Trong hành trình xuyên bao thế kỷ, bạn có thể tìm hiểu lịch sử, văn hóa giữa các vùng miền, trải nghiệm nhiều không gian của đất nước.
1. Đền Hùng, Phú Thọ
Khu di tích Đền Hùng thuộc xã Hy Cương, huyện Lâm Thao, là nơi thờ cúng các vua Hùng đã có công dựng nước, tổ tiên của dân tộc Việt Nam. Đền Hùng được xây dựng trên núi Hùng, có độ cao175 mét so với mặt nước biển, thuộc đất Phong Châu, vốn là đất kế đô của Nhà nước Văn Lang 4.000 năm trước đây. Tục truyền rằng, núi Hùng là chiếc đầu rồng hướng về phía Nam, mình rồng uốn khúc thành núi Vặn, núi Trọc, núi Pheo tạo thành ba đỉnh “Tam sơn cấm địa”.
Toàn bộ khu di tích có 4 đền, một chùa và một lăng hài hoà trong cảnh thiên nhiên, có địa thế cao, đất đầy khí thiêng của sơn thuỷ hội tụ.
Di tích đền Hùng. Ảnh: vietsense |
Đền Thượng và lăng Hùng Vương trên đỉnh núi: tương truyền rằng thời Hùng Vương, Vua Hùng thường lên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh để tiến hành nghi lễ tín ngưỡng của cư dân nông nghiệp thờ trời đất, thờ thần lúa, cầu mong mưa thuận gió hoà, mùa màng tươi tốt. Đây còn là nơi vua Hùng thứ 6 lập đàn cầu trời ban cho người tài ra giúp nước đánh giặc Ân.
Đền Trung: nơi này trên 2.300 năm trước dựng quán nghỉ ngơi ngắm cảnh của vua Hùng, đôi khi họp bàn việc nước cơ mật với Lạc hầu, Lạc tướng. Tương truyền còn là nơi hoàng tử Lang Liêu dâng bánh dày, bánh chưng. Sau thời Hùng Vương nhân dân lập miếu thờ các vua Hùng “Hùng Vương tổ miếu”.
Đền Hạ và chùa: theo truyền thuyết, bãi bằng lưng chừng núi này là nơi tổ mẫu Âu Cơ chuyển dạ sinh ra bọc trăm trứng nở thành trăm con trai. Dấu tích giếng “Mắt Rồng” là nơi mẹ Âu Cơ ấp trứng nay vẫn còn ở phía sau đền.
Đền Giếng: tương truyền là nơi hai công chúa Tiên Dung và Ngọc Hoa (con gái của Vua Hùng thứ 18) thường soi gương, vấn tóc khi theo cha đi kinh lý qua vùng này. Hai bà có công dạy dân trồng lúa nước và trị thuỷ nên được nhân dân lập đền thờ phụng muôn đời.
2. Hoàng thành Thăng Long, Hà Nội
Khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long, Hà Nội có tổng diện tích 18,395 ha, bao gồm khu khảo cổ học 18 Hoàng Diệu và các di tích còn sót lại trong khu di tích Thành cổ Hà Nội như cột cờ Hà Nội, Đoan Môn, điện Kính Thiên, nhà D67, Hậu Lâu, Bắc Môn, tường bao và 8 cổng hành cung thời Nguyễn.
Dấu tích hoàng thành Thăng Long. Ảnh: yatlat |
Theo lịch sử, năm 1009, Lý Công Uẩn lên ngôi vua, sáng lập vương triều Lý. Tháng 7 mùa thu năm 1010, nhà vua công bố thiên đô chiếu để dời đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) về thành Đại La. Ngay sau khi dời đô, Lý Công Uẩn đã cho gấp rút xây dựng Kinh thành Thăng Long, đến đầu năm 1011 thì hoàn thành.
Khi mới xây dựng, Kinh thành Thăng Long được xây dựng theo mô hình tam trùng thành quách gồm: vòng ngoài cùng gọi là La thành hay Kinh thành, bao quanh toàn bộ kinh đô và men theo nước của 3 con sông: sông Hồng, sông Tô Lịch và sông Kim Ngưu. Kinh thành là nơi ở và sinh sống của dân cư. Vòng thành thứ hai (ở giữa) là Hoàng thành, là khu triều chính, nơi ở và làm việc của các quan lại trong triều. Thành nhỏ nhất ở trong cùng là Tử Cấm thành, nơi chỉ dành cho vua, hoàng hậu và số ít cung tần mỹ nữ.
