Châu Âu bị Covid-19 ‘nuốt chửng’ vì mở cửa đón khách du lịch

0
14

Châu Âu tưởng chừng đã kiểm soát được Covid-19. Thế nhưng, chỉ sau vài tháng mở cửa biên giới, làn sóng dịch thứ hai tấn công lục địa này, thậm chí còn mạnh hơn trước.

Mùa hè vừa qua, châu Âu tưởng chừng đã kiểm soát được dịch Covid-19. Nhiều quốc gia trở thành hình mẫu chống dịch tiêu biểu. Các nhà chức trách nhanh chóng cho phép người dân tự do đi lại giữa các quốc gia.

Nhưng nào ngờ, những du khách này đã đem theo mầm bệnh về nhà, dẫn đến những đợt bùng phát mới thậm chí còn lớn hơn trước.

Covid-19 nuot chung chau Au anh 1

Khách du lịch châu Âu đã “vô tình” đem Covid-19 về quê nhà. Ảnh: Financial Times.

Theo các nhà nghiên cứu từ Thụy Sĩ và Tây Ban Nha, làn sóng Covid-19 mới chủ yếu bắt nguồn từ ổ dịch liên quan đến những nông dân sống trong điều kiện nghèo nàn ở các vùng Catalonia và Aragon của xứ sở bò tót.

Sau đó, dịch lan sang các thành phố lân cận và trên khắp Tây Ban Nha, cuối cùng là quê nhà của các khách du lịch châu Âu.

Trước khi các quốc gia vội vàng áp đặt lại lệnh hạn chế để đối phó với làn sóng lây nhiễm thứ hai, hàng triệu cư dân đã kịp di chuyển quanh châu lục này để thư giãn sau một thời gian dài bị “nhốt” trong nhà.

Một biến thể mới của Covid-19 đã xuất hiện vào đầu mùa hè và nhanh chóng lan rộng, thậm chí “thống trị” ở một số quốc gia.

Mở biên giới vội vàng

Một số nước châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản và Singapore kiểm soát dịch bệnh thành công hơn phương Tây. Đến nay, họ vẫn tiếp tục duy trì các lệnh hạn chế đi lại quốc tế, đồng thời yêu cầu khách nhập cảnh phải xét nghiệm và cách ly.

Na Uy và Phần Lan, những quốc gia có tỷ lệ tử vong thấp nhất châu Âu, cũng thực hiện phương pháp tương tự. Trong khi đó, New Zealand và Australia ngăn chặn dịch Covid-19 bằng cách đóng cửa biên giới.

Còn Liên minh châu Âu (EU) duy trì lệnh cấm di chuyển quốc tế đối với các nước khác ngoài khu vực kể từ đầu năm.

Covid-19 nuot chung chau Au anh 2

Đóng cửa các sân bay, cảng biển là hành động tiên quyết để ngăn chặn làn sóng dịch Covid-19. Ảnh: AFP.

Đến mùa hè, hầu hết quốc gia ở lục địa này quyết định mở cửa biên giới do tình hình dịch trong nước phần nào đã được kiểm soát. Đồng thời, họ muốn cứu nền du lịch đang thoi thóp.

Các nhà chức trách Tây Ban Nha rất nóng lòng hồi sinh ngành du lịch. Tuy nhiên, Manuel Muniz, Ngoại trưởng tại Bộ Ngoại giao Tây Ban Nha, cho biết các tiêu chí về sức khỏe cộng đồng vẫn là ưu tiên hàng đầu.

“Nếu chưa có bằng chứng cho thấy đường cong Covid-19 đã được làm phẳng, cũng như việc du lịch quốc tế là an toàn, thì tôi tin rằng quyết định mở cửa đã không được thông qua”, ông nói.

Thay vì xét nghiệm trực tiếp tại sân bay hoặc cách ly bắt buộc, giới chức châu Âu chỉ dựa vào hệ thống y tế địa phương để ngăn dịch bùng phát. Thế nhưng, trên thực tế chúng vẫn chưa được hoàn thiện. Một số vùng ở Tây Ban Nha, bao gồm Aragon, thiếu nhân lực truy vết.

Quyết định thiếu thận trọng này đã khiến lục địa già nhanh chóng bùng lên làn sóng Covid-19 thứ hai.

Covid-19 nuot chung chau Au anh 3

Các quốc gia châu Âu không chọn biện pháp xét nhiệm và cách ly hành khách nhập cảnh ngay tại sân bay. Ảnh: EPA.

Trên bờ biển Croatia cùng các hòn đảo của Hy Lạp và Italy, khách du lịch đã mang các ca nhiễm đầu tiên đến những nơi trước đó chưa ghi nhận trường hợp dương tính Covid-19 nào.

Virus corona nhanh chóng lây lan qua các quán bar, bữa tiệc và theo chân du khách về các thành phố ở khắp châu Âu.

Tuy nhiên, hoạt động du lịch không phải là nguyên do duy nhất gây nên làn sóng dịch thứ hai tại châu Âu.

Vốn dĩ, hệ thống xét nghiệm, truy vết và cách ly ở châu lục này kém hiệu quả hơn so với khu vực Đông Á. Người dân phương Tây cũng chán ngấy các quy định giãn cách xã hội và từ chối thực hiện chúng.

