Chuẩn bị cho chuyến du lịch, nhiều người lên mạng tra cứu thông tin điểm đến. Song thực tế, không ít khách sạn, nhà hàng gây thất vọng cho du khách bởi các hình ảnh quảng bá đăng tải trên website quá nghèo nàn, không hấp dẫn.
Chị Minh Hải ở Tây Sơn (Hà Nội) kể, hồi tháng 3, gia đình chị có chuyến du lịch tại Côn Đảo. Để chuẩn bị cho chuyến đi, chị mất gần một tuần vào mạng tra cứu thông tin về địa điểm sẽ tới. Do có con nhỏ nên chị đặc biệt quan tâm đến chỗ ăn và chỗ ở cho cả gia đình.
Tòa nhà ở Sài Gòn qua lăng kính của nhiếp ảnh gia Tuấn Lamos. |
Theo tư vấn của công ty du lịch và đồng nghiệp, chị quyết định thuê phòng tại một khu nghỉ dưỡng. Cẩn thận hơn, chị vào website của resort này để tìm hiểu thông tin, các dịch vụ đi kèm. “Khi xem các hình ảnh giới thiệu về phòng ngủ, phòng tắm, nhà ăn ở khách sạn này tôi rất băn khoăn. Ám ảnh lúc bấy giờ là chiếc khăn trải giường nhăn nhúm, tủ kệ cánh mở cánh đóng. Chưa kể, lọ hoa trên bàn còn héo úa đến thê thảm. Lỡ đặt rồi đành chấp nhận chứ thú thực, lúc đó tôi chẳng thấy vui”, chị Hải kể.
Tuy nhiên, khi đặt chân đến Côn Đảo, chị Hải cũng như các thành viên trong gia đình rất ngạc nhiên bởi phong cách phục vụ cũng như chất lượng phòng ốc ở đây. “Vẻ sạch sẽ, khung cảnh hài hòa, thoáng đãng ở resort khiến tôi cứ băn khoăn sao họ lại đăng các bức ảnh rất tệ lên mạng để giới thiệu cho du khách”, chị chia sẻ.
Chị Hải chỉ là một trong vô số trường hợp du khách sau mỗi chuyến đi đã phải thốt lên câu “đẹp ngoài sức tưởng tượng” hay “dịch vụ bị đánh bóng quá mức”. Giám đốc một công ty du lịch ở Hà Nội cho rằng, cùng với sự phát triển của Internet, lẽ ra các khách sạn, nhà hàng, resort… cần chú trọng hơn vào khâu quảng bá. “Hình ảnh được coi là công cụ tốt nhất giúp họ lột tả chân thực dịch vụ của mình nên rất cần sự hỗ trợ của các nhiếp ảnh gia”, ông nói.
Ở nhiều quốc gia trên thế giới, dịch vụ nhiếp ảnh dành riêng cho nhà hàng, khách sạn ra đời từ rất sớm. Khi mỗi dự án khai trương, chuẩn bị mở cửa đón khách, các nhiếp ảnh gia này sẽ làm công việc “thám hiểm” từng ngõ ngách của khách sạn. Dưới con mắt lành nghề của họ, những điểm độc đáo, hấp dẫn dẫn nhất sẽ được thể hiện qua ảnh hoặc clip với chi phí lên tới vài chục nghìn USD.
Tại Việt Nam, nhiều khách sạn cũng chú ý tới việc làm hình ảnh, song không phải lúc nào cũng đạt được hiệu quả mong muốn. Tổng giám đốc một khách sạn 4 sao tại TP HCM cho biết, có lần đã mời một nhiếp ảnh gia chụp thời trang rất nổi tiếng đến thực hiện bộ ảnh khách sạn. Nhưng sau khi nghe anh này đưa ra mức giá “trên trời” cùng tổng thời gian chụp gói gọn trong 2 tiếng, vị này đã phải rút lại ý định.
“Đơn cử, mới chỉ chụp phòng họp thôi cũng đã phải mất gần cả buổi từ phòng họp nhỏ, phòng VIP đến phòng họp lớn… Mỗi lần trang trí, sắp đặt phòng họp để chụp phải mất 4 – 5 tiếng nên thời gian 2 tiếng quả là không tưởng”, ông giám đốc phân tích. Chưa kể thời điểm chụp hình khách sạn vẫn hoạt động bình thường, nhất là ở khu vực sảnh lễ tân, người chụp nhiều khi phải kiên nhẫn chờ khách ra khỏi khu vực bấm máy mới có thể tác nghiệp được.
Bếp trưởng một khách sạn 4 sao tại TP HCM đến giờ vẫn còn “sôi máu” với anh chàng chụp ảnh các món ăn để quảng cáo cho nhà hàng của khách sạn. “Món rau vừa ra khỏi bếp, cọng rau chín căng mọng rất đẹp anh ta không chụp mà cứ lăng xăng chụp món khác, đến khi quay lại thì rau đã nguội và chẳng còn hấp dẫn thì lại bắt tôi phải làm đĩa mới. Anh ta cứ quay chúng tôi như chong chóng, hết đòi thêm cái này lại đến cái kia”, vị bếp trưởng nhớ lại.
Còn anh Thanh An, phụ trách marketing khách sạn cũng từng “gặp nạn” khi nhiếp ảnh gia chụp ảnh theo hứng. “Theo kế hoạch, hôm ấy chụp phòng, bộ phận buồng đã sắp xếp đâu vào đấy. Đột nhiên người chụp ảnh bảo hôm nay trời đẹp nên ưu tiên chụp hồ bơi trước khiến chúng tôi phải điều người làm vệ sinh, trang trí và năn nỉ khách đang tắm nhường hồ bơi cho anh ấy tác nghiệp”, anh An nói.
