Khách chi tiêu cao không tiếc 25 USD cho phí visa nhưng các thủ tục xin thị thực khiến họ có cảm giác không được chào đón.
Tại Diễn đàn Cấp cao Du lịch đầu tháng 12 năm ngoái, Tiến sĩ Lương Hoài Nam từng khiến nhiều người bất ngờ khi chia sẻ: “Muốn thu hút khách nhiều tiền trước hết phải giải quyết vấn đề visa”.
Trao đổi với VnExpress, ông Nam cho biết đó là điều ông rút ra sau hơn 20 năm làm việc trong lĩnh vực hàng không và du lịch.
Tiến sĩ Lương Hoài Nam là chuyên gia trong lĩnh vực hàng không và du lịch, hiện là thành viên của Hội đồng tư vấn du lịch Việt Nam (TAB). Ảnh: Ngọc Thành. |
Vài năm trước, ông Nam cùng đồng nghiệp đến tư gia của một nhà đầu tư giàu có ở San Francisco (Mỹ). Trong câu chuyện, cả hai dành nhiều mỹ từ để giới thiệu du lịch Việt Nam cho người khách Mỹ. Tuy nhiên, đáp lại sự hào hứng đó là câu hỏi của chủ nhà: “Đẹp vậy sao không miễn visa để tôi vào thăm”.
Ông Nam giải thích, không phải vị khách trên tiếc 25 USD xin visa bởi họ sẵn sàng chi trả hàng nghìn đô cho các dịch vụ, khách sạn 5-6 sao. Nhưng những khách cao cấp như vậy không muốn phải có một mối bận tâm như lo thủ tục visa. Điều họ muốn là được chào đón, như cách nhiều nước khác gồm Singapore, Malaysia, Thái Lan… đã làm với họ.
Ngoài nguồn khách chi tiêu cao, ông Trần Trọng Kiên, CEO tập đoàn TMG, cho rằng khi mở cửa, việc hút các khách chi trả thấp như Tây ba-lô cũng có giá trị rất lớn cho phát triển du lịch về lâu dài. Bởi hầu hết họ đến từ những nước phát triển như Tây Âu, Bắc Mỹ, vì còn trẻ nên không chi nhiều. Nhưng những chia sẻ của họ về hành trình khám phá với bố mẹ lại rất quan trọng. Sau này, khi thành đạt, họ sẽ quay lại những điểm đến từng có ấn tượng đẹp.
“Một phần ba khách đang ở chuỗi khách sạn Victoria của tập đoàn là những người hồi trẻ đã đi Việt Nam. Khi có tiền, họ quay lại với gia đình, nghỉ khách sạn tốt hơn trước”, ông Kiên minh chứng.
Đồ họa: Tạ Lư. |
Hiện Việt Nam mới miễn visa cho 24 nước, trong khi con số đó ở Thái Lan là 61 nước, Singapore là 158 nước, Malaysia là 155 nước, Indonesia là 169 nước. Tại Diễn đàn Kinh tế thế giới 2017, chính sách visa của Việt Nam được nhận định là một trong ba chỉ số cần cải thiện để nâng cao năng lực cạnh tranh, khi đứng vị trí 116 trên tổng số 136 nước được khảo sát.
Nhiều năm qua, các chuyên gia đều ví visa như “nút thắt cổ chai” cho sự phát triển của du lịch. “Không ai nói mở visa khách sẽ ào vào ngay, nhưng đó là cánh cửa đầu tiên. Việt Nam có mở cánh cửa đầu tiên thì khách mới vào và sử dụng các dịch vụ”, ông Nam nói.
Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch cũng nhận định mở cửa chính sách visa là bước đầu tiên cần làm để thu hút khách, sau đó mới đến phát triển sản phẩm, nâng cao chất lượng dịch vụ và xúc tiến, quảng bá. “Việt Nam cần miễn visa ít nhất bằng Thái Lan, du lịch mới có thể đuổi kịp các nước trong khu vực”, ông Bình nói.
Mới đây, Chính phủ đã thể hiện quyết tâm cải cách hành chính về thị thực, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam, bằng việc mở rộng danh sách các nước được thí điểm cấp thị thực điện tử (e-visa), từ 46 lên 80 nước.
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, để thu hút đầu tư, hợp tác hơn nữa, đặc biệt là góp phần thúc đẩy, phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, chính sách visa của Việt Nam vẫn cần cải thiện, cả về miễn visa, cấp visa on arrival (visa cấp tại cửa khẩu) hay visa transit (visa quá cảnh).
“Với e-visa, trang web cho người nước ngoài chưa thân thiện, dễ dùng khi tên miền vẫn là evisa.xuatnhapcanh.gov.vn. Với visa cửa khẩu, khách vẫn phải nộp hồ sơ xin trước, trong khi ở các nước khác, khách chỉ phải đến cửa khẩu, nộp phí, nếu không nằm trong danh sách đen sẽ được vào”, thành viên TAB chỉ ra.
Hiện nhiều nước còn áp dụng visa transit dành cho các khách có chuyến bay đến Việt Nam và đi cách nhau 48-72 giờ. Việc này giúp phát triển dịch vụ cho các hãng hàng không Việt Nam và tạo cơ hội cho khách trải nghiệm thời gian ngắn, sau đó quay lại nghỉ dưỡng dài hơn. Do đó, TAB cũng đề xuất người nước ngoài được miễn visa khi quá cảnh tối đa 72 giờ để đi du lịch theo chương trình do doanh nghiệp lữ hành tại Việt Nam tổ chức.
Ông Gareth Ward – Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam, cho biết nước Anh có chính sách chặt để đảm bảo an ninh quốc gia nhưng cũng miễn visa cho 83 nước và có thể gia hạn visa 6 tháng, 5 năm, 10 năm. “Việt Nam có thể xem xét hướng này và đưa ra các chính sách visa cởi mở mà không ảnh hưởng tới an ninh”, ông Gareth Ward nói.
Xem thêm: Vì sao thị thực điện tử không thể thay thế chính sách miễn visa
Khương Nha
Nguồn: Vnexpress.net