Chiêm ngưỡng cây đa độc nhất vô nhị ở bán đảo Sơn Trà

0
13

Du lịch Đà Nẵng du khách không chỉ tham quan khu vui chơi giải trí ở Bà Nà thì không thể bỏ qua bán đảo Sơn Trà để chiêm ngưỡng hai cây đa độc đáo gần nghìn năm tuổi.

 

Đường lên bán đảo Sơn Trà khá dễ. Đa phần, du khách chọn con đường đi quen thuộc dẫn lên đỉnh Bàn Cờ Tiên. Trong khi đó, tại khu vực ngã ba dẫn lên đỉnh Bàn Cờ Tiên còn có một đường dẫn khác, theo hướng rẽ phải, bọc sát bờ biển. Nhìn từ xa, con đường cheo leo, vắt vẻo trên sườn núi. Đi theo cung đường này, bạn sẽ được ngắm toàn bộ cảnh biển bao la, trong xanh và thành phố Đà Nẵng nằm ở phía xa. Một điều khá thú vị là điểm dừng chân mà hầu hết mọi người đều phải ghé đó là cây đa nghìn tuổi.

Tại tấm biển Cây di sản Việt Nam được đặt ngay dưới chân gốc đa có ghi: “Cây đa Sơn Trà, họ dâu tằm, cao 22m, chu vi thân chính và cụm thân phụ 85m. Tuổi cây 800 năm. Nơi đây từng được lực lượng dân quân tự vệ, biệt động Quảng Nam, Đà Nẵng chọn làm căn cứ địa cách mạng cho hai cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm”.

Cây đa có hình độc đáo giống chủ nai

Nhìn từ xa, tán cây đa tỏa bóng xanh mát. Lại gần những phần rễ phụ đổ xuống, ăn sâu vào mặt đất càng tạo nên vẻ đồ sộ, sừng sững. Phần thân chính của cây phải 2-3 vòng tay người lớn ôm mới xuể. Đặc biệt, thân cây có nhiều nhánh tỏa ra, tạo nên vùng tán rộng tựa như có bàn tay con người uốn nắn. Cây đa tạo nên vẻ kỳ thú, vừa huyền bí, vừa cổ kính khiến ai cũng phải trầm trồ.

Quay ngược lại con đường lớn nhưng không tiến hẳn ra đường trung tâm của bán đảo Sơn Trà, bạn sẽ thấy biển chỉ dẫn đến khu du lịch sinh thái Nhất Lâm Thủy Trang Trà. Con đường dẫn đến địa điểm này khi cheo leo lên dốc, lúc lại thả trôi gần như dựng đứng, thách thức du khách. Vì nằm ở địa thế khá sâu bên trong núi, địa điểm này khá vắng khách. Chỉ một số ít người bản địa và những phượt thủ ưa mạo hiểm, khám phá mới biết đến nơi này. Trong Nhất Lâm Thủy Trang Trà có một cây đa vô cùng đặc biệt mang tên gọi: Cây đa ngơ ngác.

Cây đa cổ thụ cũng có tuổi đời gần 1.000 năm này có hình chú nai, vì thế người ta quen gọi là cây đa ngơ ngác hay cây đa con nai. Phần thân của cây được xẻ làm đôi tạo thành thế như hai cặp chân trước, sau của nai. Phần tán rộng, vươn lên cao tựa như những chiếc sừng nai khẳng khiu.

Ngay cạnh cây đa ngơ ngác là suối nai. Mùa này suối cạn nước, trơ ra những phiến đá phủ rêu xanh. Đứng từ cây đa ngơ ngác nhìn phía bên kia suối, bạn còn được thấy một cây đa khổng lồ khác với tán vươn cao lên bầu trời rất đẹp mắt.

Theo dulichvietnam

 

Nguồn: Dulich.vtv.vn