Bất chấp những xe hoa bán cúc họa mi đang ít dần, những đồng hoa họa mi để chụp ảnh vẫn tiếp tục nở trắng tinh. Người chen người cùng chụp ảnh trên đó theo đúng mốt.
Sen tàn thì lại họa mi
Khi nhóm đồng nghiệp thân thiết muốn tổ chức sinh nhật cho chị Hồng Nga, họ đã chọn Thung lũng hoa hồ Tây ở ngã ba Nhật Chiêu (Q.Tây Hồ, Hà Nội). Tại đó, có nhiều ruộng hoa nhỏ với nhiều loại hoa khác nhau. Nhưng ảnh chụp nhiều nhất vẫn là cúc mi.
Mùa cúc mi rộ cũng đã hai tháng, nhưng ai cũng muốn có ảnh chụp tại đó. Sau mùa sen lại đến vụ chụp ảnh với họa mi. Có nhiều kiểu chụp khác nhau. Dùng cúc mi làm phụ kiện cài tóc, cài áo, kẹp vào tay thay nhẫn. Có kiểu tạo dáng giữa những luống cúc. Có máy ảnh chuyên nghiệp thì tốt, còn không dùng máy ảnh “tự sướng” cũng rất ổn. “Giá vào vườn với người lớn là 100.000 đồng, còn trẻ em là 50.000 ”, người quản lý vườn cho biết.
|
Hiện tại, ở Hà Nội, có nhiều vườn trồng cúc mi cho người vào chụp ảnh. Tại hồ Tây, nổi nhất là bãi đá sông Hồng. Ở đây, giá chụp 50.000 đồng/người và lúc nào cũng đông vui. Vì vậy, không phải ai cũng thích chụp tại đây.
“Ở Hà Nội nếu chụp cúc mi thì ra ngõ 374 Âu Cơ hoặc ra bãi đá ngõ 264. Ngõ 374 đi sâu vào có vườn vắng. Chắc vì ở đây mới làm dịch vụ nên ít người vào vườn chụp hơn bên kia. Nếu đi sâu vào sẽ thấy”, chị Phan Thị Bống Bang, một người tổ chức sự kiện, nói.
Cũng theo chị, một địa chỉ khác có thể chụp cúc mi là làng hoa Tây Tựu. Ở đó, người dân trồng hoa bán nhưng cũng cho phép khách vào chụp ảnh. Vườn hoa ở Tây Tựu bao la bát ngát, tha hồ chụp mà không phải né người.
“Chụp cúc mi tôi không chụp ở bãi đá mà chụp ở Thạch Cầu Long Biên, bãi bên đó vắng”, nhiếp ảnh gia Lê Bích nói. Ông Bích gắn bó với Hà Nội, và vừa được giải thưởng ảnh về Hà Nội thanh lịch. Như vậy, ngoài hồ Tây, Tây Tựu còn điểm chụp Long Biên nữa. Tại Long Biên cũng có vài điểm chụp cúc mi. Giá mỗi lượt người là 70.000 đồng.
Gối vụ chụp ảnh
Một điểm cũng hay được sử dụng để chụp cúc họa mi là đường Phan Đình Phùng. Con phố đẹp đẽ này không liên quan mấy đến các ruộng họa mi. Tuy nhiên, với những ngôi nhà Pháp màu vàng thư là nền tuyệt đẹp cho những người muốn mặc áo dài trắng chụp cúc.
Chưa kể, ở đây còn có một vỉa hè đặc biệt – vỉa hè duy nhất ở Hà Nội có tới hai hàng cây. Chính vì vậy, không khó gặp cảnh người bán hàng cũng được níu vào khuôn hình mùa cúc. Với những khuôn hình chụp trên phố này, cúc mi chủ yếu được dùng như đạo cụ.
Theo chị Phan Thị, chụp cúc mi ở vườn tuy thích nhưng lại đông và khó có “hàng độc”. Chính vì thế, việc có những bộ ảnh chụp trên phố với hàng hoa bán rong, hoặc những góc vườn nhỏ hay hiên nhà vắng lại rất dễ thương. Đặc biệt nếu có thể sắp đặt những góc nhỏ có nắng thu thì bức ảnh sẽ khác hẳn với hàng loạt kiểu hình giống nhau ở vườn.
Với nền trắng, cúc mi cũng dễ phối với các sản vật mùa thu khác như cốm xanh và các loại bình gốm đa sắc. “Chụp mãi một kiểu cũng không thích”, chị nói.
Trong khi đó, nhiếp ảnh gia Lê Bích cho biết bí quyết chụp cúc mi tại vườn: “Chụp cúc mi thì khó nhất là tránh đám đông. Cúc mi lại trắng, cả mảng có nguy cơ bị bết với nhau. Phải chọn chỗ nào có luống, không phải trắng hết một màu. Càng chia luống càng dễ chụp vì nó tạo ra các đường dẫn trong ảnh”.
Hiện tại, đã bắt đầu vào thời điểm cúc mi khan hơn trên thị trường hoa bán cắm trong nhà. Cũng đã không còn những xe chở cúc mi đi san sát với nhau trên phố. Tuy nhiên, điều đó không ảnh hưởng tới việc chụp cúc mi tại ruộng. Về điều này, ông Lê Bích cho biết: “Hết mùa cũng không ảnh hưởng gì cả. Các chủ vườn đã chủ động chia khu vực và trồng gối nên cúc lúc nào cũng đẹp”.
Nguồn: Thanhnien.vn