Mỗi ngày, bà Chước ngồi nướng bánh từ 5h đến 17h phía trước hiên nhà nhỏ ở trung tâm thành phố.
Bà Hồ Thị Chước năm nay 93 tuổi. Sinh ra trong một gia đình khó khăn, lại là chị cả nên từ nhỏ, bà đã cùng người thân bươn chải để mưu sinh. Quán của bà Chước không có chỗ ngồi cho khách cũng không có bảng hiệu. Vậy mà khách vẫn tìm đến để thưởng thức hương vị quen thuộc đã hơn 40 năm.
Các công đoạn từ pha bột cho đến nướng bánh đều do tự tay bà Chước thực hiện. Bà chủ cho rằng, lời ít mà bán được nhiều còn hơn. “Vì là món ăn chơi, nếu giá cao quá thì sẽ bán chậm”, bà chia sẻ.
Mỗi ngày, bà Chước pha khoảng 3 kg bột kèm 1,5 kg đường và 25 quả trứng gà. Số tiền chi ra cho số nguyên liệu này khoảng 200.000 đồng.
Bà chủ không pha tất cả bột cùng một lúc mà bán đến đâu, pha đến đó. Tỷ lệ được cụ bà hơn 90 tuổi chủ động kiểm soát.
Quán bán nhiều loại bánh nướng, được chuộng nhất là bánh tàn ong. Để làm món này không khó nhưng đòi hỏi sự kiên nhẫn và tỉ mỉ. Bà Chước dùng bếp than củi để nướng. Khi khuôn nóng, bà quét một lớp dầu đều vào bên trong khuôn, hơ tiếp và trở đều hai mặt. Công đoạn này thường được bỏ qua khi đã cho ra dăm ba chiếc bánh.
Khi chiếc khuôn đủ nóng, bà sẽ múc vừa đủ bột ngập phần đế khuôn nhưng không để tràn mép. Trước đó, bà Chước phải khuấy đều bột trong xô. Bánh sẽ chín trong khoảng 3 – 5 phút, tùy theo lửa và độ nóng của khuôn.
Tuy tuổi đã cao, bà Chước vẫn thạo việc. Những chiếc bánh được nướng vàng ươm, mùi thơm nhẹ, ít bị khét. Bánh vừa mới ra lò sẽ mềm, dẻo dai, hương thơm mộc mạc mà béo ngậy. Khi bánh nguội, bạn sẽ cảm nhận được độ giòn, ngon miệng.
Phía trước hiên nhà nhỏ trên đường Nguyễn Văn Cừ, quận Ninh Kiều ngày nào cũng vang tiếng lách tách từ lò bánh của bà cụ. Khách đến đây đa phần là người địa phương sống gần đó.
Bà bắt đầu bắt than nhóm lửa vào khoảng 5h sáng. Bánh được đổ nóng liên tục để bán cho khách đến 17h. Một số loại như bánh ống được bà làm sẵn rồi gói kín trong túi. Bán hàng cả ngày nhưng bà Chước không thu lời nhiều. Trung bình mỗi ngày bà kiếm được khoảng 80.000 đồng.
Dù lao động khi tuổi đã cao, bà Chước vẫn vui vẻ và hài lòng. Bà Chước quan niệm: “Mình làm được thì mình để dành, khi gặp chuyện thì lấy ra dùng, không mượn ai”.
Di Vỹ
Ảnh: Nguyễn Thịnh
Nguồn: Vnexpress.net