Putaleng được mệnh danh là một trong những rừng rậm nhiệt đới đặc trưng và đẹp nhất Việt Nam.
Những đỉnh núi phía Bắc luôn chứa đựng sức hấp dẫn đối với những ai đam mê chinh phục. Putaleng (hay Pú Tả Lèng, trong tiếng Dao có nghĩa là “đỉnh núi Tả Lèng”) cao 3.049 m, thuộc địa phận huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu. Đây là ngọn núi cao thứ ba ở Việt Nam – sau Pusilung (3.089 m) và Fansipan (3.143 m).
Độc giả Kha Lâm đã chia sẻ hành trình 4 ngày 3 đêm chinh phục Putaleng, trải nghiệm du lịch thử thách nhưng đáng nhớ.
Putaleng là một trong những ngọn núi hiểm trở bậc nhất nước ta. |
Tổng quan hành trình
– Độ khó: 7/10.
– Loại hình: Trekking.
– Tổng hành trình: 34 km.
– Địa hình: Rừng rậm nhiệt đới đặc trưng, nhiều dốc, suối.
Chi phí: Khoảng 4,7 triệu đồng, bao gồm:
– Vé máy bay hai chiều Tân Sơn Nhất – Nội Bài.
– Phí dịch vụ trekking (bao gồm xe khách).
Lịch trình:
Ngày thứ nhất:
Bắt chuyến bay 20h từ Tân Sơn Nhất, đến Nội Bài trước 23h30
24h xe khách giường nằm của công ty tour đón từ Nội Bài đến Sa Pa
Ngày thứ hai:
5h xe khách đến Sa Pa. Di chuyển đến điểm tập kết, ăn sáng, thay đồ và gửi lại đồ không cần thiết
6h di chuyển từ Sa Pa đến điểm trekking tại xã Hồ Thầu, huyện Tam Đường, Lai Châu
8h làm thủ tục xin phép leo núi, tập kết và phân chia đồ đạc cho poster địa phương
9h30 bắt đầu hành trình leo núi và đến lán nghỉ ở độ cao 2.500 m, tắm gội và nghỉ ngơi
Ngày thứ ba:
5h thức dậy, vệ sinh cá nhân sắp xếp đồ đạc và ăn sáng
7h sắp xếp đồ dùng cần thiết và chinh phục đỉnh núi Putaleng
12h30 về lại lán nghỉ ban đầu, nghỉ ngơi và ăn trưa
13h30 thu xếp đồ đạc và di chuyển xuống lán 2, xã Tả Lèng, huyện Tam Đường, Lai Châu, nghỉ đêm tại đây
Ngày thứ 4:
5h thức dậy, vệ sinh cá nhân sắp xếp đồ đạc và ăn sáng
7h sắp xếp đồ đạc cá nhân và xuống núi
14h xe khách đưa về lại Sa Pa, sắp xếp đồ đạc và tắm nước lá dao đỏ
18h ăn tối tại Sa Pa cùng đoàn, nhận kỷ niệm chương của chuyến đi
20h – 22h: tham quan Sa Pa tự do
23h: di chuyển từ Sa Pa về Nội Bài
(*) Thời gian lên và xuống núi phụ thuộc vào sức khỏe và cách đi của mỗi người.
Hành trình 4 ngày 3 đêm với nhiều cung bậc cảm xúc. |
Đi trong rừng già huyền bí
Tôi chọn Putaleng tháng 3 để chinh phục vì nhiều lý do. Trong đó, điểm lớn nhất là thời điểm này các năm trước, đỗ quyên thường nở rộ, tạo nên một cảnh sắc tuyệt đẹp nhìn từ trên cao. Tuy nhiên, năm nay, do thời tiết khắc nghiệt nên đỗ quyên ở Putaleng cuối tháng 3 thưa thớt và không đặc sắc như mong đợi.
Dù vậy, đỉnh núi này không làm tôi thất vọng một khoảnh khắc nào bởi những cánh rừng già cổ thụ, rêu phong cổ kính nối tiếp nhau. Chúng tôi bắt đầu hành trình chinh phục Putaleng từ Hồ Thầu, càng lên cao những cánh rừng xanh mướt, rậm rạp dần hiện ra với những mảng màu đặc trưng khác nhau.
Đi trong Putaleng, chúng tôi men theo những đường mòn mà phía trước, sau lưng, trên trời, dưới đất và hai bên là những mảng màu khác lạ. Đó có thể là rừng trúc xanh đậm, cây phong lá non nhàn nhạt, những cây cổ thụ rêu phủ kín từ gốc; là rừng thảo quả lá cao quá đầu; là những tán cây vàng, nâu, đỏ, thỉnh thoảng uốn lượn các hình thù kỳ lạ…
Vượt qua những con dốc
Bên cạnh những con dốc nhỏ rải đều trong suốt hành trình, ba con dốc liên tục ở ngày đầu tiên của chặng đường chinh phục đỉnh Putaleng là thử thách lớn nhất của cả đoàn. Đối với những ai chưa tham gia trekking, đây thực sự là vấn đề lớn vì để vượt qua những con dốc này và về đến lán nghỉ trước khi trời tối, đòi hỏi người leo núi phải có sức khỏe đủ tốt.
