Thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước, Tháp Bà Ponagar là di tích Quốc gia linh thiêng mang đậm nét đặc trưng của văn hóa Chăm.
1. Tháp Bà Ponagar là công tình kiến trúc của dân tộc nào?
Tháp Bà Ponagar là một trong 7 di tích Chăm hút khách du lịch ở miền Trung. Đây là di tích lịch sử, công trình tiêu biểu của nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc của dân tộc Chăm. |
2. Tháp Bà Ponagar ở đâu?
Được xây dựng từ thế kỷ 7-12, Tháp Bà Ponagar nằm trên một ngọn đồi nhỏ cao khoảng 12 m so với mặt nước biển, hay còn gọi là núi Tháp Bà. Nơi đây tọa lạc cạnh quốc lộ 1A, phường Bình Phước, thành phố Nha Trang. |
3. Di tích Tháp Bà Ponagar thờ ai?
Trong khuôn viên, tháp chính thờ thần Ponagar, vợ của thần Shiva (một trong 3 vị thần tối cao của Ấn Độ giáo), tượng trưng cho sắc đẹp. Người dân tôn Bà là Thiên Y Thánh Mẫu, người có đức hạnh và công lao lớn dạy cho dân biết cày cấy, dệt vải… Tượng nữ thần trong tháp cao 2,6 m tạc bằng đá hoa cương đen ngồi trên bệ đá hình đài sen uy nghiêm là kiệt tác điêu khắc Chăm Pa. |
4. Sông nào nằm cạnh Tháp Bà Ponagar?
Cách trung tâm thành phố Nha Trang 2 km, Tháp Bà Ponagar tọa lạc gần cửa sông Cái hiền hòa. Từ khu di tích, du khách có thể ngắm cảnh thiên nhiên nên thơ và đón hoàng hôn tuyệt đẹp bên sông với ánh đèn thành phố. |
5. Năm nào Tháp Bà Ponagar được công nhận là di tích Quốc gia?
Người Chăm coi thân Ponagar là Mẹ Xứ sở. Khu đền tháp nhằm tưởng nhớ công lao của người Mẹ Xứ sở (hay còn gọi là Thiên Y A Na) với những giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật đặc trưng. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xếp hạng tháp là di tích Quốc gia năm 1979. |
6. Công trình kiến trúc tháp Bà Ponagar gồm bao nhiều đền, tháp?
Hiện nay, trong khuôn viên công trình có 4 đền tháp còn hiện hữu. Hai đền tháp ở khu vực phía sau đã bị hư hại qua mưa nắng của thời gian. Trước đó, tất cả gồm 6 tháp (2 tháp thờ ông và bà Thiên Y A Na, 2 tháp thờ ông Tiều, cha mẹ nuôi của bà Thiên Y A Na, 2 tháp thờ con Thiên Y A Na). |
7. Nghi thức chính trong lễ hội ở Tháp Bà Ponagar Nha Trang?
Lễ hội Tháp Bà được tổ chức vào ngày 20 và 23/3 Âm lịch. Nghi lễ gồm hai phần: Lễ thay y (20/3), tháo bỏ xiêm y, tắm rửa tượng nữ thần bằng nước lá thơm và thay xiêm y, mũ miện mới. Lễ cầu cúng (23/3) được tiến hành tôn nghiêm nhằm ca ngợi công đức Bà Mẹ Xứ sở và cầu nguyện cho người dân bình an, hạnh phúc. Sau đó, phần hội là các điệu múa bóng, múa dâng bông, hát diễn tuồng cổ trước ngôi đền chính. |
Nguồn: News.zing.vn