng là dãy hàng gia dụng đủ thứ đồng giá 39.000 đồng một món”.
Nguyễn Thị Lệ Thuý, sinh viên học viện Nông Nghiệp đến sự kiện cùng bạn trai cho hay: “Hội chợ này không gắn liền với cái tên, tôi không thấy văn hoá Việt Nam được thể hiện nhiều tại đây. Chẳng hạn quầy bán đồ ăn cũng không thấy các món Việt mà chủ yếu là đồ nước ngoài. Lúc nãy chúng tôi đã ăn món gimbap”.
Tuy nhiên, ông Trần Phát Hào (quận Hoàng Mai), một khách tham quan khác lại cho rằng không gian khu di tích rộng nên các gian hàng quần áo, đồ gia dụng bán xen kẽ vào để đông vui, đa dạng hơn. “Tôi ít có điều kiện đi đến các vùng biên giới, khi đến đây thì thấy khá nhiều sản vật của các vùng miền cũng thấy lạ và hay”, ông Hào nói thêm.
Các mặt hàng đồ gia dụng tại sự kiện. |
Giải thích về việc này, bà Hồ Như Quỳnh, trưởng ban tổ chức festival cho biết: “Các gian hàng bày bán sản phẩm không liên quan là có và họ đã làm sai, bán những thứ không giống với hợp đồng ký kết ban đầu. Trong chiều nay chúng tôi sẽ chuyển các gian hàng như vậy ra ngoài”.
Ngoài ra bà Hồ Như Quỳnh cũng thông tin thêm, mục đích chính của festival là hướng tới các hoạt động nghệ thuật trình diễn, ca múa nhạc. “Các bối cảnh phục dựng về làng quê, gian hàng chỉ là yếu tố đi kèm để làm hình ảnh cho sự kiện. Đây là lần đầu tiên chúng tôi tổ chức nên kinh phí hạn hẹp, mong nhận được thông cảm từ khách tham quan”, bà Quỳnh nói.
Sự kiện bán vé vào cửa cho khách tham quan. Tuy nhiên giá vé liên tục được điều chỉnh. Ngày thứ hai diễn ra lễ hội (6/4), giá vé từ 100.000 đồng mỗi người lớn giảm xuống còn 80.000 đồng. Đến ngày hôm sau (7/4), ban tổ chức miễn phí vé vào cửa và thông báo sẽ bán vé trở lại sau 16h với giá từ 25.000 – 50.000 đồng một người để xem các tiết mục trình diễn tại đây, miễn phí với trẻ em, học sinh và sinh viên.
Giải thích về việc này, bà Hồ Như Quỳnh cho biết giá vé liên tục giảm do “ban tổ chức tiếp thu nhiều ý kiến phản hồi không tốt từ quan khách”.
Bối cảnh phục dựng tại khu trung tâm sự kiện. |
Festival “Văn hoá truyền thống Việt Nam và giao lưu văn hoá quốc tế 2019” kéo dài trong 5 ngày, được tổ chức bởi câu lạc bộ Bảo tồn và phát triển văn hóa di sản Việt phối hợp cùng doanh nghiệp. Theo ban tổ chức, ngoài bảo tồn, lưu giữ và phát triển các giá trị truyền thống, lễ hội còn nhằm kết nối văn hóa Việt với bạn bè quốc tế và tưởng nhớ ngày giỗ vua Lý Thái Tổ, vị vua khai sinh ra khu di tích Hoàng thành ngày nay. Một số tiết mục biểu diễn nghệ thuật tại đây là hát chầu văn, ca Huế, cồng chiêng Tây Nguyên…
Kiều Dương
Nguồn: Vnexpress.net