Ở Việt Nam chi phí chụp khách sạn 5 sao dao động từ 3.000 USD đến 6.000 USD, tùy theo hạng mục thuê. Đối với khách sạn từ 4 sao trở xuống, giá từ 700 USD đến 3.000 USD. Trong khi tại nước ngoài, chi phí cho việc chụp khách sạn thường lên đến vài chục nghìn USD. |
Số liệu thống kê năm 2011 cho thấy, 75% khách du lịch châu Âu tham khảo 4,7 website khách sạn trước khi đưa ra quyết định sau cùng. Con số này lên tới 85% vào năm 2012. Điều này có nghĩa sau khi “đo đếm” giá cả, thì hình ảnh thể hiện của khách sạn sẽ là yếu tố để du khách chọn nơi mình nghỉ chân trong số 4-5 khách sạn đã tham khảo.
Nghiên cứu mới đây được ROI Manager – trang chuyên theo dõi và phân tích các dữ liệu du khách truy cập vào các trang website khách sạn – thực hiện, cho thấy một bộ sưu tập ảnh trên website giới thiệu khách sạn trung bình nhận được 97,6% cú nhấp chuột của du khách trực tuyến.
“Hình ảnh đôi khi có sức mạnh hơn cả ngôn từ và khiến khách du lịch thay đổi quyết định chọn khách sạn cho chuyến đi”, một nhiếp ảnh gia có tiếng tại TP HCM chia sẻ. Theo ông, hình ảnh trưng bày tuy chỉ đem lại cho người xem những kinh nghiệm du lịch tưởng tượng nhưng nó cũng thú vị không kém.
Nhiếp ảnh gia Jacques Brunius người Pháp chia sẻ về nghệ thuật nhiếp ảnh khách sạn trong một cuộc triển lãm mới đây: “Hình ảnh không chỉ hiển thị những gì mắt không nhìn thấy mà nó còn phải khơi gợi được vẻ đẹp tiềm ẩn mà người xem chưa cảm nhận được ngay cả khi thấy tận mắt”.
Theo anh Tuấn Lamos, một nhiếp ảnh gia chuyên về lĩnh vực này, chụp hình khách sạn không hề “dễ ăn”. Để có được bộ ảnh ưng ý phải bỏ ra từ 4 ngày đến cả tuần mới mô tả được hết mọi ngóc ngách chứ không phải vác máy ra là chụp được. Ngoài ra còn phải thêm một ngày trước đó để khảo sát khách sạn và đưa ra tư vấn về những vật dụng cần bổ sung. Ngoài việc phải vững về chuyên môn nhiếp ảnh, người chụp cũng phải hiểu rõ về nghiệp vụ khách sạn mới có thể cho ra những bộ ảnh vừa đẹp vừa đặc tả được các dịch vụ nơi này cung cấp.
“Tôi may mắn có dịp được “thọ giáo” người bạn thân là giám đốc một khách sạn nên biết được những nguyên tắc cơ bản để thực hiện bộ ảnh đúng theo chuyên môn khách sạn”, anh Tuấn Lamos chia sẻ. Chẳng hạn, để chụp nhà hàng phải thống nhất từ cách sắp xếp bàn ghế, bàn tiệc buffet, xếp khăn, muỗng nĩa. Hay ly uống rượu phải phù hợp với món ăn và từng loại rượu khác nhau… Nhiều nhiếp ảnh gia không biết các quy tắc này thường sắp xếp lộn xộn hoặc để an toàn chỉ chụp bàn trống làm khung cảnh trở nên “chết cứng”.
Khung cảnh phòng thường đóng vai trò “đinh” trong thu hút du khách chọn lựa khách sạn. “Do vậy, nhiệm vụ của nhiếp ảnh gia phải tạo được sức sống cho căn phòng dù không có người nào trong đó”, anh Tuấn Lamos nhấn mạnh. Điều này được thực hiện qua những chi tiết tưởng như nhỏ nhặt nhưng rất “đắt” như bố trí một chiếc vali trong phòng, trên bàn đặt ly rượu, đĩa trái cây cùng cuốn sách đang lật trang. Hoặc phòng dành cho doanh nhân nên có thêm laptop, iPad hay bút ký tên.
Anh Tuấn Lamos cho hay, chi tiết khá quan trọng nhưng ít được chú ý là rèm, ga giường, khăn không được là ủi thẳng hay gối trên giường và sô pha xếp không ngăn ngắn, lệch với nhau. Ngoài ra chụp ảnh phòng ở mang yếu tố chụp hình kiến trúc nên luôn phải ưu tiên thẳng góc. Nếu căn phòng bị đổ nghiêng sẽ tạo cảm giác bất an cho du khách.
“Dùng nhiếp ảnh để quảng bá dịch vụ thể hiện thấy thái độ tôn trọng của chính người chủ khách sạn đối với cơ sở kinh doanh và chính khách hàng của mình. Nếu các khách sạn, nhà hàng, cơ sở kinh doanh được quảng bá bằng hình ảnh xấu xí, thiếu chuyên nghiệp… sẽ khó tránh khỏi việc ‘thượng đế buồn thượng đế bỏ đi'”, một chuyên gia marketing cũng nhấn mạnh.
Minh Trí
Nguồn: Vnexpress.net