Đề xuất lập bến tàu du lịch trên kênh Nhiêu Lộc

0
14

Hai bến tàu sẽ phục vụ tuyến du lịch đường thủy trên dòng kênh từng mệnh danh “bẩn nhất Sài Gòn”. Dự kiến có 10 thuyền chèo bằng tay với sức chứa khoảng 20 người, hoạt động dọc kênh đoạn từ Thảo Cầm Viên đến chùa Vĩnh Nghiêm.

Một doanh nghiệp tư nhân vừa kiến nghị UBND TP HCM cho phép lập hai bến thủy để khai thác du lịch trên kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè. Trong đó, một bến nằm trước chung cư Nguyễn Ngọc Phương, phường 19, quận Bình Thạnh và bến còn lại nằm trên đường Hoàng Sa, đoạn qua phường 7, quận 3. Kinh phí đầu tư hoàn toàn bằng vốn của doanh nghiệp.

thi-nghe-6546-1433219347.jpg

Dòng kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè đang dần hồi sinh. Ảnh: H.C.

Theo công ty này, nếu được UBND thành phố chấp thuận họ sẽ triển khai ngay việc xây phần cầu tàu (dưới nước) trong thời gian 20-30 ngày. Phần công trình hỗ trợ trên bờ dự kiến tối đa 3 tháng và công trình có thể hoàn thành để đưa vào hoạt động dịp lễ Quốc khánh 2/9.

Trước đó, UBND TP HCM đã chấp thuận cho công ty này khai thác du lịch đường thủy trên kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè. Do một số cầu bắc qua kênh thấp nên thuyền (gồm 10 thuyền chèo bằng tay và 10 thuyền máy) được thiết kế chỉ cao khoảng một mét và dự kiến nếu con nước thuận lợi thuyền sẽ chở khách liên tục từ sáng đến 23h.

Kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè có chiều dài gần 9 km (đi qua các quận 1, 3, Tân Bình, Phú Nhuận và Bình Thạnh) từ đông sang tây, từng được mệnh danh là dòng kênh đen do ô nhiễm. Nhưng từ khi TP HCM triển khai cải tạo, giai đoạn một của dự án này đã hoàn thành những hạng mục cơ bản, khắc phục môi trường nước nơi đây.

Theo Sở Du lịch TP HCM, thành phố có khoảng 1.000 km sông, kênh, rạch, ngoài chức năng là đường thủy nội địa và hàng hải, còn có nhiều tiềm năng trong phát triển du lịch đường sông. Đặc biệt, cảnh quan hai bên bờ sông Sài Gòn có nhiều đoạn rất phong phú và đặc sắc, được kết nối với các làng nghề, vườn cây ăn trái ở nhiều địa phương lân cận…

Chiến lược phát triển du lịch đường sông TP HCM giai đoạn 2013-2015 và định hướng đến năm 2020 với tổng vốn đầu tư khoảng 1.000 tỷ đồng ngân sách cùng với nguồn xã hội hóa khoảng 10.000 tỷ đồng được xây dựng nhằm mục tiêu đẩy tốc độ tăng trưởng bình quân khách du lịch đường sông mỗi năm khoảng 20%, doanh thu tăng mỗi năm 30%… Với đà này, đến năm 2020, du lịch đường sông sẽ trở thành sản phẩm du lịch chủ lực của thành phố.

Hữu Nguyên

Nguồn: Vnexpress.net