Vùng đất trống gần khu vực thác Cam Ly là nơi có nhiều hoa dã quỳ phủ vàng mặt đất – Ảnh: ĐỨC THỌ
Đến Đà Lạt, để ngắm và để cùng chụp ảnh với dã quỳ, bạn đừng đi vào vùng nội đô nhà cửa chen chúc. Cũng đừng đến những vùng trồng hoa phủ trắng nhà kính, nơi đó không có chỗ cho những loài hoa thôn dã như dã quỳ.
Dã quỳ cần không gian rộng rãi, đất rộng mênh mông, cần trời xanh nắng vàng và cả không khí trong veo, lành lạnh cuối thu đầu đông.
Đà Lạt khác với nhiều vùng đất khác của xứ nhiệt đới là hay mưa khi đông về. Mùa đông Đà Lạt mùa đẹp nhất năm: trời lạnh, khô, trong lành và nắng vàng trong. Dã quỳ hoang dại nhưng khó tính, phải chờ đất trời vào mùa đẹp mới chịu bung nụ hoan ca.
Nông dân ở xã Tu Tra (huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng) đi làm trên con đường đất đỏ hai bên là hàng rào hoa dã quỳ – Ảnh: ĐỨC THỌ
Khúc ca mùa vàng của dã quỳ ở xứ cao nguyên cũng không kéo dài được lâu, tầm một tháng. Dù ít ỏi nhưng cũng đủ để những ai yêu thích không gian vàng rực dã quỳ tìm tới dù ở những nơi rất xa. Sau một tháng phủ vàng rực rỡ, dã quỳ lùi vào tán lá xanh để đất cao nguyên đón một mùa hoa mới, không rực rỡ nhưng đằm thắm.
Đường vào Khu du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm (TP. Đà Lạt) vẫn còn những đồi hoa dã quỳ – Ảnh: ĐỨC THỌ
So với cách nay khoảng 10 năm, Đà Lạt và những vùng lân cận mất đi nhiều không gian dã quỳ mênh mông. Sự xâm lấn của nhà kính, của những khu nhà ken kín từ nội ô cho đến ngoại ô đã xé nhỏ không gian dã quỳ. Những không gian tưởng không có tiền nào mua nổi cuối cùng cũng thu nhỏ rồi tan biến.
Dã quỳ giờ không có ở nội ô, cũng bởi sự ngột ngạt của đô thị. Những thung lũng trống trải trong lòng nội ô lấp kín nhà là nhà. Những bờ ngày trước thường dùng dã quỳ làm bờ rào giờ cũng chặt bỏ vì nhà kính không cần phân định ranh đất bằng hàng rào.
Nội đô, nếu có dã quỳ nở vàng thường chỉ là những khóm nhỏ, lẻ loi. Dã quỳ khoe sắc nhưng vô tình chỉ điểm để chỉ ít lâu nữa người ta sẽ chặt phăng nó đi cho sạch đất.
Hồ Tuyền Lâm vốn đẹp càng thêm đẹp nhờ hoa dã quỳ – Ảnh: ĐỨC THỌ
Đến Đà Lạt, đừng hỏi chụp dã quỳ ở đâu thì đẹp. Khó định vị những vùng hoa vàng cho bạn đến ngắm chính xác như chỉ bạn đến các khu điểm du lịch. Chỉ có thể nói với bạn rằng: “Cứ đi về ngoại thành, cứ đi về các huyện gần Đà Lạt, cứ đi đến nơi đất đỏ chưa bị phủ nhà kính. Nơi nào bạn thở thấy mát lành, chắc chắn nơi ấy có những bờ dã quỳ chạy dài”.
Con dốc nhỏ ở đườn An Bình đẹp nhờ hàng rào hoa vàng dã quỳ – Ảnh: ĐỨC THỌ
Sân chơi thể thao của Đại học Đà Lạt được bao bọc xung quanh bằng hoa dã quỳ – Ảnh: ĐỨC THỌ
Các huyện ven Đà Lạt như Đức Trọng, Đơn Dương và cả TP. Bảo Lộc (cách Đà Lạt 100 km) có nhiều con đường hoa dã quỳ – Ảnh: ĐỨC THỌ
Hàng rào dã quỳ ở ngoại ô Đà Lạt – Ảnh: ĐỨC THỌ
Con đường nhỏ dẫn vào lăng mộ quận công Nguyễn Hữu Hào đã đẹp còn đẹp hơn nhờ sự tô điểm của hàng rào hoa dã quỳ – Ảnh: ĐỨC THỌ
Cảnh vật Đà Lạt trở nên mềm mại trong nắng vàng cùng hoa vàng – Ảnh: ĐỨC THỌ
Hoa dã quỳ đẹp nhất khi nở theo từng khóm lớn hoặc một bờ dài – Ảnh: ĐỨC THỌ
Con đường dẫn đến các thôn nhỏ ở ngoại thành hoặc vùng ven Đà Lạt trong mùa hoa dã quỳ nở – Ảnh: ĐỨC THỌ
Ở những nơi canh tác nông nghiệp không dùng nhà kính vẫn còn nhiều đồi hoa dã quỳ khiến ai đi ngang qua cũng mê mẩn – Ảnh: ĐỨC THỌ
Dã quỳ là loài hoa nở khi mua mưa ở cao nguyên vừa dứt, người Đà Lạt xem đây là loài hoa báo nắng – Ảnh: ĐỨC THỌ
Đồi hoa dã quỳ ven cao tốc Liên Khương -Prenn đẹp như một bức tranh – Ảnh: ĐỨC THỌ
Nguồn: Dulich.tuoitre.vn