Từ điểm nhóm truyền giáo Phục Hưng ở quận Gò Vấp, TP.HCM chỉ còn một huyện chưa xuất hiện ca bệnh. Thành phố đối mặt đợt bùng phát dịch nguy hiểm chưa từng có.
Đêm 26/5, chị N.T.K.C. (38 tuổi, ngụ xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn) đến khám tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP.HCM) do sốt, ho, mất khứu giác dù không có yếu tố dịch tễ. Tối đó, cặp vợ chồng ở phường Thạnh Lộc, quận 12, cũng tới bệnh viện trên khám vì có triệu chứng viêm đường hô hấp.
Kết quả, cả 3 người dương tính với nCoV. Như một cú nổ lớn, cả ngành y tế TP.HCM chao đảo bởi hàng loạt ca bệnh phức tạp, liên quan điểm nhóm truyền giáo Phục Hưng và nhiều ổ dịch chưa rõ nguồn lây. Hàng trăm nhân viên y tế, đội truy vết, tổ Covid-19 cộng đồng cùng nhau bước vào hành trình chống chọi đợt dịch nghiêm trọng, nguy hiểm nhất từ trước tới nay.
Chỉ sau 15 ngày (27/5-10/6), TP.HCM ghi nhận 610 ca mắc Covid-19 – con số cao nhất trong lịch sử chống dịch của thành phố. Tổng số bệnh nhân trong cả đợt dịch từ ngày 27/4 tới nay của TP.HCM đang xếp thứ 4 cả nước.
“Cơn bão” Covid-19
Khi phát hiện ra 3 ca dương tính nói trên, điều đầu tiên mà những người làm công tác truy vết, chống dịch tại TP.HCM nghĩ tới đó là nguồn lây ở đâu. Mọi chuyện đã sáng tỏ khi họ tìm thấy điểm chung giữa cả ba người: Cùng sinh hoạt tôn giáo tại điểm nhóm truyền giáo Phục Hưng ở quận Gò Vấp.
“Như tia sáng, chúng tôi lập tức điều tra dịch tễ và xác định được nơi sinh hoạt của nhóm tôn giáo này. Toàn bộ thành viên, bao gồm người đứng đầu, thư ký nhóm được lấy mẫu xét nghiệm. Cũng từ đây, ổ dịch này được ngành y tế phát hiện. Chúng tôi xác định đây sẽ là đêm rất dài của nhân viên y tế”, bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC) nói.
Tính đến tối 11/6, theo Bộ Y tế công bố, ổ dịch điểm nhóm truyền giáo Phục Hưng đã lên tới 441 người. Các bệnh nhân liên quan ổ dịch phân bố trải khắp 20/22 quận, huyện của thành phố. Đặc biệt, từ F0 là các thành viên của điểm nhóm, hàng loạt ổ dịch nhỏ khác tại tòa nhà, văn phòng, công ty, khách sạn, quán cà phê, khu dân cư xuất hiện cùng lúc.
Đồ họa: Thiên Nhan. |
Ở điểm nhóm truyền giáo Phục Hưng, tổng số thành viên mắc Covid-19 là 40/55, tỷ lệ 70%. Theo ông Nguyễn Tấn Bỉnh, các hội viên này sống ở 16/22 quận, huyện và lây nhiễm tiếp cho các bệnh nhân tại nơi họ sống và làm việc, hình thành các ổ dịch tại 20/22 quận huyện và 6 tỉnh miền Nam (gồm Long An, Bình Dương, Đồng Tháp, Tây Ninh, Trà Vinh, Bạc Liêu).
Sau đó, dịch từ nhóm tôn giáo đã lan ra 6 nhánh, gồm Khách sạn Sheraton (12), chuỗi cà phê Trung Nguyên 104 Phổ Quang (63), trường Mầm non song ngữ Kid Town (29), nhà trọ ở hẻm Dương Quảng Hàm, quận Gò Vấp (23), Công ty TNHH phát triển giải pháp tầm nhìn IDS (50), Công ty CNHH Đầu tư Dịch vụ Thiên Tú FN (91).
Trong chuỗi lây nhiễm của nhóm truyền giáo có 4 ca làm việc trong 4 khu công nghiệp riêng biệt. Các ca này chưa ghi nhận có lây lan. Về cơ bản, ngành y tế đều đã kiểm soát, các ca mắc mới xuất hiện trong khu vực phong tỏa, ít có nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng.
Ngoài ổ dịch Covid-19 nghiêm trọng liên quan điểm nhóm truyền giáo Phục Hưng, TP.HCM đang đối mặt nhiều F0 lang thang ngoài cộng đồng, được phát hiện qua khám sàng lọc tại bệnh viện. Tổng số F0 thuộc trường hợp này là 48 người.
Đây đều là những ổ dịch chưa rõ nguồn lây, gồm chùm ca bệnh liên quan xưởng cơ khí ở Hóc Môn (28), chung cư Ehome (21), đường số 11, Hiệp Bình Phước TP Thủ Đức (6) và ấp Tân Thới 2, Tân Hiệp, Hóc Môn (10).
Ba điểm khác biệt của đợt dịch
Ổ dịch liên quan điểm nhóm truyền giáo Phục Hưng được đánh giá là nghiêm trọng nhất, nguy hiểm nhất từ trước đến nay ở TP.HCM. Từ đây, thành phố có những diễn biến dịch phức tạp và nhiều khác biệt so với chùm ca bệnh ghi nhận trước đó.
