Đề xuất mở cửa đón khách quốc tế đến Việt Nam du lịch

0
10
don khach quoc te den viet nam anh 1

Tình hình chống dịch ổn định hứa hẹn mở ra khả năng Việt Nam có thể đón khách quốc tế trở lại du lịch trong thời gian tới.

Dịch bệnh Covid-19 đã khiến ngành Du lịch Việt Nam khổ sở từ đầu năm. Hàng loạt cơ sở lưu trú, nhà hàng phải đóng cửa. Nhiều công ty lữ hành thua lỗ nặng nề còn các điểm du lịch đìu hiu vì không có khách. Tuy nhiên, với tình hình khả quan hiện tại, Việt Nam có khả năng sẽ tiếp tục đón khách quốc tế trở lại.

Mới đây, Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB) đã gửi đề xuất đến Thủ tướng Chính phủ để mở cửa lại thị trường quốc tế. Trong thư, đơn vị này nhấn mạnh “an toàn và sức khỏe của người dân cần được cân đối hài hòa với các tính toán và lợi ích kinh tế”.

Thủ tục nghiêm ngặt để đón khách trở lại

TAB cho rằng đề mở cửa lại thị trường quốc tế, Việt Nam cần có một quy trình nhận được đồng thuận và một bộ thủ tục. Hội đồng Tư vấn Du lịch đề xuất một thủ tục cụ thể có thể là thương thảo các thỏa thuận song phương với từng nước và những công việc triển khai thực hiện.

don khach quoc te den viet nam anh 1

Để đón khách quốc tế trở lại, Việt Nam cần xây dựng các thủ tục nghiêm ngặt. Ảnh: iStock.

Đơn vị này nhấn mạnh Việt Nam cần đi trước một bước hoặc ít nhất là ngang bằng về thời điểm so với những đối thủ cạnh tranh trong khu vực. Cụ thể, các thủ tục được TAB đề xuất gồm:

Mở lại các đường bay và đảm bảo rằng chỉ được phép khai thác các chuyến bay thẳng (do vậy có thể cần thiết cho phép bay thuê chuyến đến các thị trường chưa có chuyến bay thường lệ)

– Miễn visa du lịch

– Yêu cầu du khách nhập cảnh khai báo y tế và đo thân nhiệt

– Thỏa thuận về việc xét nghiệm xác suất Covid-19 đối với khách đến và thủ tục xét nghiệm

– Thỏa thuận về việc cài đặt ứng dụng theo dõi được phê duyệt trong thời gian ở Việt Nam

– Các biện pháp đảm bảo an toàn khác theo thỏa thuận trong các hoạt động du lịch an toàn

– Thực hiện các biện pháp đóng thị trường (nếu cần thiết) khi xuất hiện rủi ro lây nhiễm trong cộng đồng.

TAB khẳng định khi mở cửa với mỗi quốc gia cụ thể, Việt Nam cần chắc chắn nước này đã đạt được những tiêu chí đáng tin cậy để đảm bảo an toàn cho người dân trong nước. Đơn vị cũng đề xuất xây dựng một bộ tiêu chí trọng yếu có thể dễ dàng kiểm chứng được. Bộ tiêu chí này cần đến sự phối hợp từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Việt Nam và Văn phòng đại diện của Tổ chức Y tế Thế giới.

Theo TAB, các nước đầu tiên Việt Nam cần đàm phán là những quốc gia châu Á, khu vực châu Đại Dương. Việc mở cửa được thực hiện dần dần để vừa làm, vừa rút kinh nghiệm. “Chúng ta chưa có tiền lệ ứng phó với loại thách thức này”, đại diện TAB chia sẻ.

Rủi ro từ khách quốc tế

Chia sẻ với Zing, ông Nguyễn Tiến Đạt, Tổng giám đốc AZA Travel, cho rằng việc đón khách quốc tế trở lại tiềm ẩn mối nguy, có thể gây tác động tiêu cực đến nhiều mặt xã hội.

