Đi hết cả Gia Lai với cẩm nang toàn tập từ A đến Z

0
9

Nhắc tới đại ngàn Tây Nguyên hùng vĩ, người ta lại nhớ tới những con đường đất đỏ bazan, những vườn cafe hoa nở trắng trời, nhớ một mùa dã quỳ vàng rực bên sườn đồi ngập nắng và nhớ cả mảnh đất Gia Lai trong trẻo đẹp vô ngần. Gia Lai như nàng thơ của thiên nhiên hoang sơ và đầy mộng mị, để rồi nghe gió ngàn vẫy gọi, nghe tiếng cồng chiêng vang vọng khắp bốn phương, người ta lại háo hức tìm về nơi ấy, cho thỏa nỗi lòng của những kẻ đã lỡ yêu cái âm hưởng đang ngân lên của đại ngàn.

Có một Gia Lai mộng mị như chốn thiên đường – Ảnh: Sưu tầm

Thơ mộng nhưng cũng không kém phần hùng vĩ – Ảnh: Sưu tầm

NHỮNG ĐIỂM CHECK-IN KHÔNG THỂ LỠ KHI ĐẾN GIA LAI

Chư Đăng Ya hùng vĩ nhưng cũng đầy thơ mộng: Chư Đăng Ya thuộc địa phận làng Ploi Lagri, xã Chư Đăng Ya, huyện Chư Păh, cách trung tâm thành phố Pleiku khoảng 30km về hướng Đông Bắc. Đường về Chư Đăng Ya không xa lắm nhưng khá gập ghềnh, chỉ phù hợp với những chuyến du ngoạn bằng xe máy. Từ trung tâm thành phố Pleiku, bạn chạy theo đường Phạm Văn Đồng về hướng KonTum khoảng 10km sẽ nhìn thấy bảng chỉ dẫn ở phía bên phải, chạy thêm tầm 14km nữa là tới Chư Đăng Ya .

Chư Đăng Ya như nàng thơ đầy mê hoặc của Gia Lai – Ảnh: Phuoc Truong

Chư Đăng Ya xưa là một ngọn núi lửa, và tới hôm này, trải qua sự biến đổi không ngừng của thời gian và tạo hóa, nơi ấy chỉ còn là một vùng đất đỏ bazan màu mỡ, ẩn sâu giữa lòng đại ngàn xanh thẳm. Đến Chư Đăng Ya, người ta như lạc trong thế giới của những màu xanh đầy thi vị, xanh của ngô khoai, xanh của cỏ dại, xanh của bầu trời đang giang vòng tay ôm lấy vạn vật phía xa xa. Thấp thoáng đâu đó giữa khoảng xanh tưởng chừng như vô tận ấy là vài nhành cỏ dại đang chen nhau đua nở, như những nét chấm phá đầy chất thơ cho bức tranh tươi trẻ của Chư Đăng Ya suốt bốn mùa.

Nơi đưa kẻ khách lạc trong thế giới của màu xanh đầy thi vị – Ảnh: Sưu tầm

Người ta nói Chư Đăng Ya đẹp nhất trong khoảng từ tháng 10 cho tới tháng 2 năm sau. Nhưng có lẽ, tầm tháng 10 – tháng 11 là thời khắc mà Chư Đăng Ya thơ tình hơn cả. Đó là lúc dã quỳ nở rộ trên mảnh đất Tây Nguyên. Và giờ đây, Chư Đăng Ya lại khoác lên mình một màu áo mới được thêu dệt bởi sắc hoa vàng tươi đầy hoang dã của đại ngàn. Nhưng đây cùng thời điểm mùa mưa ở Gia Lai, vậy nên để ngắm được dã quỳ đung đưa hòa cùng sắc nắng, nhớ chọn một ngày trời trong xanh bạn nhé.

