Sìn Hồ được xem là báu vật của Lai Châu. Nơi đây chưa được đầu tư khai thác du lịch nên gần như giữ nguyên được vẻ đẹp hoang sơ.
Ngày 7/12, Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình Mục tiêu quốc gia do Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Anh Tuấn dẫn đầu đã đi thăm, tặng quà và kiểm tra, đánh giá việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020 tại huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu.
Thứ trưởng Tuấn tặng laptop cho ông Hoàng Thọ Trung, Bí thư Huyện Sìn Hồ |
Phát triển sản phẩm sức khỏe từ thiên nhiên
Sìn Hồ là huyện vùng cao biên giới của tỉnh Lai Châu, có tổng diện tích tự nhiên 152.700,1 ha, địa hình tương đối phức tạp, nhiều núi cao, nhiều khe sâu, có độ cao trung bình từ 800 – 1.800m so với mực nước biển.
Khí hậu nhiệt đới, thuận lợi cho việc phát triển kinh tế rừng, cây chè, cây ăn quả, đặc biệt là cây dược liệu, như cây đương quy, đỗ trọng, hà thủ ô, cây sâm đất, cây thất diệp nhất chi hoa, cây một lá, cây bình vôi, chè dây, giảo cổ lao, nấm linh chi, cây huyết đàng…
Các bài thuốc của dân tộc Dao được lưu truyền với công dụng chăm sóc sức khỏe, vừa lành tính vừa an toàn. Đó là các bài thuốc tắm phòng bệnh đau nhức xương khớp tê mỏi chân tay; bài thuốc cho phụ nữ sau sinh, chữa bệnh đau nhức xương khớp tê mỏi chân tay cho mọi lứa tuổi, thuốc tắm cho trẻ em; bài thuốc bổ máu, các bài thuốc chữa bệnh da liễu, tiêu hóa, v.v… Ngày nay, các bài thuốc tắm, thuốc ăn, một số bài thuốc chữa bệnh của dân tộc Dao đã được lan truyền rộng khắp và được nhiều người tin dùng.
Chị Chẻo Thị Hà là một người phụ nữ người Dao gắn bó với nghiệp phát triển cây thuốc địa phương đã hơn chục năm. Chị Hà chia sẻ thật thà rằng mình cảm thấy có trách nhiệm trong việc bảo tồn, lưu giữ các bài thuốc của dân tộc mình cũng như có kế hoạch phát triển các bài thuốc của Dân tộc thành sản phẩm hàng hóa. Cơ sở tắm lá thuốc mà chị phát triển trong 12 năm qua thu hút 30% lượng khách trong huyện, 40% khách trong tỉnh, 30% khách ngoài tỉnh; tạo công ăn việc làm ổn định cho 7 lao động, thu nhập bình quân mỗi người từ 3-4 triệu đồng/tháng.
Đánh thức vẻ đẹp hoang sơ từ bàn tay tạo hóa
Bên cạnh lợi thế là những sản phẩm dược liệu, “báu vật” Sìn Hồ còn được thiên nhiên ban tặng cho khí hậu độc đáo. Huyện miền núi này được xem như Sa Pa thứ hai của khu vực Tây Bắc, thời tiết trong ngày ở đây mang đặc điểm của 4 mùa trong năm, nhiệt độ trung bình năm khoảng 18 độ C.
Sìn Hồ (Lai Châu). Ảnh: cungphuot.info |
Cao nguyên Sìn Hồ nằm giữa núi đá, bạt ngàn rừng nguyên sinh, khí hậu mát mẻ, nằm giữa biển mây mù, nơi đây với những thửa ruộng bậc thang uốn lượn, những bản làng nằm thấp thoáng bên sườn núi…
Đặc biệt, Sìn Hồ còn nổi tiếng với ẩm thực đặc sắc của người Thái, Mông như: Thịt trâu quấn lá lốt, dê hấp, lợn bản, cá suối, thắng cố, xôi nếp nương …
Ngoài ra, du khách cũng được trải nghiệm những phong tục tập quán độc đáo trong đời sống sinh hoạt của bà con dân bản ..
Bên cạnh ẩm thực, du khách còn được tham gia chợ phiên. Chợ Phiên Sìn Hồ chỉ họp vào 2 ngày cuối tuần nên rất sôi nổi, không chỉ có người dân địa phương mà còn có những người dân từ thôn bản khác đổ về.