3. Cố đô Hoa Lư, Ninh Bình
Hoa Lư là kinh đô của nước Đại Cồ Việt dưới hai triều Đinh (968-979) và Tiền Lê (980-1009). Đó là vùng núi hiểm trở, thích hợp với yêu cầu quân sự của một chính quyền độc lập non trẻ còn phải đối phó với nhiều mối đe dọa của thù trong, giặc ngoài.
Với địa thế lợi hại của vùng đất núi non trùng điệp, triều Đinh đã đánh bại các thế lực cát cứ địa phương, khôi phục và củng cố nền thống nhất quốc gia; triều Tiền Lê đã đập tan cuộc xâm lược lần thứ nhất của nhà Tống, bảo vệ vững chắc nền độc lập dân tộc.
Trong vòng 41 năm (968-1009), kinh đô Hoa Lư đã xứng đáng với sự lựa chọn của Đinh Tiên Hoàng và Lê Đại Hành và đã làm tròn vai trò lịch sử của nó.
4. Thành nhà Hồ, Thanh Hóa
Là kinh đô của nước Đại Ngu, khu thành nhà Hồ thuộc huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa được xây dựng cách đây hơn 6 thế kỷ và hiện nay chỉ còn sót lại phần tòa thành.
Tòa thành nhà Hồ độc đáo với mái vòm. Ảnh: dulichvietnam |
Thành nhà Hồ tọa lạc ở vị trí giáp ranh đồng bằng và miền núi, cảnh quan đẹp, sông núi hài hòa, địa hình đa dạng tạo lợi thế về quân sự. Theo sử liệu, vào năm 1397, trước nguy cơ đất nước bị giặc Minh từ phương Bắc xâm lăng, Hồ Quý Ly đã chọn đất An Tôn để xây dựng kinh thành nhằm chuẩn bị cho cuộc kháng chiến lâu dài, đồng thời cũng là cách để hướng lòng dân đoạn tuyệt với nhà Trần. Thế đất được chọn nằm ở khu vực giữa sông Mã và sông Bưởi, phía bắc có núi Thổ Tượng, phía tây có núi Ngưu Ngọa, phía đông có núi Hắc Khuyển, phía nam là nơi hội tụ của sông Mã và sông Bưởi.
Thành nhà Hồ gồm ba bộ phận: La thành, Hào thành và Hoàng thành. La thành là vòng ngoài cùng, chu vi khoảng 4 km. Hào thành được đào bao quanh bốn phía ngoài nội thành, cách chân thành theo các hướng khoảng 50m. Công trình này có nhiệm vụ bảo vệ nội thành.
5. Cố đô Huế
Huế là kinh đô của nước Việt Nam thống nhất dưới sự trị vì của 13 đời vua nhà Nguyễn, từ năm1802 đến năm 1945. Cũng vào thời gian này, tại đây đã hình thành các công trình kiến trúc lịch sử văn hoá có giá trị mà tiêu biểu là kinh thành Huế, đặc biệt là khu Đại Nội (có 253 công trình), 7 cụm lăng tẩm của 9 vị vua Nguyễn, đàn Nam Giao, Hổ Quyền, điện Hòn Chén.
Cố đô Huế. Ảnh: dulichchuyenghiep |
Bên bờ Bắc của con sông Hương, hệ thống kiến trúc biểu thị cho quyền uy của chế độ trung ương tập quyền Nguyễn là ba tòa thành: Kinh thành Huế, Hoàng thành Huế, Tử cấm thành Huế, lồng vào nhau được bố trí đăng đối trên một trục dọc xuyên suốt từ mặt Nam ra mặt Bắc.
6. Thành Hoàng Đế, Bình Định
Thành Hoàng Đế cách thành phố Quy Nhơn khoảng 30 km về phía Bắc, thuộc xã Nhơn Hậu, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định. Năm 1778, tướng quân Nguyễn Huệ đem quân vào Nam đánh tan quân Xiêm, làm nên chiến thắng Rạch Gầm – Xoài Mút vang dội, từ đó mới chính thức có gọi tên là thành Hoàng Đế.
Trong suốt một thời gian dài từ 1776 đến 1793, thành là đại bản doanh của quân Tây Sơn và sau đó là kinh đô của chính quyền Trung ương Hoàng Đế Thái Đức – Nguyễn Nhạc.
Thành Hoàng Đế nguyên là một tổng thể kiến trúc hình chữ nhật, gồm ba vòng thành: Thành Ngoại, Thành Nội và Tử Cấm Thành. Sau khi triều đại Tây Sơn thất bại, Gia Long – Nguyễn Ánh đã trả thù cực kỳ dã man đối với triều đại Tây Sơn. Thành Hoàng Đế, dấu tích một thời vàng son của Tây Sơn cũng bị đổ nát.
Anh Phương tổng hợp
Nguồn: Vnexpress.net