Đền Thượng, chốn bồng lai trên đỉnh non Tản

0
8
DSC05118-JPG-4559-1387124434.jpg

Khám phá bí mật của ngàn xanh “Trên đỉnh Non Tản”, bạn mới thấy Nguyễn Tuân viết về cuộc sống chốn thần tiên “ngày tháng thì dài, mà không thấy sốt ruột” là có thật.

Nằm trong khuôn viên của vườn quốc gia Ba Vì, cách Hà Nội 65 km về phía tây, đỉnh non Tản thuộc dãy núi Ba Vì là điểm đến lý tưởng cho những ai yêu thích khám phá. Ngày đông, đến ngọn núi Tản Viên, nơi ngự trị muôn đời của Thánh Tản Viên – Sơn Tinh, vị thần tối linh trong Tứ bất tử của tín ngưỡng dân gian Việt Nam, du khách không chỉ được trở về với huyền tích xa xưa, mà còn đắm chìm trong khung cảnh kỳ bí và thơ mộng của ngọn núi linh xứ Đoài. Nơi đây được ví như đỉnh Olympus trong thần thoại Hy Lạp – nơi ngự trị của thần Zeus.

DSC05118-JPG-4559-1387124434.jpg

Trên hành trình đến với đền Thượng, du khách có thể nhìn thấy tháp Báo Thiên, nơi có đền thờ Hồ Chủ tịch.

Núi Tản Viên cao 1.281 m, hay còn gọi là Tản Sơn, Ngọc Tản… Sở dĩ có tên gọi như vậy vì đỉnh núi tròn như cái tán, rộng rãi bao la, hiên ngang hùng vĩ làm trấn sơn cho cả một vùng. Khu di tích lịch sử đền thờ Tản Viên Sơn Thánh gồm ba ngôi đền: đền Thượng, đền Trung và đền Hạ. Trong đó đền Thượng là ngôi đền chính, gắn liền với rất nhiều truyền thuyết dân gian liên quan đến tín ngưỡng tâm linh của người Việt.

Hành trình từ chân núi lên đến đền Thượng phải trải qua 12 km đường rừng núi. Nếu đi xe máy phải mất độ 30 phút, đi bộ mất khoảng nửa ngày mới lên đến cốt 1.000 m, nhưng không phải ai cũng có sức khỏe để đi bộ lên được.

Vượt qua những con đường núi vòng vèo uốn lượn, với nhiều khúc cua hiểm trở và cái lạnh quanh năm của núi rừng, người cầm lái phải rất cẩn trọng và kết hợp nhuần nhị mọi động tác phanh cua, về số, tăng ga để vững vàng đối phó với sự ngoặt ngoèo bất ngờ của đường trường.

DSC05230-JPG-6731-1387124434.jpg

Cảnh sắc thiên nhiên trên đường đi.

Trên những cung đường vòng vèo lưng núi, bạn sẽ thấy một bên là cây rừng rậm rạp ngút ngàn với hệ sinh thái đa dạng, một bên là khoảng không bao la với màu trắng xóa của mây trời không phân định và bạn chỉ có thể nhìn thấy tầng dưới rừng cây ở tầm nhìn gần.

Đôi khi có một đám mây trôi qua trước mặt, người lữ khách thích thú dừng chân để thỏa sức ngắm nhìn, cảm nhận rõ rệt cái lạnh xuyên thấu của những giọt nước mây tích tụ đang từ từ bay qua. 

Đến cốt 1.000 m, bạn sẽ bắt gặp cổng đền. Từ đây, chỉ có một con đường bộ duy nhất men theo triền núi, đi qua 225 bậc thang nhỏ, rất dốc và hẹp, phải dừng chân nghỉ ở nhiều chặng bạn mới mới có thể lên đến nơi.

DSC05166-JPG-8620-1387124434.jpg

Cổng đền Thượng giữa rừng già.

Đền Thượng là ngôi đền có lối kiến trúc độc đáo, tựa lưng vào núi tạo thế vững chãi. Hậu cung chính là vách đá Thắt Cổ Bồng linh thiêng có từ ngàn đời xưa, nơi có cây bách xanh cổ hàng trăm năm tuổi. Cành lá nhuốm màu rêu phong của thời gian vươn mình che chắn cho ngôi đền giữa chốn non cao, tựa như cột chống trời trong cõi mơ thực. Ngôi đền tuy không rộng, nhưng huyền bí, có độ sâu thẳm về tâm linh.

Nguyễn Tuân từng viết: “Đứng ở mái nam Đền Thượng mà nhìn xuống thấy được cả khói từ Hoàng Thành Thăng Long, và biết được dải Đà Giang là có thế hiểm”. Theo lời của những người trông giữ đền thì vào những hôm trời nắng đẹp, quang mây quả nhiên có thể thấy được.

Nhưng không phải ai cũng có cái may mắn ấy, bởi vào mùa này, phóng tầm mắt ra xa du khách chỉ thấy độc một màu trắng xóa. Thảng hoặc có đám mây gặp gió lướt qua vội vã, để lộ ra quang cảnh núi non hùng vĩ bên dưới, khoảnh khắc ấy như một thước phim quay chậm mà chỉ những vị có duyên mới chớp mắt ghi hình được.

Tận hưởng cuộc sống chốn non cao, ngược dòng lịch sử đắm mình trong thế giới tâm linh và chiêm ngưỡng cảnh sắc thiên nhiên này, con người ta thấy được tĩnh tại, thanh nhàn đến lạ.

Ngày nay không ít người khi du lịch đến đây phần nào còn tưởng tượng quanh cảnh “Trên đỉnh non Tản” vẫn đầy bí ẩn, huyền hoặc như trong truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Tuân thuở ấy.

Bài: Lê Thương
Ảnh: Phạm Văn Thượng

Nguồn: Vnexpress.net