Chuyển đổi số trong phát triển du lịch
Tại buổi làm việc, ông Đồng Văn Liệt – Phó Bí thư Huyện uỷ – Chủ tịch UBND huyện cho hay : Những sản phẩm dược liệu chăm sóc sức khỏe của người Dao đã ít nhiều ghi dấu ấn, nhưng hiện nay còn có hiện tượng như đặc sản dược liệu đỗ trọng có chất lượng rất tốt songchậm lớn, khai thác bừa bãi, sấy bằng củi. Người dân không sản xuất nông sản tập trung mà theo tập quán ngẫu hứng. Về chăn nuôi, ngành nông nghiệp cả nước vẫn còn chịu hậu quả từ dịch tả lợn châu Phi và đang phải gầy dựng tái đàn. Trong khi đó, lợn đen vốn là một sản phẩm chăn nuôi đặc sắc của địa phương. Mỗi gia đình chỉ cần nuôi 4 con lợn là đủ cả năm, nhưng lại không bán để tái đàn mà cứ giữ nên vẫn nghèo.
Sau khi lắng nghe những trao đổi của lãnh đạo địa phương, Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn bày tỏ ông cảm nhận được tiềm năng của Sìn Hồ. Đây là vùng đất có vị trí địa lý độc đáo, với nhiều đặc sản, dược liệu, có cảnh quan thiên nhiên đẹp, có sinh hoạt văn hoá độc đáo. Từ những tiềm năng này, có thể phát triển thành sản phẩm du lịch như: biến các sinh hoạt văn hóa, hoạt động cộng đồng, trải nghiệm khám phá…thành sản phẩm bán trên mạng xã hội.
Giao thông từ thị xã về trung tâm Lai Châu còn một số điểm sắp được nâng cấp |
Hiện nay, nếu như ở các thành phố lớn đang thúc đẩy mạnh mẽ mô hình “đô thị thông minh”, thì ở những vùng đất giàu tiềm năng thiên nhiên, “du lịch thông minh” là một giải pháp quan trọng góp phần tăng trưởng kinh tế xã hội. Phát triển du lịch thông minh gắn chặt với chuyển đổi số trong du lịch cần ứng dụng mạnh mẽ công nghệ; tăng cường nâng cao hình ảnh cho địa phương, nhất là qua các kênh truyền thông, quảng bá trên không gian mạng.
Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn cũng nêu ý tưởng về du lịch “check-in”. Hiện nay, người dân Mộc Châu (Sơn La) trồng cải nhưng không phải để thu hoạch rau mà để tạo cảnh quan vườn hoa chụp ảnh, thu nhiều tiền vé. Tương tự, những cánh đồng hoa tam giác mạch ở Hà Giang có giá trị nông sản thấp nhưng giá trị du lịch cao cũng từ việc “tạo bối cảnh” cho du khách. Hay như ở Mù Cang Chải dân trồng lúa để tạo ra những khung cảnh độc đáo của ruộng bậc thang thay vì thu hoạch lúa. Sìn Hồ cũng nên tư duy theo hướng này để phát triển những cảnh quan riêng có của mình.
Buối sáng ở trung tâm Sìn Hồ |
Tuy nhiên, check-in là điểm hấp dẫn, vẫy gọi ban đầu. Còn để duy trì bền vững, Thứ trưởng cũng lưu ý khi phát triển du lịch, ngay từ những bước ban đầu chính quyền phải có và giữ được quy hoạch nghiêm túc, môi trường cảnh quan sạch đẹp. So với những vùng đất mà dư địa khai thác du lịch đã bão hòa, thì sự khởi đầu và hoang sơ của Sìn Hồ là một lợi thế lớn.
Cảnh quan Sìn Hồ thu hút khách tham quan:
Sìn Hồ được đánh giá là một vùng du lịch tiềm năng của tỉnh Lai Châu, được ví như Sa Pa thứ 2 của Việt Nam. (Ảnh: Lê Hồng Hà) |
Chợ phiên Sìn Hồ. |
Thung lũng Sìn Hồ. (Ảnh: Lê Hồng Hà) |
Mây bao phủ đỉnh núi Sìn Hồ. Ảnh: (Ảnh: Lê Hồng Hà) |
Ngọc Thanh
Thái Minh
Nguồn: Vietnamnet.vn