Lao động nhập cư

Bên cạnh đó, ổ dịch bắt nguồn từ Tây Ban Nha đã bộc lộ một mắt xích yếu khác trong hàng phòng ngự của châu Âu: Nhiều hoạt động kinh tế của khu vực phụ thuộc vào lao động nhập cư – những người thường được trả lương thấp và sống trong các khu nhà chật chội, điều kiện kém.

Các nhà nghiên cứu xác định đợt bùng phát lớn đầu tiên của biến thể virus corona mới nhất là ở Aragon và Catalonia (Tây Ban Nha) hồi tháng 6. Nơi đây có khoảng 40.000 lao động nhập cư thường đổ về thu hoạch hoa quả vào mùa hè, chủ yếu đến từ châu Phi hoặc Đông Âu.

Covid-19 nuot chung chau Au anh 4

Lao động nhập cư là một trong những nhóm dễ bị tổn thương vì Covid-19 nhất. Ảnh: Lance Cheung.

“Việc thất bại trong việc bảo vệ nhóm lao động dễ bị tổn thương này không chỉ gây hại cho họ, mà còn khiến những người khác bị ảnh hưởng”, Tiến sĩ Comas nói.

Serigne Mamadou (41 tuổi) đến từ Senegal và đã thu hoạch trái cây ở Tây Ban Nha được 10 năm qua. Hồi tháng 6, anh cùng những người nhập cư khác ngủ ngoài đường trong nhiều ngày. Do Covid-19, ít chủ nhà cho thuê phòng.

“Ai may mắn thì sống chung với nhau trong những căn hộ chật chội. Nhưng phần lớn chúng tôi buộc phải ngủ lay lắt trên vỉa hè hoặc trong những ngôi nhà bỏ hoang, chuồng trại”, anh kể lại.

Mamadou cho biết một số đồng nghiệp của anh mắc Covid-19 do điều kiện sống kém và thiếu các biện pháp phòng dịch tại nơi làm việc.

“Sao mà bạn có thể bảo vệ bản thân khi ăn còn không đủ, không được tắm rửa thường xuyên và phải trải những tấm bìa để ngủ ngoài đường?”, anh nói.

Gemma Casal, nhà hoạt động thuộc tổ chức phi chính phủ Fruit With Social Justice, cho biết: “Vấn đề này năm nào cũng có, nhưng mùa hè năm nay đặc biệt hỗn loạn”.

Covid-19 nuot chung chau Au anh 5

Sự quá tải ở bệnh viện trong làn sóng dịch đầu tiên vẫn ám ảnh các y bác sĩ. Ảnh: AP.

Lệnh cấm chồng chéo, không đồng nhất

Lối sống ưa tụ tập ăn chơi của giới trẻ Tây Ban Nha cũng góp phần không nhỏ khiến cho làn sóng dịch bùng phát trở lại. Do các quán bar bị giới hạn thời gian mở cửa, họ tràn ra đường hoặc tụ tập mở tiệc tại nhà riêng.

Marta Jiménez, một sinh viên đại học 23 tuổi đến từ Barcelona, bị nhiễm virus SARS-CoV-2 vào tháng 7 sau khi tham dự bữa tiệc riêng tại nhà của một người bạn.

“Nghĩ lại, tôi thấy mình thật vô trách nhiệm. Nhưng trách sao được, chúng tôi đã nằm nhà suốt 2 tháng rồi”, cô nói.

Theo cơ quan thống kê quốc gia của Tây Ban Nha, từ tháng 6 đến tháng 8, quốc gia này đón 5,1 triệu du khách ngoại quốc, trong đó 643.000 người đến từ Anh.

Mặc dù đã áp đặt lệnh cách ly 14 ngày đối với du khách trở về từ xứ sở bò tót, dịch bệnh vẫn lan rộng ở nước Anh.

Covid-19 nuot chung chau Au anh 6

Người dân Anh thản nhiên tụ tập đông người ở giữa London hồi tháng 9. Ảnh: AFP.

Hồi tháng 8, Joan Pons Laplana, y tá ở thành phố Sheffield (Anh), cùng con gái đến hòn đảo Minorca thuộc Tây Ban Nha để dự lễ kỷ niệm 50 năm ngày cưới của bố mẹ anh.

Trên chuyến bay trở về, hãng hàng không vẫn xếp các khách hàng ngồi canh nhau dù máy bay trống gần nửa số ghế. Một tuần sau, cô con gái 9 tuổi của Laplana dương tính với Covid-19.

Nam y tá cho biết anh đã cố liên hệ với các cơ quan chức năng để cảnh báo về nguy cơ nhiễm virus corona của những hành khách ngồi gần 2 bố con. Thế nhưng, không ai bắt máy hay trả lời thư điện tử của anh.

Các nhà hàng, quán bar vẫn đón nườm nượp khách nhưng thực hiện quy tắc giãn cách xã hội rất lỏng lẻo.

Thậm chí, trước tình trạng bùng phát dịch mạnh mẽ, chính phủ Anh vẫn triển khai chương trình trợ cấp Eat Out To Help Out nhằm khuyến khích người dân ăn uống ngoài nhà hàng để thúc đẩy kinh tế.

Adele Warren, Ủy viên thuộc hội đồng thị trấn ở Bolton (Anh), cho biết sự không đồng nhất trong lệnh hạn chế giữa các địa phương khiến việc thực thi quy định trở nên khó khăn.

Thậm chí, người dân hoàn toàn có thể lách luật bằng cách lái xe đến những khu vực không bị phong tỏa.

Nguồn: News.zing.vn