Nơi có sắc dã quỳ thêu dệt nên bức tranh thơ – Ảnh: Sưu tầm

Biển Hồ T’Nưng như đôi mắt Pleiku đầy ma mị: Từ trung tâm thành phố Pleiku, bạn cứ chạy thẳng đường Phạm Văn Đồng, rồi rẽ phải vào đường Tôn Đức Thắng, chạy thêm chừng 2km nữa cho tới khi gặp con đường nhựa phẳng lì với những rặng thông xanh ngắt phủ kín hai bên là ta biết đã tới Biển Hồ. Lạ kì chưa, vừa chỉ mới chạm chân đến nơi này, vừa hòa mình vào tiếng thông hòa cùng tiếng gió vi vu, ta đã thấy lòng mình thật khác, đầy bình yên như đã rũ hết những muộn phiền.

Biển Hồ T’Nưng như đôi mắt Pleiku đầy ma mị – Ảnh: Sưu tầm

Nơi có con đường thông reo mộng mơ như ở xứ Hàn – Ảnh: Huy Quang

Để rồi khi đặt chân xuống những bậc tam cấp phủ đầy rêu phong cạnh hồ, ta cứ ngỡ như mình được nhìn thấy chiếc gương soi khổng lồ đang phản chiếu cả thế giới đầy màu sắc xung quanh. Trong thế giới đó có sắc cỏ hoa, có bầu trời lặng yên nhìn vạn vật, có áng mây trôi lững lờ trên những khoảng xa xa, và có cả tâm tình của kẻ lữ khách đường xa vừa tới.

Nơi ta gặp chiế gương soi khổng lồ đang phản chiếu cả thế giới xung quanh – Ảnh: Sưu tầm

Chùa Minh Thành mang bình yên trong tiếng chuống chùa vang vọng bốn phương: Nằm trong lòng thành phố Pleiku, chùa Minh Thành như một chốn dừng chân đầy an yên giữa hành trình tìm kiếm những điều lạ lẫm. Chùa Minh Thành được thiết kế theo phong cách kiến trúc gói trọn tinh hoa của văn hóa và tư tưởng Phật giáo Đại Thừa Mật Tông, nơi lưu giữ những dấu ấn cổ xưa đầy huyền bí, nhưng ẩn sâu trong từng hơi thở, ta vẫn bắt gặp cái âm đại ngàn phảng phất ngân vang.Ở đó, ta tìm thấy những khoảng thật bình lặng trong tâm, để hồn phiêu du lạc trong một thế giới đầy sắc màu tuyệt diệu.

Gia Lai còn có chùa Minh Thành mang đầy nét cổ xưa bí ẩn – Ảnh: Sưu tầm

Nơi đưa ta lạc trong những khoảng thật bình lặng trong tâm – Ảnh: Sưu tầm

Hồ thủy điện Ia Ring: Nằm tại xã Ia Tiêm, huyện Chư Sê, cách thành phố Pleiku tàm 20km về phía bắc, Hồ thủy điện Ia Ring thường được ví là đảo Nami phiên bản Việt. Tới hồ Ia Ring, ta sẽ bắt gặp những hàng cây cao khẳng khiu đang vươn mình đầy lạ lẫm, gặp hồ nước trong xanh in bóng một khung trời. Một bức tranh thơ thật đẹp được tô vẽ bởi người nghệ sĩ thiên nhiên.

Nơi được ví là đảo Nami phiên bản Việt – Ảnh: Sưu tầm

Một bức tranh thơ được tô vẽ bởi người nghệ sĩ thiên nhiên – Ảnh: Sưu tầm

Núi Hàm Rồng: Được xem là nóc nhà của thành phố Pleiku, đỉnh Hàm Rồng đưa ta vào một thế giới thật khác, nơi có mây giăng kín lối, có sương khói phủ bốn bề khiến cảnh vật bỗng chốc trở nên mờ ảo, đầy chất thần tiên. Đường lên đỉnh núi cũng đẹp không kém, những con đường quanh co, uốn lượn, đặc biệt vào những tháng 10, 11, con đường lên núi còn được tô điểm bởi sắc dã quỳ rực rỡ, khiến bất kì ai cũng phải xiêu lòng.

