Cần cải thiện visa để phát triển du lịch

0
20
Ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng ban Thư ký Hội đồng Tư vấn Du lịch Việt Nam trao đổi với báo chí về các khuyến nghị mới nhằm cải thiện thủ tục visa. Ảnh: Kiều Dương.

Hà Nội Theo khảo sát của Hội đồng Tư vấn Du lịch, đa số người được hỏi thấy quy trình xin visa vào Việt Nam khó hơn so Singapore, Thái Lan.

Chính sách thị thực là chỉ số tăng cao nhất trong bảng xếp hạng Năng lực cạnh tranh lữ hành và du lịch của Việt Nam, do Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) công bố năm 2019, với 63 bậc (từ 116/136 lên 53/140). Điều này góp phần đưa Việt Nam trở thành nước có chỉ số cạnh tranh tăng trưởng nhanh bậc nhất khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng Ban thư ký Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB) đánh giá đây là “tiến bộ vượt bậc”.

Tuy nhiên, chỉ số này vẫn chỉ tương đương với Brunei và kém nhiều quốc gia ASEAN khác trong đó có Lào, Campuchia, Thái Lan. Do đó, TAB đưa ra các đề xuất cải cách chính sách thị thực và dự thảo Luật Xuất nhập cảnh trước khi Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều.

Ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng ban Thư ký Hội đồng Tư vấn Du lịch Việt Nam trao đổi với báo chí về các khuyến nghị mới nhằm cải thiện thủ tục visa. Ảnh: Kiều Dương.

Ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng ban Thư ký Hội đồng Tư vấn Du lịch Việt Nam đưa ra các khuyến nghị nhằm cải thiện thủ tục visa. Ảnh: Kiều Dương.

Từ 15/1 đến 1/3, TAB đã khảo sát về chính sách thị thực với 130 khách đến du lịch, 35 khách du lịch tiềm năng, 23 tổ chức là các công ty lữ hành, đại lý, nhà cung cấp visa trực tuyến, khách sạn và hãng hàng không.

Đa số người được hỏi thấy quy trình xin visa vào Việt Nam khó hơn so với các nước Đông Nam Á khác. Từ đó, TAB đưa ra khuyến nghị trong 4 vấn đề chính gồm: Tăng tính nhất quán của thông tin xung quanh chính sách thị thực; cải thiện thủ tục e-visa và cơ sở hạ tầng trực tuyến; gia hạn miễn visa; cải thiện thủ tục xin visa tại cửa khẩu sân bay.

Theo khảo sát, nhiều khách du lịch lúng túng vì Việt Nam có hai trang web chính thức về xuất nhập cảnh là immigration.vn và xuatnhapcanh.gov.vn. Đây cũng là đề xuất đầu tiên của TAB, muốn gộp chung thành một địa chỉ duy nhất để việc xin cấp e-visa của du khách dễ dàng hơn.

Người được hỏi nhận thấy rằng quy trình xin visa vào Việt Nam khó hơn so với các nước Đông Nam Á khác. Đồ họa: TAB.

Người được hỏi nhận thấy rằng quy trình xin visa vào Việt Nam khó hơn so với các nước Đông Nam Á khác. Đồ họa: TAB.

Về thời gian miễn visa, hội đồng đề xuấtt điều chỉnh nâng lên mức “tối đa 30 ngày” để thu hút du khách đường dài thay vì 15 ngày như hiện tại. Ông Hoàng Nhân Chính chỉ ra, đã có những ý kiến lo ngại rằng khách được ưu đãi miễn thị thực dài ngày sẽ lợi dụng để lao động bất hợp pháp tại Việt Nam. Vì vậy, việc bổ sung thời hạn tối đa được cho là sẽ giúp chính quyền điều chỉnh thời gian áp dụng miễn visa với từng đối tượng cụ thể khi có vấn đề phát sinh.

Tới 31/12, thời hạn áp dụng miễn thị thực đơn phương cho các nước Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đan Mạch, Na Uy, Phần Lan và Thụy Điển sẽ hết hiệu lực. Trong năm 2018, lượng khách du lịch đến từ Nga, Nhật Bản và Hàn Quốc đã chiếm khoảng 1/3 tổng số khách quốc tế đến Việt Nam. Vì vậy, TAB đề nghị gia hạn miễn thị thực cho các nước này trong 5 năm tiếp theo, đồng thời bổ sung thêm sáu quốc gia là Australia, New Zealand, Canada, Hà Lan, Thụy Sĩ và Bỉ.

Thống kê số phần trăm khách du lịch Hàn Quốc, Nhật Bản và Nga tới Việt Nam năm 2018. Đồ họa: TAB.

Thống kê số phần trăm khách du lịch Hàn Quốc, Nhật Bản và Nga tới Việt Nam năm 2018. Đồ họa: TAB.

Về thủ tục xin cấp visa tại cửa khẩu quốc tế, hiện có nhiều công ty, tổ chức trá hình làm dịch vụ xin thị thực cho khách du lịch với mức phí cao. Mức phí làm visa theo quy định của nhà nước hiện nay là 25 USD. Tuy nhiên qua khảo sát của TAB, có 18% du khách nộp phí dưới 30 USD, còn phần lớn đều nhiều hơn, thậm chí trên 90 USD. Hội đồng này đề xuất, nếu Bộ Công an đồng ý cho các công ty làm dịch vụ visa như vậy cần đưa ra các mức phí chính thức và quyền hạn, trách nhiệm của họ để bảo vệ quyền lợi khách du lịch.

Cuối cùng, TAB mong muốn các thông tin về visa phải đảm bảo rõ ràng, nhất quán và được cập nhật. Hội đồng Tư vấn Du lịch đề nghị tất cả cán bộ nhân viên Đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài sử dụng địa chỉ thư điện tử của sứ quán thay vì dùng các địa chỉ cá nhân khi giải quyết vấn đề chuyên môn. Điều này được cho là sẽ giảm bớt mối lo ngại về bảo mật với du khách, tăng tính chuyên nghiệp của Việt Nam trong mắt quốc tế.

Việt Nam tổ chức diễn đàn cấp cao du lịch lần 2
 
 

Việt Nam tổ chức diễn đàn cấp cao du lịch lần 2

Kiều Dương

Nguồn: Vnexpress.net