Công ty du lịch bán dưa vì nCoV

0
7
Du khách quốc tế sụt giảm khiến nhiều công ty lữ hành phải xoay sở tìm doanh thu. Ảnh: Tâm Linh

TP HCM Một công ty du lịch cho nhân viên bán dưa hấu để có nguồn thu nhập, đơn vị khác cho nhân sự nghỉ phép trong thời gian không có khách.

Suốt nửa tháng qua, ông Trần Văn Long, Tổng giám đốc Công ty Du lịch Việt, như ngồi trên đống lửa, đau đầu không chỉ vì hàng loạt tour bị hủy, gây thiệt hại cả chục tỷ đồng vì dịch nCoV, mà còn phải tìm phương án bảo toàn nhân sự.

“Chúng tôi không bị động chờ tới hết mùa dịch. Để tăng thu nhập cho anh em, chúng tôi kiếm việc làm thêm bằng cách kết hợp với đối tác bán dung dịch rửa tay thiên nhiên sát khuẩn. Công ty đã nhập về 300.000 chai và triển khai bán qua các kênh online, bán tại trụ sở công ty ở TP HCM và Hà Nội”, ông Long chia sẻ. 

Ngoài ra, công ty này còn đưa 100 tấn dưa hấu đang tồn đọng ở Gia Lai và thanh long Bình Thuận về bán ở TP HCM. “Cách làm này giúp nhân viên có công ăn việc làm, đồng thời có thể hỗ trợ nông dân. Anh em trong công ty cũng sẵn sàng, không từ chối việc mới này”, ông Long khẳng định.

Du khách quốc tế sụt giảm khiến nhiều công ty lữ hành phải xoay sở tìm doanh thu. Ảnh: Tâm Linh

Du khách quốc tế sụt giảm khiến nhiều công ty lữ hành phải xoay sở tìm doanh thu. Ảnh: Tâm Linh.

Du lịch Việt là một trong hàng trăm công ty lữ hành của cả nước đang phải đối mặt với khủng hoảng nguồn khách. “Tính đến hết 31/3, công ty phải hủy gần 200 đoàn khách du lịch tới Trung Quốc. Trong khi đó, tour đi châu Âu đang mùa thấp điểm, không có khách; với tour đi Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan… lượng khách giảm 60% so với năm ngoái. Các tour nội địa cũng không khá hơn, khi khách đã chuyển tiền nhưng vẫn hủy”, ông Long than thở và vì thế, dẫn tới nhân viên thiếu việc làm ở công ty.

Để giữ nhân sự trong tình cảnh khó khăn đó, ông Long thống nhất cả công ty hơn trăm người làm theo tuần. Nếu nhân viên làm tuần này sẽ được nghỉ tuần sau, gối đầu nhau. Tính chung, hiện chỉ có 50% nhân sự công ty làm việc. Về thu nhập của nhân viên, công ty hiện có thể đảm bảo được 40% so với trước.

Khủng hoảng du khách hiện nay ảnh hưởng lên toàn bộ các mặt của du lịch Việt Nam. Công ty vận chuyển và du lịch Saco sở hữu 88 ôtô các loại, chủ yếu xe 45 chỗ, chuyên cung cấp phương tiện cho các hãng lữ hành phục vụ du khách quốc tế. “Cả đoàn xe nằm không trong bãi từ Tết đến nay”, ông Nguyễn Ngọc Tấn, Tổng giám đốc Saco nói. 102 tài xế của công ty vẫn hưởng lương bình thường, nhưng nếu tình trạng xe không có khách kéo dài đến hết tháng sau, tài xế có thể chỉ hưởng lương căn bản, với mức thu nhập 4 – 5 triệu đồng mỗi tháng.

Công ty khuyến khích tài xế nếu tìm được công việc có thu nhập tốt hơn thì nên chuyển, tài xế nào gắn bó có thể tận dụng thời điểm này để nghỉ phép về thăm nhà hoặc chăm sóc gia đình. “Thời gian rảnh vừa qua, nhiều tài xế tham gia các hoạt động thiện nguyện, như ra đường phát khẩu trang cho du khách cùng với Sở Du lịch TP HCM”, ông Tấn nói và cho biết, thiệt hại đến nay của Saco gần 7 tỷ đồng.

Du lịch Việt Nam đang thiếu hụt nguồn khách quốc tế. Ảnh: Tâm Linh

Du lịch Việt Nam đang thiếu hụt nguồn khách quốc tế. Ảnh: Tâm Linh.

Nằm trên đường Phạm Ngũ Lão, trong khu khách Tây đông đúc người nước ngoài nhất TP HCM, khách sạn Viễn Đông 4 sao 100 phòng không thoát khỏi tình trạng vắng khách chung của cả nước. “Số lượng đặt phòng đã giảm 40% so cùng kỳ năm ngoái”, bà Đặng Thị Thi Thanh, Tổng giám đốc, nói.

Theo bà Thanh, các năm vào tháng 2 – 3, công suất phòng đã đạt 50% và duy trì tăng trưởng đến cuối tháng, đạt 80 – 85%. Nhưng hiện tại, hàng loạt đơn đặt phòng đã hủy và không có đặt phòng mới.

