Luang Prabang quyến rũ bao du khách tìm lại dáng xưa nước Lào với nhiều đền, chùa cổ có kiến trúc độc đáo, in dấu tích của nơi từng là trung tâm Phật giáo của xứ sở triệu voi.
|
Luang Prabang từng là kinh đô đầu tiên của vương quốc Lan Xang (nghĩa là Triệu Voi) từ thế kỷ 14 và được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới vào năm 1995.
|
|
Vào buổi sớm tinh mơ, tôi đến cố đô Luang Prabang sau khi vượt qua những cung đường đèo quanh co từ Vang Vieng suốt bảy tiếng đi xe xuyên đêm. Luang Prabang vừa có nét giống Hội An với những dãy phố nhuộm màu thời gian và lung linh đèn lồng về đêm, lại vừa gợi nhớ Sa Pa với đường đèo uốn lượn, quán nhỏ nghi ngút khói từ các món nướng… Tất cả hòa quyện vào khí trời se lạnh trên những góc đường đầy hoa nở rực.
|
|
Trên phố Phon Heuang với các ngôi chùa san sát nhau, hình ảnh gây sự tò mò thích thú nơi tôi cũng như các du khách nước ngoài vào mỗi sáng sớm là các nhà sư đi khất thực. Họ đi theo đoàn dài, đầu tiên là những vị sư già và cuối cùng là những chú tiểu. Mỗi khi có nhà sư đi qua, người dân địa phương quỳ trước cổng nhà, cung kính dâng thức ăn và đặt vào thố của những vị sư áo vàng. Buổi khất thực của các vị sư diễn ra trước khi ánh bình minh ló dạng.
|
|
Tôi bắt đầu hành trình tham quan Bảo tàng quốc gia Luang Prabang (trước đây là Cung điện Hoàng gia) xây dựng vào năm 1904 dưới thời vua Sisavangvong. Hoàng cung vẫn cho thấy một giai đoạn phát triển cực thịnh của các triều đại phong kiến trước khi kinh kỳ chuyển đến Vientiane.
|
|
Lang thang trong khu vực này, lạc bước vào chùa Pa Huak, tôi bị hút hồn bởi những tác phẩm điêu khắc gỗ và những bức tranh tường từ thế kỷ 19, hầu hết mô tả đức Phật hoặc các cảnh lịch sử. Đứng trước sân chùa, nhìn sang bên kia đường là toàn cảnh Bảo tàng quốc gia với góc nhìn tuyệt đẹp từ trên cao, phía dưới là các sạp hàng lưu niệm. Ảnh: Bthaiman72.
|
|
Rời khỏi chùa, tôi vào chiêm ngưỡng các chùa dọc theo trục đại lộ Sisavangvong ở cố đô yên bình. Wat Xieng Thong (nghĩa là ‘chùa của thành phố vàng’) là ngôi chùa linh thiêng nhất tại Luang Prabang, được xây vào năm 1560. Dáng chùa mang phong cách kiến trúc đặc trưng của Lào với mái ba lớp, hai bên mái áp vào nhau cong vút ở phía trên và buông sâu dần hướng về mặt đất.
|
|
Bước qua cổng chính của ngôi chùa, tôi lạc lối giữa những bức phù điêu chạm trổ tinh xảo ghép thành bức tranh tường kể về các điển tích của nhà Phật bằng nghệ thuật Mosaic. Do được bảo trợ bởi Hoàng gia, chùa Xieng Thong chứa rất nhiều tượng cổ thể hiện hình tượng Phật nhập Niết Bàn.
|
|
Tôi có dịp ghé chùa Vatmay Souvannapoumaram. Vẻ ngoài nổi bật nhất là chùa có hai mái, mỗi bên mái năm tầng, cứ mỗi tầng có hai đầu rồng ở hai góc. Tường hai bên cửa chính vào điện thờ là hai bức phù điêu lớn mô tả cuộc sống thôn bản người dân Lào, Phật tích và truyền thuyết Ramayana. Mái hiên phía trước chính điện có hàng cột to và mái hiên phía sau được xây dựng thêm sau này, làm cho diện tích chùa lớn hơn.
|
|
Ngôi chùa này đặc biệt được bảo tồn vì từng là chùa của Hoàng gia và nơi ở của các chức sắc Phật giáo Lào cao nhất. Giữa chánh điện có tượng Phật vàng lớn, xung quanh nhiều tượng Phật nhỏ, như nhắc đây là một trong những ngôi chùa quan trọng của vùng đất cố đô Luang Prabang. Tại ngôi chùa này có lớp học Phật giáo, nếu quan tâm, du khách có thể vào nghe thuyết pháp, tất nhiên là bằng tiếng Lào!
|
|
Ở Luang Prabang, mọi con đường đều dẫn về đường Soukkaseum – dọc theo sông Mê Kông. Bên trái có cây cầu tre băng qua sông đến ngôi làng làm những chiếc khăn choàng thủ công truyền thống, bên phải có đồi Phousi. Cảm giác được chinh phục ngọn đồi Phousi giữa lòng cố đô đã khiến những bước chân của tôi trở nên mạnh mẽ và vững chãi. Hơn 300 bậc thang bằng gạch đỏ, tráng xi măng, sơn trắng là con đường duy nhất để lên đến tháp That Chom Si cao 20m và chùa Thammothayaram ngự trên đỉnh đồi.
|
|
Dọc hai bên cầu thang là hai tượng rồng chầu sống động, dài trên dưới 10m với hàng trăm gốc sứ Champa cổ thụ trên trăm năm tuổi. Rải rác dọc đường lên chùa có nhiều tượng Phật đẹp. Đáng chú ý, tại chùa Thammothayaram trên đỉnh Phousi có dấu chân Phật rất to, một chi tiết tôi đã không bỏ qua khi ghé nơi này. Tháp That Chom Si được xây dựng từ năm 1804, là biểu tượng, trung tâm văn hoá, tín ngưỡng của cố đô Luang Prabang.
|
|
Từ đỉnh đồi Phousi, tôi thấy bao quát cả Luang Prabang bình dị, cổ kính, yên bình được hai dòng sông Mê Kông và Nam Khan uốn khúc lặng lẽ dưới nắng chiều, hai bên bờ là màu xanh thẫm của những rặng dừa. Tôi háo hức chờ đón mặt trời lặn trên vùng đất cố đô và không quên ghi lại những khoảnh khắc ấn tượng. Ở đây, thời gian như ngừng trôi, không một tiếng ồn ào xe cộ. Những tia nắng cuối ngày óng ánh vàng và chuyển dần sang màu tím như cố nối đất với trời.
|
|
Trước khi rời Luang Prabang, tôi dành hàng giờ để lặng ngắm toàn cảnh thành phố lên đèn khi đứng trên đỉnh đồi Phousi. Một cố đô cổ xưa đã để lại trong lòng tôi nhiều cung bậc cảm xúc khó quên, mà tôi nghĩ, mình sẽ không chỉ đến đây một lần.
|
Nguồn: News.zing.vn