Chùa Phúc Khánh: Chốn linh thiêng giữa Hà thành

0
11
Chùa Phúc Khánh: Chốn linh thiêng giữa Hà thành

Chùa Phúc Khánh gồm công trình kiến trúc thờ Phật kiểu truyền thống và cũng giống như các ngôi chùa ở Bắc Bộ, chùa Phúc Khánh có thêm ban thờ Mẫu.

Chùa Phúc Khánh thuộc quận Đống Đa, thành phố Hà Nội. Tuy nằm trong khu dân cư đông đúc, chật hẹp nhưng chùa Phúc Khánh được đông đảo bà con và các phật tử tìm đến chiêm bái, cầu an.

Chùa gồm công trình kiến trúc thờ Phật kiểu truyền thống: Tam quan mở 3 cửa vòm giữa là cửa lớn, hai bên nhỏ hơn. Trụ đắp hình con sấu quay đầu vào nhau. Sau Tam quan là sân chùa.

Chùa Phúc Khánh: Chốn linh thiêng giữa Hà thành
Bên trong chùa Phúc Khánh 

Phật điện gồm Tiền đường và Hậu cung. Tiền đường có 5 gian, chính giữa bờ nóc có đắp nổi hình cuốn thư 3 chữ Hán “Hoành Kim Điện” (Điện rồng vàng). Các vì kèo và kẻ đều được chạm trổ công phu đề tài là cúc điệp, tùng hạc, liên áp… Hậu cung gồm 3 gian làm khá đơn giản. 

Điện Mẫu, nhà Tổ cũng có kết cấu vì kèo quá gian. Nhà khách và nhà trai làm kiểu đầu hồi bít ốc.

Bài trí thờ tự trong chùa được bố trí từ ngoài vào trong, ở Tiền đường có 2 bệ thờ tượng Khuyến Thiện, Trừng Ác, 2 bệ thờ Đức ông và Giám trai. Tại Hậu cung đặt tượng Cửu Long, hai bên là tượng Phạm Thiên và Đế Thích, lớp tượng Quan Âm, tượng Phật Niêm Hoa, A Di Đà Tam tôn (A Di Đà, Quan Âm, Đại Thế Chí), Tam thế.

Trong nhà Tổ thờ các vị sư từng trụ trì tại chùa đã viên tịch. Di vật trong chùa còn khá phong phú với 20 pho tượng được tạc vào thế kỷ XVIII mang đậm phong cách nghệ thuật Tây Sơn, bia đá 21 tấm, sớm nhất là bia Chính Hòa 19 (1698). Chuông đồng 3 quả, 1 quả thời Cảnh Thịnh 4 (1796); cửa võng 14 bộ và một số đồ thờ khác như bát hương đồng, lư hương đá, nhang án…

Theo những cao niên ở gần chùa Phúc Khánh, Chùa Phúc Khánh vốn dĩ ban đầu chỉ là một ngôi chùa làng, thuộc làng Sở. Trước đây chùa cũng chỉ là nơi lễ Phật của người dân làng Sở. Chùa chỉ thu hút được nhiều người từ khắp các địa phương tìm đến trong khoảng hơn chục năm trở lại đây. Đặc biệt là từ khi Thượng tọa Thích Thanh Quyết – một bậc cao tăng nổi tiếng của Phật giáo Việt Nam về đây trụ trì.

Chùa Phúc Khánh: Chốn linh thiêng giữa Hà thành
Biển người làm lễ dâng sao giải hạn chùa phúc Khánh. Ảnh: VietNamNet

Chục năm trở lại đây, chùa Phúc Khánh được nhiều người dân lựa chọn là nơi lễ Phật cầu an, dâng sao giải hạn vào dịp đầu năm. Ngoài ra, nhiều bạn trẻ cũng tìm đến đây để cầu duyên.

Diệu Bình (tổng hợp)

Nguồn: Vietnamnet.vn