Gia Lai còn có đỉnh Hàm Rồng mây giăng chìm trong sương khói – Ảnh: Sưu tầm

Với con đường rực rỡ khiến ai cũng xiêu lòng – Ảnh: Sưu tầm

Gia Lai còn nhiều nơi đẹp lắm. Đó là Hồ thủy điện Yaly lọt thỏm giữa bốn bề rừng núi, mang vẻ đẹp đầy chất thơ nhưng cũng ẩn chứa chút hoang hoải của đại ngàn. Đó là những ngọn thác đẹp kì vĩ như: thác Phú Cường, thác chín tầng, thác Lệ Kim, thác Dakrong, thác Xung Khoeng. Nhưng có khiến người ta mê mẩn nhất phải kể đến thác K50, một ngọn thác nằm sâu trong chốn rừng thiêng nước độc, mà phải trải qua những chặng được đầy thử thách, chông gai, ta mới chiêm ngưỡng được vẻ đẹp đầy chất thần tiên ở nơi chốn này. Thác K50 như gói trọn những tinh túy của đất trời, để vẽ nên một chốn thiên đường nơi đời thực.

Gia Lai còn nhiều nhiều nơi đẹp xinh nữa – Ảnh: Sưu tầm

Hẹn bạn một ngày không xa nhé – Ảnh: Huong Bui

NHỮNG MÓN ĂN PHẢI THỬ CHO BẰNG HẾT Ở GIA LAI

Bún cua thúi: Một trong những món ăn đặc trưng ở Gia Lai, được chế biến bằng cách ủ kín và đậy thịt cua qua đêm, sau đó đem chưng thành mắm rồi chan vào tô bún đang nóng hổi. Món ăn này có vị khá lạ miệng mà ai lên Gia Lai cũng phải thử một lần. Để thưởng thức bún cua thúi, bạn có thể ghé quán Chi nằm trên đường Phùng Hưng.

Gà nướng: Món ăn khá nổi tiếng tại Gia Lai, với những con gà được nướng xa lửa nhằm nguyên vị ngọt của thịt gà. Món này thường được ăn kèm cơm lam. Để thưởng thức gà nướng, bạn có thể ghé khu làng Plei Tiêng, cách trung tâm thành phố chừng 11km.

Phở khô: Phở khô hay còn được gọi là phở hai tô, gồm một tô bánh phở và một tô nước súp. Ở Gia Lai, phở khô Hồng khá nổi tiếng, bạn có thể đến 22 Nguyễn Văn Trỗi để thưởng thức món này.

Gia Lai còn rất nhiều món ăn đầy hấp dẫn – Ảnh: Sưu tầm

Bánh bèo thập cẩm:  Món bánh xèo ở đây khá lạ, bánh nhỏ, không có tôm, thịt mà chỉ gồm trứng và thịt bò xay. Món này được bán khá ngon ở 24 Nguyễn Đình Chiểu.

Bánh xèo: Bánh xèo ở Gia Lai trông hơi khác một chút, gồm một lớp bột có thêm trứng, tôm, thụt bò, thêm chút rau rồi chan nước mắm vào là có thể thưởng thức ngay tắp lự. Món này khá nổi ở quán Bà Tám, số 5 đường Trần Bình Trọng.

Mà ai tới một lần cũng muốn thử cho bằng hết – Ảnh: Sưu tầm

Đặc biệt, tới Gia Lai, bạn không thể bỏ lỡ thiên đường của các món ăn vặt ở khu vực gần Bưu điện tỉnh. Cứ mỗi tối khi thành phố đã lên đèn, ghé vào chốn ấy, cơ man nào là các món lụi nướng, thịt nướng, cút nướng, cơm cháy chà bông,… thơm nức mũi. Tối lạnh lạnh, ngồi bên bếp lửa thưởng thức các món ngon cùng chút rượu nếp địa phương thực đã chẳng gì bằng.

Gia Lai, mảnh đất đầy chất thơ tình của cao nguyên hùng vĩ, nơi ta bắt gặp những cảnh đẹp chẳng thể nào quên, những kỉ niệm cứ mãi đong đầy theo năm tháng. Nơi ta được hòa mình vào đất trời trong trẻo, cho tâm hồn miên man theo âm hưởng của đại ngàn vang vọng khắp muôn nơi. Chào Gia Lai, hẹn một ngày không xa nữa nhé.

Dandelion – Camnangdulich.vn

 

Nguồn: News.zing.vn