Với một vòng du hành quanh khu 36 phố phường của Hà Nội hôm nay, ta có thể khám phá ra mâm cơm của người Hà Nội hàng trăm năm trước có những gì khác biệt.
Việt Nam là đất nước nông nghiệp, với cơm là món ăn được dùng từ cung đình cho đến thứ dân. Do đó, ở mỗi khu vực, gạo luôn là mặt hàng được quan tâm nhiều nhất. Ở Hà Nội thời xưa cũng vậy, gạo không chỉ được bán thành một phố “hàng”, mà có tới một khu chợ tại phố Chợ Gạo ngày nay, ngay sát cạnh bờ sông Hồng, nơi các thuyền buôn dễ dàng cập bến để ngày ngày đưa nguồn gạo ngon từ khắp mọi miền về cung cấp cho kinh thành.
Mâm cơm người Việt
Câu cửa miệng của người Việt xưa khi nói về thức ăn thường ngày là “gạo, muối” hay “gạo, mắm”. Chính vì thế, mắm và muối cũng được tập kết bán tại khu vực gần bờ sông như gạo, hình thành phố Hàng Mắm và phố Hàng Muối cách phố Chợ Gạo không xa. Hàng Mắm không chỉ bán mắm mà còn bán các loại cá, cũng như các loại thủy sản khác như cua, tôm, ốc, ếch, ngao, sò…
Chợ Gạo khi xưa. Ảnh: tư liệu. |
Ít người biết rằng ngày xưa Hà Nội cũng có phố Hàng Trứng. Đấy chính là một đoạn của phố Hàng Mắm, nằm từ phố Trần Quang Khải đến Nguyễn Hữu Huân, tập trung nhiều cửa hàng buôn bán trứng. Trứng ở đây được đóng trong các sọt lớn, lót rơm và chở bằng thuyền từ Phát Diệm, Ninh Bình lên.
Ngoài muối và mắm, các loại thực phẩm phụ cũng thường được bán ở các phố gần bờ sông, như phố Hàng Đậu bán các loại đậu hạt, phố Hàng Khoai bán khoai ở hai bên chân cầu Long Biên.
Mâm cơm bình dân của gia đình Việt thường có món cá, ta cũng thấy có phố Hàng Cá nằm ở khu vực từ phố Hàng Đường kéo dài đến phố Thuốc Bắc. Nhiều người sẽ thắc mắc tại sao phố Hàng Cá lại không nằm cạnh bờ sông? Thực ra ngày xưa, phố Hàng Cá chính là một đoạn sông Tô Lịch, hình thành chợ bán cá rất lớn nên có tên là trại Tiên Ngư (có nghĩa là cá tươi). Sau này đoạn sông này bị lấp, mới trở thành đường phố như hiện nay.
Vậy Hà Nội có phố Hàng Thịt không? Lịch sử từng ghi nhận có một con ngõ có tên là Hàng Thịt ở đầu phố Hàng Buồm. Còn để giết mổ lợn với quy mô lớn, thì có một ngõ mang tên Lò Lợn ở khu vực ngoại thành phía Nam, nằm trên phố Bạch Mai hiện nay.
Mâm cơm người Việt có gì khác với các nước châu Á khác?
Một số nhà nghiên cứu cho rằng: Đó là cái mâm. Các nước Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản thường bày đồ ăn thẳng lên bàn, riêng nước ta để đồ ăn trong mâm gỗ, nhà quyền quý thì có mâm đồng, mâm bạc. Các loại mâm, khay bằng gỗ tiện được bán ở một phố riêng: Phố Hàng Khay nằm ngay cạnh hồ Gươm. Trong khi đó, muốn mua mâm đồng, cứ việc đến phố Hàng Đồng.
Trên mâm có bát, đĩa. Bát ăn được bán tập trung ở phố Bát Sứ, còn các loại bát đựng thức ăn thì đã có phố Bát Đàn cũng ngay bên cạnh.
Có bát ắt phải có đũa. Hà Nội xưa cũng có một khu phố chuyên bán đũa, chính là ngõ Hàng Đũa mà nay là phố Ngô Sĩ Liên, ngay giữa khu vực Văn Miếu và ga Hà Nội.
Về nơi bán các loại đồ đựng trong gia đình thì nhiều: Nồi đồng bán ở phố Hàng Đồng, còn chum, chĩnh, vại, bình, lọ… được bày bán bạt ngàn ở phố Hàng Chĩnh.
Nếu nhà nào không muốn ăn cơm, có thể mua bún ở phố Hàng Bún hay các loại cháo nấu với thịt, cá ở phố Hàng Cháo. Muốn làm các loại bánh, thì đến phố Hàng Bột mua bột. Sang trọng hơn, có thể thưởng thức món chả cá đặc sản ở con phố xưa có tên gọi Hàng Sơn, mà sau này nhờ hàng chả cá Lã Vọng nổi tiếng, đã đổi tên thành phố Chả Cá.
Chả cá Lã Vọng ở nhà hàng 130 năm tuổi
Chả cá Lã Vọng ở nhà hàng 130 năm tuổi
Đồ tráng miệng
Nước ta là nước nhiệt đới, có nguồn hoa quả rất phong phú, Hà Nội cũng không thiếu loại quả gì. Tuy nhiên, nhìn vào danh sách phố cổ Hà Nội, ta chỉ thấy có phố Hàng Chuối mang tên một loài quả, nhưng thực ra nơi đây ngày xưa là bãi trồng chuối chứ không phải phố chuyên bán chuối. Còn các đồ ăn vặt khác, có phố Hàng Đường bán các đủ loại bánh kẹo ô mai. Thuốc lào phục vụ người dân hút thuốc được bán ở phố Hàng Gai, Hàng Ngang. Trong khi đó, để phục vụ nhu cầu ăn trầu, ngày xưa có cả một phố Hàng Cau ở đầu phố Hàng Bè hiện nay. Để mua vôi ăn trầu, thì cũng có thể lên phố Hàng Than, ở đó có lò vôi.
Phố Hàng Đường sầm xuất. Ảnh: tư liệu. |
Hà Nội là đất kinh kỳ, tập trung sản vật của bốn phương, nên thức gì ngon cũng có bán. Dân Hà Nội sành ăn, nên đến mùa rươi, người ta đem rươi từ các tỉnh giáp biển lên bán cho người dân mua làm chả, hình thành phố Hàng Rươi. Hết mùa rươi, phố này lại bán mắm rươi để các gia đình mua về cất giữ ăn dần.
Để nấu nướng, có thể mua bếp ở phố Hỏa Lò, còn than thì có phố Hàng Than, cũng nằm ngay cạnh bờ đê.
Về đồ uống, xưa có phố Hàng Chè, với tên thông dụng là thôn Hương Minh (tức là chè thơm) ở đoạn đầu phố Cầu Gỗ hiện nay. Các món chè Tàu cũng được thương nhân Hoa kiều bán nhiều ở khu vực phố Hàng Ngang.
Ở Thăng Long, Hà Nội, trung tâm kinh tế suốt hàng trăm năm trong thời phong kiến, nên không có gì là không có. Chợ được mở ở khắp nơi, trong đó có chợ Đồng Xuân to nhất cả nước một thời. Tuy nhiên, nhìn vào danh sách các phố Hàng trong khu phố cổ Hà Nội, cũng có thể phần nào hình dung ra sự phong phú cũng như nét thanh lịch trong mâm cơm của người Hà Nội xưa.
Nguồn: Vnexpress.net