Sáng 7/11, UBND huyện Cao Phong đã tổ chức họp báo giới thiệu về việc tổ chức lễ hội Cam Cao Phong lần thứ 2 và Hội chợ Nông nghiệp- Du lịch- Thương mại vùng Tây Bắc năm 2016 với sự quan tâm tham gia của đông đảo các cơ quan báo chí T.Ư và địa phương.
Ông Quách Văn Ngoan, Phó Chủ tịch UBND huyện Cao Phong cho biết: Lễ hội cam và hội chợ được tổ chức ở quy mô cấp tỉnh là một trong chuỗi hoạt động chào mừng Lễ kỷ niệm 130 năm thành lập tỉnh, 25 năm tái lập tỉnh và công bố Quy hoạch Khu du lịch quốc gia Hồ Hòa Bình năm 2016, diễn ra từ ngày 13-20/11/2016 tại Nhà văn hóa huyện Cao Phong và trung tâm bảo tồn di sản tiến sỹ Việt Nam.
Quy mô có 300 gian hàng, trong đó có 80 gian hàng trưng bày và bán sản phẩm cam quýt, bưởi các loại; gian hàng thưởng thức các sản phẩm cam; gian hàng trưng bày vật tư nông nghiệp; 80 gian hàng nông nghiệp, du lịch; 100 gian hàng thương mại tổng hợp và 40 gian hàng ẩm thực truyền thống đặc sắc của huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Binh và các tỉnh vùng Tây Bắc.
Trong chương trình lễ hội và hội chợ sẽ diễn ra các hoạt động triển lãm, trưng bày; xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch, trao giấy chứng nhận sản xuất cam theo tiêu chuẩn VietGap cho các hộ sản xuất cam, thăm quan mô hình sản xuất tiêu biểu; các hoạt động liên kết, ký kết hợp tác sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, giao lưu văn nghệ, thưởng thức các sản phẩm nông nghiệp, ẩm thực dân tộc.
Lễ hội và hội chợ nhằm quảng bá, giữ gìn và nâng cao thương hiệu cam Cao Phong; phát triển giao thương các tỉnh vùng Tây Bắc, hỗ trợ tạo điều kiện cho doanh nghiệp liên kết hợp tác, quảng bá, giới thiệu sản phẩm hàng hóa dịch vụ, tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư, liên danh, liên kết phát triển sản xuất kinh, doanh thương mại, đẩy mạnh các hoạt động du lịch vùng miền. Tại buổi họp báo, lãnh đạo UBND huyện Cao Phong đã trả lời những câu hỏi của các cơ quan báo chí, tập trung vào lĩnh vực quy hoạch, định hướng phát triển vùng cây có múi, công tác giữ gìn, bảo vệ và phát triển thương hiệu cam Cao Phong, nhân rộng các mô hình sản xuất cam sạch, an toàn, việc thực hiện liên danh, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cam, cách nhận biết sản phẩm cam Cao Phong…
Sau họp báo các cơ quan báo chí đã đi tìm hiểu thực tế các mô hình sản xuất cam trên địa bàn huyện Cao Phong. Cam là cây truyền thống mang lại hiệu quả kinh tế của huyện Cao Phong. Năm 2014, Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý Cao Phong cho sản phẩm Cam của huyện Cao Phong. Mới đây cam Cao Phong đã lọt top 10 thương hiệu, nhãn hiệu nổi tiếng do Viện Sở hữu trí tuệ quốc tế tổ chức. Toàn huyện có 2.078 ha cây ăn quả có múi, trong đó diện tích thời kỳ kinh doanh là 900 ha, sản lượng 23.000 tấn, giá trị thu nhập khoảng 700 triệu đồng/ha, các giống cam chủ yếu là CS1 (lòng vàng), Xã Đoài cao, xã Đoài lùn, quýt Ôn Châu, V2, cam canh. Thời gian thu hoạch bắt đầu tư khoảng tháng 8 đến tháng 4 hằng năm.
Theo báo Hòa Bình
Nguồn: Dulich.vtv.vn