“Ngay cả khi Việt Nam xây dựng một bộ tiêu chí đầy đủ, loại virus này vẫn còn quá nhiều điều chúng ta chưa biết. Ví dụ như việc cách ly 14 ngày hay 21 ngày là đủ hoặc vấn đề ủ bệnh. Đặc thù của du lịch là đi nhiều nơi. Chúng ta sẽ khó kiểm soát nếu lọt một trường hợp đi khắp nơi, tiếp xúc nhiều người”, ông Đạt cho biết.

don khach quoc te den viet nam anh 2

Khách quốc tế có thể khiến các chương trình kích cầu du lịch nội địa gặp khó? Ảnh: iStock.

Đại diện công ty lữ hành này cũng đặt ra một bài toán kinh tế trong bối cảnh chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” do Tổng cục Du lịch phát động đang được thực hiện rất tốt.

Theo ông Đạt, trong năm 2019, tổng khách du lịch nội địa là 85 triệu lượt, khách quốc tế là 18 triệu lượt. “Nhiều người dân sẽ lo sợ nếu có khách quốc tế trở lại và không dám đi du lịch. Đó không phải vấn đề kỳ thị, mà là ý thức tự bảo vệ. Nếu mở cửa, số lượng khách quốc tế đến cũng chỉ rất nhỏ nhưng ảnh hưởng lớn tới 85 triệu lượt khách nội địa kia”, ông Đạt nêu quan điểm.

Công ty này cho biết cần đặc biệt cẩn trọng với câu chuyện mở cửa đón khách quốc tế. Trong trường hợp đề xuất được thông qua, đại diện công ty lữ hành này ủng hộ việc đưa khách quốc tế tới những vùng đảo biệt lập như Phú Quốc (Kiên Giang).

“Nếu mở cửa, chúng ta cần chọn lọc các nước an toàn, 30 ngày không có ca nhiễm mới. Trong trường hợp nước đó phát sinh ca nhiễm mới, Việt Nam cần đóng cửa luôn bởi khả năng bùng dịch rất cao. Theo tôi, trong thời gian đầu, chúng ta có thể mở theo kiểu nghỉ dưỡng cho họ tới Phú Quốc cách ly 14 ngày. Gọi là cách ly nhưng hình thức vẫn là nghỉ dưỡng. Sau 14 ngày, nếu không có phát sinh, các du khách này sẽ được phép ra ngoài du lịch”, ông Đạt nói.

Images Travel, một công ty lữ hành chuyên đón khách châu Âu, lại ủng hộ đề xuất mở cửa đón khách quốc tế trở lại. Ông Nguyễn Ngọc Toản, Tổng giám đốc công ty, khẳng định không có vấn đề gì xảy ra nếu mở cửa chọn lọc.

“Chúng ta cần xem xét kỹ các thị trường an toàn. Bước đầu, Việt Nam có thể mở cửa với Lào, Campuchia hay một số nước châu Á đảm bảo hết dịch, không có ca nhiễm mới trong 1-2 tháng. Đề xuất này có thể đem lại doanh thu cho nhiều doanh nghiệp. Tôi thực sự đau lòng khi nhìn cảnh khách sạn, nhà hàng phải đóng cửa như hiện nay”, ông Toản cho hay.

Một trong những vấn đề khiến nhiều người quan tâm nếu mở cửa đón khách quốc tế là họ có thể phải chịu ánh nhìn kỳ thị từ người dân. Vấn đề này vốn đã xảy ra trước khi Việt Nam đóng cửa thị trường khách du lịch quốc tế.

Tuy nhiên, đại diện này cho rằng đây không phải vấn đề quá đáng lo nếu xử lý đúng. “Để tránh tâm lý trên, chúng ta phải mở cho đúng, cần chọn lọc các nước an toàn và tuyên truyền đến cho người dân. Nếu người dân hiểu rõ lý do vì sao Việt Nam mở cửa cho thị trường kia, họ sẽ không còn quá lo lắng”, ông Toản lập luận.

Đến Hà Giang vượt đèo huyền thoại, ngồi thuyền trên dòng Nho Quế Hà Giang giống như một tuyệt tác thiên nhiên ban tặng Việt Nam với sông, núi, cao nguyên đá và cung đường đèo uốn lượn. Khung cảnh hùng vĩ khiến du khách chỉ nhìn đã say lòng.

Nguồn: News.zing.vn