Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ủng hộ đề xuất thí điểm rút gọn bồi thường, giải phóng mặt bằng của TP.HCM. Ông cho rằng trong điều kiện cho phép, phải tìm cách tháo gỡ các nút thắt.
Chiều 12/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng nhiều lãnh đạo Chính phủ làm việc với Thường trực UBND và Thành ủy TP.HCM về việc thí điểm rút gọn quy trình bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư, bàn giao mặt bằng để giảm thời gian thực hiện dự án trên địa bàn thành phố.
‘Thể chế là do chúng ta nghĩ ra nhưng lại sợ nó’
Mở đầu buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong trình bày dự thảo về đề xuất của thành phố về quy trình thí điểm rút ngắn thời gian giải phóng, bàn giao mặt bằng.
Một số điểm chính của đề xuất bao gồm cho phép TP.HCM chủ động điều chỉnh hệ số bồi thường giá đất để ban hành quyết định hỗ trợ tái định cư cho những người dân đồng thuận. TP.HCM vẫn hỗ trợ điều tra giá đất tại thời điểm bồi thường cho những người dân chưa đồng thuận.
Bộ trưởng Bộ TMNT Trần Hồng Hà khẳng định đề xuất rút ngắn thời gian giải phóng mặt bằng, tái định cư của TP.HCM về cơ bản không vướng các quy định của pháp luật và cho rằng đây là sáng kiến rất tốt.
Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cũng khẳng định tinh thần chung là ủng hộ với kiến nghị rút ngắn thời gian thu hồi đất, tái định cư, giải phóng mặt bằng của TP.HCM.
Tuy nhiên, những vấn đề liên quan đến nghị định, đến luật thì giải quyết trên tinh thần tháo gỡ với tính đặc thù của thành phố.
Sau khi lắng nghe nhiều ý kiến, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá đây là một đề xuất mới, sáng tạo, tìm tòi của TP.HCM. Thủ tướng nhấn mạnh trong điều kiện cho phép thì phải tìm cách tháo gỡ những nút thắt hiện tại.
“Thể chế là gì? Thể chế là do chúng ta nghĩ ra nhưng chúng ta lại sợ nó. Trong điều kiện thì chúng ta tháo gỡ”, Thủ tướng phát biểu.
Thủ tướng phát biểu tại buổi làm việc chiều nay. Ảnh: Quảng Bình. |
Người đứng đầu Chính phủ giao Bộ trưởng TNMT tổng hợp tất cả ý kiến sau buổi làm việc cùng với TP.HCM trình Thủ tướng để Chính phủ có thể ra nghị quyết giúp thành phố áp dụng cơ chế thí điểm này. Từ đó, có thể xây dựng luật thông qua kiến nghị với Quốc hội.
“Tôi cũng đề nghị thành phố phải có ý kiến ngay với Quốc hội về những vấn đề mới như thế này”, Thủ tướng nêu ý kiến.
Theo Thủ tướng vấn đề giải phóng mặt bằng, tính hệ số sử dụng đất, bố trí tái định cư là của địa phương nhưng nếu chậm trễ thì kéo theo cả nước bị chậm trễ.
“Đây là cách làm rất tốt trong việc đổi mới cơ chế chính sách trong phạm vi của pháp luật”, Thủ tướng kết luận.
Có việc đổ cho thanh tra rồi dẫn đến sức ỳ trong bộ máy
Đánh giá về những kết quả kinh tế xã hội của TP.HCM trong quý I, Thủ tướng cho rằng trong bối cảnh quốc tế và khu vực có nhiều khó khăn thì GDP của thành phố vẫn tăng cao hơn mức bình quân chung của cả nước là điều đáng mừng.
Thủ tướng cũng đánh giá cao những nỗ lực của lãnh đạo thành phố trong việc thu ngân sách; trực tiếp gặp gỡ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; tập hợp nhân tài trong và ngoài nước, lắng nghe ý kiến kiều bào trí thức; đi đầu trong việc chuyển giao công nghệ, xây dựng thành phố thông minh.
Thủ tướng, Phó thủ tướng, đại diện các bộ, ngành và TP.HCM tại buổi làm việc chiều 12/4. Ảnh: Quảng Bình. |
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng đánh giá TP.HCM vẫn tồn tại nhiều hạn chế như 6/9 chỉ tiêu ngành dịch vụ tăng thấp hơn cùng kỳ; thu hút đầu tư nước ngoài tăng nhưng chưa tương xứng với vị thế; đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực chế biến, chế tạo rất khiêm tốn, chỉ chiếm 8%.
Nói thêm về những điểm chưa được của TP.HCM, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình nhận định vai trò hạt nhân của thành phố để hỗ trợ các tỉnh Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ trong những năm gần đây bị giảm sút.
Phó thủ tướng nhận định thời gian gần đây tại TP.HCM, có vấn đề đổ cho việc thanh tra, chống tham nhũng rồi dẫn đến có sức ỳtrong bộ máy. “Chống tham nhũng, GDP tăng lên, thì tại sao thành phố lại có sự ỳ?”, Phó thủ tướng đặt câu hỏi.
Ông Trương Hòa Bình nhận định việc kêu gọi đầu tư FDI của TP.HCM chưa thu hút được những nhà đầu tư chiến lược lớn.
Phó thủ tướng khẳng định nếu TP.HCM dồn sức cho trọng tâm thì có thể đột phá lớn hơn nữa chứ không chỉ ở mức đóng góp hơn 1/4 ngân sách cả nước hiện tại.
“TP.HCM phải trở thành một đối thủ cạnh tranh với các thành phố trong khu vực”, Phó thủ tướng nói.
Nguồn: News.zing.vn