Dù vậy, mồ hôi, những cơn mỏi cơ đều không nghĩa lý gì và sẽ được giải quyết nhanh gọn bằng những gốc cây rêu phủ còn đọng sương sớm, khoảng trời nằm im quanh bốn góc lá hình trái tim hay những cành cây uốn lượn kỳ dị.
Những thân cây lớn phủ đầy rêu xanh, khiến khu rừng trở nên kỳ bí. |
Rảo bước trên những con suối
Những ai từng chinh phục Bạch Mộc Lương Tử (Ky Quan San) sẽ cảm thấy rất thú vị với con suối lớn nhất trên đường đi bởi sự trong mát hiếm có. Cảm giác đó sẽ được nâng lên hàng chục lần khi băng qua hàng chục con suối ở Putaleng.
Suối ở Putaleng có đặc trưng là trong vắt và mát lạnh. Ngày đầu tiên, chúng tôi đã băng qua nhiều con suối khác nhau. Điểm dừng chân ăn trưa là ngay bên con suối nhỏ trong vắt với bánh chưng gù chấm muối vừng – đặc sản của đồng bào phía Bắc giữa bốn bề sương phủ.
Đoạn đường đẹp nhất là ngày thứ ba của hành trình khi chúng tôi di chuyển từ Hồ Thầu xuống Tả Lèng. Chúng tôi đã bước ngang qua, rảo dọc và đi trong lòng các con suối ở Putaleng. Chạm vào từng mỏm đá rêu phủ, nhìn dòng suối len lỏi qua từng khe nhỏ, chảy róc rách, đặt chân hay đằm mình xuống cả con suối, cảm giác rất lạnh nhưng cực kỳ sảng khoái.
Băng qua màn sương để tìm mặt trời
Trong ngày đầu tiên của hành trình, chúng tôi không thấy Mặt Trời, thay vào đó là những đoạn đường mà tầm nhìn phía trước chỉ chừng 100 m. Sương làm cho khu rừng vốn dĩ ma mị lại càng thêm trầm mặc.
Mặt Trời hiện rõ hơn vào những ngày sau của hành trình. Băng qua màn sương ở Hồ Thầu để đến Tả Lèng, chúng tôi bắt gặp Mặt Trời chiếu xuyên qua rừng cây, làm sáng cả một góc rừng – nơi chúng tôi một nửa đang tắm suối, một nửa đang ngồi xem anh chị đồng bào chuẩn bị cho bữa tối.
Chinh phục đỉnh Putaleng hiên ngang
Cảm giác hạnh phúc và đáng mong chờ nhất trong suốt hành trình ở Putaleng là chạm vào chóp đỉnh Putaleng. Băng qua rừng trúc cuối cùng, chúng tôi thấy đỉnh Putaleng hiên ngang cùng núi đồi hùng vĩ. Đỉnh Putaleng không có tầm nhìn rộng như một số đỉnh núi khác nhưng trời mây, cảnh vật xung quanh cũng đã đủ làm nên một cảm giác mãn nguyện trọn vẹn. Đó là khoảnh khắc mà chúng tôi thấy Việt Nam bao la và đẹp đến nao lòng.
Buổi tối thứ hai ở trong rừng, trước mặt là bếp lửa của chị gái đồng bào đang nấu nồi nước, nhóm hơn 10 người chúng tôi ngồi lại với nhau kể lại vài mẩu chuyện vui của hành trình này.
Có người miêu tả cái cảm giác hạnh phúc khi chinh phục đỉnh núi. Người lại tưởng chừng bỏ cuộc trước khi chạm đỉnh nhưng rồi cũng vượt qua chính mình để có tấm ảnh check-in cùng chóp Putaleng. Có người chia sẻ một chút tiếc nuối vì lẽ ra một vài đoạn nên nhìn xung quanh để tận hưởng thiên nhiên thay vì nhìn xuống đất và thở dốc. Và cũng có người vẫn đang tận hưởng trọn vẹn Putaleng bởi trên đầu là bóng trăng khuya, sáng vằng vặc một góc rừng.
Với tôi Putaleng như một mái ấm cho những tâm hồn lỡ đông lạnh bởi bê tông, ồn ã và gió bụi; là chỗ tạm nương cho những ai thèm thả mình vào những khoảng trời bình yên.
Nguồn: News.zing.vn