Đến Lễ hội hoa Tam giác mạch 2017 để lưu giữ những kỷ niệm đẹp

0
7

Lễ hội Hoa Tam giác mạch (TGM) lần thứ III, năm 2017 sẽ được khai mạc vào ngày 24/11; để độc giả có thêm thông tin về mùa lễ hội năm nay, phóng viên (PV) Báo Hà Giang đã phỏng vấn đồng chí (Đ/c) Nguyễn Hồng Hải, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa, thể thao và du lịch Hà Giang.


Du khách thành phố Hồ Chí Minh chụp ảnh kỷ niệm trên một thảm hoa TGM đầu tháng 10 năm nay. Ảnh: Lương Hà

PV: Xin đồng chí cho biết, đến thời điểm này, công tác chuẩn bị cho Lễ hội Hoa TGM diễn ra như thế nào?

Đ/c Nguyễn Hồng Hải: Có thể khẳng định các chương trình, hoạt động trong khuôn khổ Lễ hội Hoa TGM đã được phê duyệt, lên kế hoạch cụ thể, chi tiết. Công tác gieo trồng TGM ở các điểm tham quan tại các huyện vùng Cao nguyên đá đã được triển khai ngay từ cuối tháng 9. Bên cạnh đó, Ban chỉ đạo các ngày lễ lớn của tỉnh đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho các Tiểu ban giúp việc. Đồng thời, ngành đã phối hợp với các cơ quan truyền thông thực hiện tuyên truyền, quảng bá sâu rộng trên các phương tiện thông tin đại chúng về các hoạt động diễn ra trong dịp Lễ hội Hoa TGM.

PV: Thưa đồng chí, điểm khác biệt của Lễ hội Hoa TGM năm nay là gì?

Đ/c Nguyễn Hồng Hải: Từ kinh nghiệm tổ chức Lễ hội Hoa TGM những năm trước, nhằm xây dựng thương hiệu du lịch: “Hà Giang – mùa hoa Tam giác mạch”; năm nay, Chương trình nghệ thuật khai mạc Lễ hội được dàn dựng dựa trên kịch bản văn học có chủ đề “Bản tình ca từ đá” với hình tượng nghệ thuật thể hiện sức sống mảnh liệt của người dân trên vùng Cao nguyên đá: “Sống trên đá, chết nằm trong đá” với sự tham gia của các nghệ sỹ hài kịch và các ca sĩ nổi tiếng. Cùng với đó là các hoạt động nằm trong khuôn khổ Lễ hội như: Hội chợ Công viên Địa chất toàn cầu; Hội thảo và trưng bày giới thiệu sản phẩm mật ong Bạc Hà Hà Giang; hay trải nghiệm bay dù lượn trong mùa hoa TGM; hòa nhạc dưới chân Cột cờ Lũng Cú. Ngoài ra, ở các điểm du lịch tại các huyện vùng Cao nguyên đá còn tổ chức chương trình thưởng thức các sản phẩm từ hoa TGM, ẩm thực dân tộc và tham gia các hoạt động văn nghệ, thể thao dân gian.

PV: Một số ý kiến cho rằng Lễ hội Hoa TGM lần thứ 2, năm 2016 chưa ấn tượng và lôi cuốn, bởi thời gian tổ chức hoa chưa nở đẹp, một số tạo hình điểm thiếu tầm nhìn; vậy năm nay, ngành đã có những tham mưu gì để đúng dịp Lễ hội hoa nở đẹp nhất?

Đ/c Nguyễn Hồng Hải: Năm 2016, do điều kiện thời tiết không thuận lợi trong cả thời điểm gieo hạt và thời gian sinh trưởng của cây TGM, nên dịp Lễ hội Hoa TGM nở không đẹp. Vì vậy, năm nay ngành đã chủ động tham mưu cho tỉnh lựa chọn thời gian tổ chức lễ hội bắt đầu từ đầu tháng 11 đến hết tháng 12 và Khai mạc Lễ hội vào ngày 24/11 để đảm bảo hoa TGM nở đẹp nhất. Đồng thời, phối hợp với Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn nghiên cứu, hướng dẫn các huyện trồng hoa theo đúng quy trình và chu kỳ sinh trưởng của cây, kết hợp lựa chọn các điểm trồng phù hợp với điều kiện tự nhiên, tầm nhìn và diện tích tối thiểu 3ha để phục vụ nhu cầu thưởng hoa của du khách.

P.V: Thường vào dịp lễ hội, các nhà nghỉ, khách sạn trên vùng Cao nguyên đá luôn trong tình trạng hết phòng, và đâu đó có sự tăng giá hay “chặt chém” du khách; vậy làm thế nào để đảm bảo những điều đó không xảy ra?

Đ/c Nguyễn Hồng Hải: Trước hết, thay mặt lãnh đạo ngành Văn hóa, thể thao và du lịch, chúng tôi xin lỗi du khách khi đến với Hà Giang chưa tìm thấy cho mình nơi nghỉ ngơi tốt và chưa hài lòng với chất lượng dịch vụ du lịch. Hiện nay, trên vùng Cao nguyên đá, các khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng đã được đầu tư, nâng cấp rất tốt và có trên 100 nhà nghỉ, hàng chục homestay với sức chứa khoảng 10.000 khách/đêm. Ngoài ra, ngành và các địa phương đã tuyên truyền vận động người dân tổ chức chỉnh sửa, nâng cấp bố trí các phòng nghỉ bình dân và làm nhà bạt du lịch phục vụ nhu cầu của du khách. Đồng thời yêu cầu các chủ sơ sở dịch vụ niêm yết công khai giá và cam kết thực hiện việc không tăng giá, ép giá các dịch vụ đối với du khách trong mùa lễ hội. Đặc biệt là thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh của du khách và thành lập các tổ đội tình nguyện hướng dẫn khách du lịch tại các điểm du lịch.

Để có chuyến du lịch của mình được an toàn, chúng tôi cũng mong muốn du khách hãy chia sẻ với điều kiện của Hà Giang, thực hiện việc đặt các dịch vụ ăn nghỉ trước và tôn trọng văn hóa địa phương, bảo vệ cảnh quan môi trường, làm từ thiện có tổ chức,… để chúng ta cùng chung tay xây dựng môi trường du lịch Hà Giang ngày một phát triển văn minh.

P.V: Theo đ/c, tại sao du khách nên đến với Lễ hội Hoa TGM năm nay?

Đ/c Nguyễn Hồng Hải: Mùa hoa TGM cũng là mùa Cao nguyên đá trở nên hùng vĩ và nên thơ nhất. Ngoài được chiêm ngưỡng và ghi lại những khoảnh khắc bên những thảm hoa tuyệt đẹp, du khách sẽ được ngắm nhìn những cánh đồng hoa TGM giữa bạt ngàn đá núi khi trải nghiệm hoạt động bay dù lượn. Hay đứng dưới chân Cột cờ Lũng cú, nơi địa đầu Tổ quốc linh thiêng nghe những bản nhạc hào hùng của dân tộc và đắm mình trong những điệu múa, điệu khèn đặc sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số trên miền đá Hà Giang, cũng như thưởng thức những đặc sản ẩm thực ở nơi cực Bắc Tổ quốc… Những trải nghiệm này chỉ có thể tìm thấy khi đến với Lễ hội Hoa TGM.

P.V: Xin cảm ơn đồng chí!

Theo Tổng cục du lịch

Nguồn: Dulich.vtv.vn