Nghề vác đồ, dẫn đường cho khách leo núi đòi hỏi sức mạnh và độ bền bỉ cao. Những cô gái theo nghề này thường phải trải qua nhiều gian nan, hiểm hóc.
Giàng Thị Liên, sinh năm 1996, người Mông, sống ở thôn Nhìu Cồ San, xã Y Tý, tỉnh Lào Cai, làm porter (người dẫn đường và mang đồ cho khách leo núi) được 5 năm. Trừ ngày mùa từ tháng 5 đến tháng 9, cô đi dẫn đoàn khám phá rừng núi mỗi ngày. |
Từ năm 2012, loại hình leo núi ở Bát Xát trở nên phổ biến với dân du lịch. Nhờ đó, những người như Liên bắt đầu theo nghề. Thu nhập dao động khoảng 300.000-400.000 đồng/ngày. Nếu làm tốt, porter có thể nhận thêm tiền tip. Họ còn kiếm thêm từ việc bán nước, xây lán cho khách ở hay đun nước tắm, ngâm chân… |
Vào mùa cao điểm, porter đôi khi không đủ để phục vụ người leo núi. Những lúc như thế, anh em, họ hàng, vợ con… bất kể nam nữ đều trở thành người dẫn đường, hỗ trợ du khách. Người khỏe vác nhiều, người yếu vác ít, chia nhau làm. Ngày đầu tiên của chuyến leo núi, Liên gặp mặt các thành viên trong đoàn tại bản và nhận đồ, thức ăn được giao đem theo lên núi. Nếu thời gian gấp gáp, đoàn có thể nhờ porter chuẩn bị hộ. Chuyến leo đỉnh Bạch Mộc Lương Tử lần này, Liên đi cùng anh rể và chị dâu. Như vậy, đoàn có tổng 3 porter hỗ trợ cho 10 người. |
So với đồ nghề trang bị kỹ càng của khách leo núi, các porter như Liên chỉ sử dụng dép tổ ong. Vào những ngày mưa, họ “nâng cấp” từ dép lên ủng. |
Với các porter như Liên, gùi nhựa là vật bất ly thân. Thông thường, các porter nữ có thể vác tới 15 kg, nam khoảng 20-25 kg. Người thường gần như không thể chịu nổi chiếc gùi mà Liên mang. Dây gùi làm bằng bao dứa, mảnh và không có lớp đệm. Khi đeo, gùi ghì chặt vào vai tạo cảm giác đau đớn. |
Ngoài đồ của khách, porter cũng phải chuẩn bị đồ cá nhân. Thông thường, họ đem thêm một bộ quần áo, đồ đi mưa và một con dao đi rừng. Đoàn nghỉ, porter được nghỉ và ngược lại. Hai bên luôn phải theo sát nhau như hình với bóng. |
Nếu gặp đường khó đi, Liên lại hướng dẫn thành viên trong đoàn cách vượt qua an toàn. Đôi khi, cô phải cầm tay, tạo điểm tựa để thành viên tiếp tục. |
Khối lượng đồ trong gùi của Liên thường vào khoảng 15 kg. Tuy nhiên, khi một thành viên mệt không thể đeo balo nữa, cô lại mang đồ hộ. Cứ thế, chiếc gùi 15 kg ban đầu có thể tăng thêm đáng kể suốt chặng đường. |
Khi đến điểm dừng chân qua đêm, trong lúc các thành viên được nghỉ ngơi sau một ngày thì porter tiếp tục công việc của mình. Liên nấu bữa tối. |
Xong xuôi, Liên lại thu dọn và chuẩn bị bữa sáng để mai tiếp tục lên đường. |
Liên khiến nhiều người ấn tượng với thân hình nhỏ bé, chỉ khoảng 1,4 m nhưng sức khỏe thì nhiều đàn ông cũng khó theo. Cô kiệm lời và cũng chẳng biết pha trò, khách hỏi gì đáp nấy. |
Nếu đụng đến vấn đề nhạy cảm, Liên chỉ biết tủm tỉm và không dám trả lời. Chắc do vốn tiếng Kinh ít ỏi và Liên cũng không hiểu được ý tứ trong lời nói của những người miền xuôi. |
Liên bé nhỏ nhưng mỗi khi khách cần, cô lại trở thành chỗ dựa đáng tin cậy. Đôi chân sương gió của người Mông giúp Liên trèo đèo, lội suối, đi chân vách đá… mà không chút sợ hãi. Cô luôn ở bên khách những đoạn đường khó, hướng dẫn họ từng bước vượt qua. Câu nói “đưa tay đây em dìu nào” của Liên thật khiến nhiều vị khách gặp một lần mà nhớ mãi. |
Nhiều cánh mày râu trước khi đi thì khí thế hừng hực. Lúc tới vực sâu, họ lại lết mông từng bước. Nhìn đôi chân thoăn thoắt của Liên, mấy anh lại phải ngả mũ nể phục vài phần. |
Liên có cơ hội xuống Bắc Ninh làm công nhân nhưng cô không biết mình phải làm gì, công việc ra sao. Với cô, ngày nào vẫn còn ở với núi rừng, vẫn đủ sức khoẻ để leo núi thì cô còn làm. |
Nguồn: News.zing.vn