Lần đầu tiên virus lan đến vòng lây thứ 5. Theo HCDC, điều này xuất phát từ hai nguyên nhân. Thứ nhất, khi phát hiện dịch đã âm thầm lây lan trong cộng đồng.
Thứ hai, biến chủng gây bệnh lại là biến chủng B.1.617.2. (biến chủng Delta) với kỳ lây nhiễm ngắn 2-3 ngày. Một số trường hợp sau phơi nhiễm 3 ngày đã có thể lây bệnh cho người khác. Điều này khiến virus lây lan rất nhanh.
Khi phát hiện chùm ca bệnh liên quan điểm nhóm Hội thánh, các trường hợp đã lây nhiễm ở chu kỳ thứ 3. Trong quá trình truy đuổi, ngành y tế phát hiện thêm các trường hợp thuộc chu kỳ lây nhiễm thứ 4, thậm chí thứ 5 của virus.
Chính vì thế, việc truy đuổi, chặn đứng đường lây của virus là điều rất quan trọng. Chìa khóa là phải nhanh chóng truy vết tất cả trường hợp tiếp xúc gần F1, F2 để cách ly, làm xét nghiệm, có bằng chứng tiếp tục truy vết.
Điểm khác biệt thứ 2 đó là nhiều ca F0 chưa rõ nguồn lây chỉ được phát hiện qua khám sàng lọc. Đáng chú ý, những trường hợp này đều chỉ được phát hiện khi đã xuất hiện triệu chứng, phát hiện ở các cơ sở y tế. Hệ lụy của nó là hàng loạt tòa nhà, khu dân cư, văn phòng cùng lúc xuất hiện ổ dịch. Bởi virus đã có thời gian ủ bệnh, các F0 tiếp xúc nhiều F1, F2 ngoài cộng đồng.
Đến nay, theo các báo cáo của HCDC, thành phố có 29 ca bệnh đang điều tra dịch tễ và 47 trường hợp là F1 của những bệnh nhân chưa rõ nguồn lây.
Với tình trạng này, Sở Y tế TP.HCM đã ban hành quy định tiếp nhận người tới khám. Ngay ở cửa bệnh viện, người dân đã được khám sàng lọc ở khu riêng. Khi phát hiện F0, bệnh viện có kịch bản xử trí với từng trường hợp phát hiện chủ động, bị động. Điều này đã giúp các thành trì y tế của TP.HCM được bảo vệ tốt. Trừ bệnh viện Tân Phú có lây nhiễm trong bệnh viện, các cơ sở khác không ghi nhận lây nhiễm ở cơ sở y tế.
Điểm khác biệt thứ 3 đó là mất dấu F0 của toàn bộ ca bệnh ghi nhận từ ngày 27/5 đến nay. Từ các ca bệnh chỉ điểm của điểm nhóm tôn giáo tại Gò Vấp, F0 ban đầu của những người này vẫn là dấu hỏi với ngành y tế, nguồn lây vẫn đang điều tra.
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), trong tình huống này, việc truy lùng nguồn gốc F0 dĩ nhiên vẫn cần thiết nhưng chúng ta không nên đặt nặng. Việc tìm được F0 giúp chúng ta đánh giá được mức độ đi xa thế nào của SARS-CoV-2.
Còn nếu không, chúng ta xử lý như ổ dịch mới bùng phát, khoanh vùng, cách ly và xét nghiệm diện rộng để ngăn chặn dịch lây lan. Chính vì thế, TP.HCM đã có một cuộc ra quân, tầm soát với quy mô lớn nhất từ trước đến nay. Toàn ngành huy động lực lượng tham gia lấy mẫu xét nghiệm, có ngày đạt công suất 100.000 người/ngày. Từ 27/5 đến hết 10/6, ngành y tế đã lấy hơn 482.000 mẫu xét nghiệm các trường hợp F1, F2 và mở rộng xét nghiệm.
Sau 4 ngày ghi nhận ổ dịch, từ 0h ngày 31/5, TP.HCM đã quyết định giãn cách xã hội theo theo Chỉ thị 15+ và 16 của Thủ tướng Chính phủ. Đây là hành động hết quyết liệt, kịp thời trước ổ dịch nguy hiểm.
Ngoài ra, ngày 9/6, Sở Y tế TP.HCM ra văn bản yêu cầu lấy mẫu xét nghiệm người có triệu chứng sốt, ho, khó thở. Đặc biệt, lãnh đạo thành phố đẩy nhanh quá trình tiếp cận vaccine, đặt mục tiêu người dân được tiêm chủng sớm nhất có thể.
TP.HCM chỉ còn 4 ngày nữa là hết giãn cách xã hội. Thành phố đặt mục tiêu trong những ngày còn lại sẽ khống chế dịch hoàn toàn. Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Tấn Bỉnh nhận định: “Qua so sánh với đợt dịch diễn ra giai đoạn ngày 28/1 tại Việt Nam, có thể nhận định đợt dịch này đang có xu hướng vào đỉnh dịch, có thể duy trì vài tuần trước khi suy giảm và kết thúc”.
Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu đó, sự hợp tác của người dân lúc này là quan trọng nhất. Bởi chính quyền thành phố, ngành y tế có biện pháp mạnh mẽ đến đâu, nếu người dân không thực hiện, các nỗ lực cũng không thể hiệu quả.
Nguồn: News.zing.vn