Bà mẹ Việt Nam (bìa phải) này đã “huấn luyện” con trai mình quen với những chuyến du lịch xa, thậm chí ở nước ngoài ngay từ khi cậu nhóc mới tròn 1 tháng tuổi – Ảnh: Tuấn Phong |
Trẻ nhỏ trong vòng sáu tháng đầu có một lợi thế là bú sữa mẹ hoàn toàn (trừ phi mẹ không có đủ sữa). Do đó, việc mang theo em bé trong chuyến đi thật dễ dàng.
Chỉ với một chiếc khăn choàng mềm buộc vào cổ, em bé có thể “ti” mẹ bất kỳ khi nào có nhu cầu, dù trên máy bay, ôtô, nhà hàng, trên bãi biển hay đơn giản là ghế đá dừng chân ở điểm du lịch.
Nếu không phải pha sữa ngoài thì sẽ không phải chuẩn bị bình nước nóng, nước nguội, sữa, bình, cốc, chổi rửa bình…, tiết kiệm khá nhiều thao tác.
Du lịch với trẻ nhỏ không phải là quyết định của một sớm một chiều. Đó là kết quả lựa chọn của cả một quá trình sống. Đi hay không là ở bạn, nhưng hãy là những ông bố, bà mẹ thông thái khi bắt đầu hành trình nắm tay bé yêu… |
Khi đưa em bé ra ngoài trong thời gian một ngày, bạn nên chuẩn bị một số đồ “không thể thiếu” trong túi xách như sau: tã (3-4 chiếc), khăn bông lớn (1c), khăn sữa (4c), bình sữa (3-4 bình), hộp chia sữa (4 bữa), hai bộ quần áo dự phòng, nón, vớ (2 đôi), một chai nước lọc 300ml, một bình chứa nước nóng, một gói giấy ướt, một lọ nước muối sinh lý và ít bông tăm.
Nghe kể có vẻ nhiều nhưng sắp xếp khéo một chút, tất cả sẽ được xếp gọn gàng trong túi đồ. Nên dùng túi có dây đeo chéo và quai xách để thuận lợi khi di chuyển.
Nếu em bé đã lớn hơn 1 tuổi thì thay vì chuẩn bị các đồ pha sữa, bạn chỉ cần mang theo sữa nước đóng hộp, nước hoa quả, hoa quả nghiền, bánh quy, cầu kỳ hơn thì chuẩn bị cháo trong bình giữ nhiệt.
Tập cho bé thói quen ăn thô sớm và ăn uống đa dạng để dễ dàng thích nghi với các chuyến đi, bằng việc sẵn sàng thưởng thức các món ăn đường phố đơn giản như bún, mì, phở, khoai tây nghiền cũng như một số thực phẩm ăn liền như cháo, bột.
Sẽ không quá khó khăn khi tìm mua đồ ăn địa phương phù hợp cho em bé cho dù chúng ta đi du lịch trong nước hay nước ngoài.
Một số vấn đề cần lưu ý
Bản thân câu chuyện di chuyển luôn tồn tại những rủi ro tiềm ẩn. Du lịch với trẻ nhỏ, tất yếu sẽ có thêm nhiều yếu tố nguy hiểm khác cần lưu ý.
Trước chuyến đi, một trong những lưu tâm hàng đầu, nhất là khi di chuyển ở nước ngoài, bạn phải tìm kiếm thông tin về các trung tâm y tế, bệnh viện phù hợp với kế hoạch du lịch và lưu thông tin này lại vào điện thoại phòng trường hợp khẩn cấp.
Bạn khoan hãy e ngại, hãy nhìn xem các ông bố bà mẹ phương Tây luôn sẵn sàng nắm tay con cùng khám phá thế giới như thế nào. Họ làm được thì vì cớ gì chúng ta lại không làm được? Chỉ cần một chút đầu tư kỹ lưỡng, có thể lực tốt và tinh thần “wanderlust – phiêu lưu” không ngừng nghỉ, tôi tin chắc mình sẽ có thêm cơ hội để sống “khác”, một cách thú vị và hay ho. |
Lộ trình tất nhiên phải được sắp xếp chu đáo, từ cách thức di chuyển, đến khách sạn, nhà hàng, nơi ăn, chốn ở. Không đến mức phải chính xác tuyệt đối mấy giờ ăn gì, ở đâu, nhưng một phương án cơ bản sẽ giúp bạn chủ động và linh hoạt trong mọi tình huống.
Không còn cơ hội để “tối đâu là nhà, ngã đâu là giường” một cách ngẫu hứng như thời son trẻ, bù lại bạn sẽ có nhiều cảm xúc thú vị khi làm mẹ, làm bố.
Hãy chọn cách đi bộ cho những quãng đường ngắn, chọn ôtô khi di chuyển đường dài, không tham lam khi đưa vào kế hoạch quá nhiều điểm đến và các hoạt động, lựa chọn những nơi dễ tiếp cận, có đủ điều kiện và dịch vụ đủ tốt.
Vì luôn phải để mắt đến bé nên bạn cần có sự giúp đỡ từ người đồng hành, có thể là chồng, vợ, anh chị em, bạn bè. Điều này sẽ bất lợi khi thu xếp kế hoạch vì không phải ai cũng có thể “theo” bạn. Hãy thảo luận để tìm ra “tiếng nói chung” cho cả nhóm.
Mặt khác nếu trong nhóm đi có thêm các em bé khác cùng chơi, các con sẽ có dịp được chia sẻ và học tập kỹ năng sống của nhau.
Xuống biển hay lên rừng?
Lên rừng bé thích, xuống biển bé càng thích – Ảnh: Tuấn Phong |
Với các em bé, lựa chọn xuống biển sẽ an toàn và thư giãn hơn. Phần lớn thời gian ở biển các bé có thể tự chơi trong sự kiểm soát dễ dàng của người lớn. Điều kiện du lịch ở biển hầu như được đáp ứng đầy đủ, ngoại trừ các vùng biển hoang sơ chưa được khai thác.
Khí hậu ở biển cũng an toàn và giúp các bé sớm thích nghi với môi trường sống hơn, kiểu “dạn dày sương gió” sẽ giúp chúng trở nên rắn rỏi và ít ốm đau lặt vặt sau này.
Nếu không thể lựa chọn, lên núi với trẻ nhocũng không phải là một ý tưởng tồi. Một số cung trekking (đi bộ đường dài), hiking (đi bộ đường núi) ngắn 2 – 4km, với điều kiện di chuyển không quá nguy hiểm và mất sức sẽ mang lại một trải nghiệm thú vị cho cả mẹ và bé.
Để mang em bé theo khi trekking, hiking, một chiếc địu sẽ là lựa chọn tối ưu.
Trên thị trường có rất nhiều các loại địu, đeo vai, đeo phía trước, đeo chéo, thậm chí có chiếc địu thiết kế như ghế bành có cả mái che trông rất chuyên nghiệp.
Để đi trekking hay hiking với trẻ con, một trong những yếu tố quan trọng chính là thời tiết. Quá nắng hay quá mưa đều sẽ trở nên bất lợi. Hãy lựa chọn một cung đường hợp lý về độ dài, trong môi trường an toàn đảm bảo, mang theo mũ đội đầu, tốt nhất là loại có lưỡi trai và phủ gáy, thuốc chống côn trùng, một chút nước và đồ ăn.
Nguồn: Dulich.tuoitre.vn