Chung tay phát triển du lịch ở ĐBSCL trước biến đổi khí hậu

0
8
Ông Bùi Thành Nhơn, Chủ tịch Tập đoàn Novaland và ông Christopher Lewis Malon, Giám đốc Phát triển Kinh tế Toàn cầu của BCG ký kết hợp tác dự án Phát triển du lịch đồng bằng sông Cửu Long thích ứng biến đổi khí hậu.

Tập đoàn Novaland muốn góp phần phát triển bền vững cùng ĐBSCL bằng những sáng kiến kết nối và dự án cụ thể.

Ngày 24/1, tập đoàn Novaland và tập đoàn Tư vấn Boston (BCG) đã ký kết hợp tác dự án “Phát triển du lịch đồng bằng sông Cửu Long thích ứng biến đổi khí hậu”. Mục tiêu là hoạch định chiến lược, nối kết và phát triển du lịch chung cho các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), thông qua việc đưa ra định hướng và chiến lược cụ thể.

Theo các chuyên gia, phát triển du lịch ĐBSCL sẽ là một trong những chiến lược rất có ý nghĩa để thích ứng với sự biến đổi khí hậu, thách thức lớn của ĐBSCL hiện nay.

Ông Bùi Thành Nhơn, Chủ tịch Tập đoàn Novaland và ông Christopher Lewis Malon, Giám đốc Phát triển Kinh tế Toàn cầu của BCG ký kết hợp tác dự án Phát triển du lịch đồng bằng sông Cửu Long thích ứng biến đổi khí hậu.

Ông Bùi Thành Nhơn, Chủ tịch Tập đoàn Novaland và ông Christopher Lewis Malon, Giám đốc Phát triển Kinh tế Toàn cầu của BCG ký kết hợp tác dự án “Phát triển du lịch đồng bằng sông Cửu Long thích ứng biến đổi khí hậu”.

Cơ hội để du lịch ĐBSCL bứt phá xứng tầm

Ông Christopher Lewis Malone, Giám đốc Phát triển Kinh tế toàn cầu, tập đoàn BCG đánh giá khi phát huy tốt nhất, ĐBSCL có thể là một viên đá quý của du lịch Việt Nam, sánh ngang với một số điểm du lịch đường sông tuyệt vời trên thế giới. Như đồng bằng sông Nile ở Ai Cập là nơi tạo ra hàng triệu việc làm cho nền kinh tế và đem lại thu nhập để bảo tồn di sản văn hoá và thiên nhiên cho nơi đây.

“Nếu không được quản lý đúng đắn, ĐBSCL có thể nhanh chóng trở thành một vấn đề an nguy của Việt Nam do suy thoái môi trường và mất sinh kế của cộng đồng địa phương. Đã đến thời điểm cần có sự can thiệp ngay lập tức để đưa ĐBSCL vào một quỹ đạo phát triển mới”, ông Christopher cho biết.

Ông Bùi Thành Nhơn, Chủ tịch HĐQT tập đoàn Novaland, cho rằng tư vấn của BCG sẽ góp phần thu hút thêm nhiều đối tác là các nhà đầu tư Việt Nam, quốc tế và các tổ chức phi chính phủ. Đây là những nhân tố có thể đưa khu vực lên đến cấp độ phát triển tiếp theo. Tuy nhiên ông cũng nhấn mạnh điều quan trọng nhất là phát triển một cách bền vững.

“Kế hoạch phát triển du lịch tổng thể này đảm bảo các khoản đầu tư sẽ được sử dụng nhằm mục đích thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực và hỗ trợ người dân địa phương trong thời gian dài”, ông Nhơn nói.

Cam kết phát triển bền vững cùng du lịch ĐBSCL

Ước tính ban đầu từ BCG cho thấy có thể tạo thêm 300.000 việc làm trong ngành du lịch vào năm 2025, đem lại sự đa dạng hóa quan trọng cho nền kinh tế và sinh kế bền vững cho người dân sống ở ĐBSCL. Một phần thiết yếu của sự phát triển sẽ là sử dụng các tiêu chuẩn và thông lệ tốt nhất toàn cầu để đảm bảo tính bền vững, qua đó bảo tồn và nuôi dưỡng các tài nguyên văn hoá then chốt ở ĐBSCL như chợ nổi, các cộng đồng bên sông và văn hóa sống địa phương.

Sự phát triển tổng thể của ngành du lịch dự kiến cũng tác động đáng kể đến sự phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ, vốn chiếm đa số ở ĐBSCL. Ngoài ra, sáng kiến này còn chú trọng tới việc đầu tư vào giáo dục và đào tạo, nhằm đưa chất lượng dịch vụ ngang bằng với chuẩn quốc tế và nâng cao ý thức bảo vệ môi trường.

Để du lịch vùng phát triển, yếu tố quan trọng là cải thiện kết nối đường hàng không, đường biển và đường bộ, phát triển cảng tàu du lịch nối đến các điểm khác tại Việt Nam và Đông Nam Á. Ông Nhơn cũng đề cập phát triển các mô hình kinh doanh mới, khôi phục sức sống cho các di sản văn hoá miền sông nước như hoạt động ngoài trời, vườn cây ăn trái, các món đặc sản nổi tiếng… là vô cùng cần thiết.

Sự thay đổi mạnh mẽ sẽ thu hút khách du lịch và tăng thời gian lưu trú. Cần Thơ sẽ là trung tâm dịch vụ của khu vực, và là điểm tựa cho ngành du lịch đường sông. Đây sẽ là một bước ngoặt quan trọng giúp thay đổi cách nhìn về du lịch ĐBSCL.

Nova Phù Sa, khu nghỉ dưỡng sinh thái đẳng cấp quốc tế được Novaland phát triển tại ĐBSCL, được quản lý bởi thương hiệu Azerai giúp Cần Thơ có tên trên bản đồ du lịch thế giới.

Nova Phù Sa, khu nghỉ dưỡng sinh thái đẳng cấp quốc tế được Novaland phát triển tại ĐBSCL, được quản lý bởi thương hiệu Azerai giúp Cần Thơ có tên trên bản đồ du lịch thế giới.

ĐBSCL được đánh giá là giàu tiềm năng du lịch do sở hữu rất nhiều cảnh quan sinh thái, tài nguyên thiên nhiên phong phú, hội tụ tinh hoa lịch sử và di sản văn hóa truyền thống đặc sắc. Nơi đây là điểm đến lý tưởng cho loại hình du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng hay du lịch khám phá. Tuy có nhiều bước tiến trong thời gian qua, du lịch ĐBSCL vẫn chưa được khai thác tương xứng với tiềm năng và vị thế của vùng.

Theo Nghị quyết 120 về Phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu do Thủ tướng Chính phủ ban hành tháng 11/2017, ĐBSCL là trung tâm sản xuất nông nghiệp lớn nhất Việt Nam. Nơi này đóng góp 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản, 70% các loại trái cây, 95% sản lượng gạo xuất khẩu, 60% sản lượng cá xuất khẩu của cả nước, và là vùng đất rất mẫn cảm, bị tác động mạnh mẽ của sự thay đổi khí hậu.

Kim Ngân

Ông Bùi Thành Nhơn, Chủ tịch tập đoàn Novaland: “Tập đoàn mong muốn góp phần phát triển bền vững cùng ĐBSCL bằng những sáng kiến kết nối và những dự án cụ thể; với niềm tin khi dự án hoàn thành, nơi đây sẽ là điểm đến cho cả nước, khu vực và quốc tế; giúp thay đổi cách nhìn về du lịch ĐBSCL”

Nguồn: Vnexpress.net