“Nhiều công ty nước ngoài gửi đoàn đến Viễn Đông dù chưa chính thức hủy phòng nhưng thông báo trước với khách sạn là có thể không thực hiện được. Họ đề nghị giảm giá phòng 30% ngay lập tức để thực hiện các chương trình khuyến mãi lôi kéo khách tới. Khách châu Âu, Mỹ, Australia có giảm nhưng không nhiều”, bà Thanh chia sẻ và cho biết thêm, đó là lý do khách sạn vẫn giữ được công suất phòng nhất định. Một số khách sạn trong phố Tây, công suất chỉ còn 20%.

Tuy nhiên, thiệt hại nặng nhất ở Viễn Đông là các dịch vụ ăn uống, phòng cho thuê hội nghị, đám tiệc với ước tính giảm 70% so cùng kỳ. Khách sạn có tổng cộng 5 phòng họp lớn nhỏ nhưng gần như để trống hoàn toàn. Các công ty hạn chế thuê phòng họp và tổ chức tiệc tùng. Nhiều đặt phòng đề nghị hủy nhưng bà Thanh đề xuất chuyển qua thời điểm khác thích hợp nhằm tránh thiệt hại tài chính. Các nhà hàng trong khách sạn chủ yếu phục vụ ăn sáng, mất hết các đoàn khách ăn trưa, tối và tiệc.

Nhiều khách sạn, quán ăn trên phố Tây Phạm Ngũ Lão sụt giảm doanh thu vì vắng khách. Ảnh: Tâm Linh

Nhiều khách sạn, quán ăn trên phố Tây Phạm Ngũ Lão sụt giảm doanh thu vì vắng khách. Ảnh: Tâm Linh.

Sụt giảm du khách còn khiến ông An Sơn Lâm, chủ của 4 chiếc tàu chở khách trên sông Sài Gòn, điêu đứng. “Dự tính, tôi sẽ đưa hai chiếc tàu lớn về miền Tây để khai thác, mở thị trường mới”, ông Lâm cho hay. Hai tàu lớn, mỗi chiếc có sức chứa 600 người, còn hai tàu nhỏ, mỗi chiếc chở 100 người sẽ tiếp tục hoạt động trên sông Sài Gòn.

Theo ông Lâm, khách từ thị trường tiếng Hoa chiếm 50% lượng khách mà các tàu của ông phục vụ hàng năm. Nhưng đến nay, 50% khách này không còn, trong khi đó, khách phương Tây cũng giảm. Các tàu hiện chỉ phục vụ một số nhóm khách lẻ và khách châu Âu. Tính chung, khách đến công ty ông Lâm giảm khoảng 80%.

“Hiện chỉ còn một tàu vận hành với khoảng 100 khách mỗi đêm. Các tàu kia được đưa vào nâng cấp, vệ sinh. Thời gian này là cao điểm khách quốc tế cho đến hết tháng 4 và cao điểm trở lại vào tháng cuối năm. Như vậy, coi như chúng tôi thất thu nửa mùa du lịch. Đối với tàu du lịch, chi phí bến bãi rất lớn, thuê mỗi năm 3 – 4 tỷ đồng”, ông Lâm nhấn mạnh.

Các công ty du lịch cho hay, khó khăn có thể kéo dài, nhưng hiện nay chưa tính đến chuyện sa thải nhân viên. Bởi, một khi sa thải, đến lúc du lịch phục hồi, có thể còn thiệt hại lớn hơn vì không có người làm việc. Phương án nhân sự của khách sạn Viễn Đông là khuyến khích nhân viên nghỉ bù, gia đình có con có thể ở nhà chăm con nhỏ đang nghỉ học nhưng thu nhập vẫn bình thường. “Một số bộ phận phải tăng ca do đặc thù của lưu trú hiện nay, như kỹ thuật phun thuốc khử trùng mỗi ngày một lần. Nhân viên vệ sinh liên tục lau dọn thang máy, khu vực tiếp tân…”, bà Thanh nói.

Nhân viên công ty ông Lâm cũng được động viên nghỉ phép, có nhiều nhân viên chủ động nghỉ luôn, và nhiều người chưa trở lại làm việc sau Tết. Nhiều công ty du lịch điều động nhân sự liên quan trực tiếp đến du khách như hướng dẫn viên qua làm ở bộ phận khác, cắt giảm kế toán hoặc chuyển qua bộ phận chăm sóc khách hàng…

Ông Long của Du lịch Việt không sa thải bất kỳ nhân viên nào và coi giai đoạn rảnh rỗi do vắng khách này là thời điểm thích hợp nhất để công ty tái cơ cấu hoạt động. Bắt đầu bằng việc đào tạo lại nhân sự, tăng cường chăm sóc khách hàng, nâng cao chất lượng chương trình du lịch… để khi hết dịch, là bắt tay ngay vào phục hồi.

Ông Nguyễn Ngọc Tấn, cũng là đại diện của Hiệp hội Du lịch TP HCM, cho rằng nhiều doanh nghiệp du lịch đầu tư hoạt động bằng tiền vay ngân hàng, nên đang gặp khó. Ngân hàng Nhà nước đã ban hành chính sách tín dụng để chia sẻ khó khăn cho doanh nghiệp. “Chúng tôi mong muốn các ngân hàng thương mại hỗ trợ doanh nghiệp du lịch trong thời điểm này bằng cách giảm lãi vay, khoanh nợ, ân hạn thời gian qua gian đoạn khủng hoảng. Tuy nhiên, công văn của nhiều doanh nghiệp đã gửi tới ngân hàng chưa thấy hồi đáp”, ông Tấn lo lắng.

Xem thêm: Nỗi lo của hướng dẫn viên trong mùa dịch

Trần Tâm

Nguồn: Vnexpress.net