Các điểm du lịch nhộn nhịp khách trong dịp nghỉ lễ giỗ Tổ

0
15
Bãi biển Sầm Sơn chiều 13/4. Ảnh: Báo Thanh Hoá.

Nhiều tỉnh, thành trên cả nước tổ chức các hoạt động hướng về ngày giỗ Tổ và đáp ứng nhu cầu du lịch của người dân trong dịp nghỉ lễ.

Các sự kiện được tổ chức trùng dịp nghỉ lễ, thu hút đông đảo du khách đến tham quan, trải nghiệm:

Lào Cai

Từ ngày đầu tiên của kỳ nghỉ lễ, lượng khách đến thị trấn Sa Pa tăng cao, gây ùn tắc giao thông tại một số đoạn đường đang sửa chữa, nâng cấp. Tuy nhiên, nơi đây vẫn chưa xuất hiện tình trạng cháy phòng nghỉ. Các cơ sở cung cấp dịch vụ cũng không tăng giá so với những ngày cuối tuần bình thường. Một số chủ cơ sở lưu trú tại đây cho biết, có thể lượng khách không quá đông do nhiều người chọn đi lễ đền Hùng dịp này. Bên cạnh đó, các hoạt động trong sự kiện Lễ hội mùa hè Sa Pa 2019 đa phần được tổ chức vào dịp 30/4, với số ngày nghỉ lễ dài và thu hút đông đảo người dân, khách du lịch hơn.

Hà Nội

Đường phố Hà Nội vắng lặng vào ngày giỗ Tổ do nhiều người đã về quê nghỉ lễ. Đến gần trưa, các công viên, phố đi bộ và vườn hoa trong thành phố mới trở nên nhộn nhịp người đi chơi. Không gian phố đi bộ hoạt động đến hết 24h ngày 15/4, ngày nghỉ cuối cùng trong dịp giỗ Tổ năm nay.

Tại xã Vân Hoà, huyện Ba Vì sáng 14/4 diễn ra lễ hội dâng hương tưởng nhớ vua Hùng tại khuôn viên khu du lịch Paragon Resort, thu hút hàng trăm người dân địa phương và du khách tham dự. Lễ hội có sự tham gia của người dân 7 xã trên địa bàn huyện. Sau phần lễ, các địa phương cùng nhau thi ẩm thực vùng miền bằng các mâm lễ vật, trang phục dân tộc và thi văn nghệ sử dụng các làn điệu, nhạc cụ dân tộc.  

Bãi biển Sầm Sơn chiều 13/4. Ảnh: Báo Thanh Hoá.

Bãi biển Sầm Sơn chiều 13/4. Ảnh: Báo Thanh Hoá.

Thanh Hoá

Từ chiều 13/4, bãi biển Sầm Sơn đã đặc kín người dân, du khách tới nghỉ mát và tham dự buổi khai mạc lễ hội Du lịch biển Sầm Sơn 2019, sự kiện đánh dấu mùa du lịch bắt đầu tại đây. Các hoạt động chính trong sự kiện gồm chương trình carnaval đường phố, thi đấu các môn thể thao như golf, bóng bàn (13, 14/4)… và khai trương tuyến phố đi bộ, chợ đêm. Lễ hội khai mạc trùng với đợt nghỉ lễ dài ba ngày nên thu hút rất đông người đến bãi biển Sầm Sơn.

Quảng Nam

Theo thống kê sơ bộ của ban quản lý Cù Lao Chàm, ngay trong ngày nghỉ đầu tiên đã có khoảng 2.500 lượt khách trong và ngoài nước ra đảo, chủ yếu là khách nội địa. Đến ngày 14/4, nơi này đón khoảng 3.000 lượt khách. Đây là lượng khách đông nhất từ đầu năm đến nay ở đảo.

Hiện nay, thành phố Hội An đang khống chế lượng khách ra đảo, tối đa ở mức 3.000 người để đảm bảo chất lượng phục vụ, vệ sinh môi trường.

Lâm Đồng

Sáng 14/4, lễ giỗ Tổ đã được tổ chức tại đền thờ Âu Lạc, thuộc khu du lịch thác Prenn, Đà Lạt. Bên cạnh việc tri ân, tưởng nhớ các vua Hùng, rất đông người dân và du khách tham gia vào phần hội của sự kiện, với các hoạt động văn nghệ như múa dâng lễ, múa sạp; các trò chơi dân gian như hội thi leo cột, cờ tướng và phiên chợ ẩm thực truyền thống.

Hàng trăm người tham dự lễ hội dưa hấu đầu tiên ở Việt Nam
 
 

Hàng trăm người tham dự lễ hội dưa hấu đầu tiên ở Việt Nam

Lễ hội dưa hấu ở Quảng Ngãi. Video: Thanh Huyền.

Quảng Ngãi

Tại huyện Bình Sơn, “thủ phủ” dưa hấu của tỉnh Quảng Ngãi dịp này tổ chức lễ hội dưa hấu đầu tiên ở Việt Nam. Sự kiện được tổ chức với mục đích tôn vinh nghề, kết nối thị trường tiêu thụ, quảng bá du lịch. Lễ hội có sự tham gia của 25 xã, thị trấn trong tỉnh, đại diện các doanh nghiệp lữ hành cùng hàng nghìn người dân và khách du lịch trong, ngoài nước. Những hoạt động thu hút du khách trong lễ hội là các cuộc thi như vận chuyển, tung hứng dưa hấu bằng tay, điêu khắc trên dưa, chế biến các món ăn, nước giải khát, ăn dưa hấu nhanh…

TP HCM

Các công viên, khu vui chơi ở TP HCM những ngày này luôn trong tình trạng đông khách. Bên cạnh đó, không gian phố đi bộ Nguyễn Huệ đang được trang hoàng với những hình ảnh phục dựng mái đình, thác nước, cây đa, bờ cát trắng, đồng lúa… đặc trưng của ba miền. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Festival Nghệ thuật dân gian Việt Nam lần I, trùng với 3 ngày nghỉ lễ (13 đến 15/4). Sự kiện mang đến nhiều hoạt động ngoài trời như đố vui, quan họ, múa sạp, trò chơi dân gian, múa cồng chiêng, hát bài chòi, múa truyền thống dân tộc Khmer, đờn ca tài tử… tương ứng với mỗi khung cảnh không gian vùng miền.

Dịp này, công viên Đầm Sen khánh thành quảng trường Vua Hùng rộng gần 1.000 m2. Sau buổi dâng hương đầu tiên là cuộc thi nấu bánh chưng với sự tham gia của người dân quận 11, tạo nên 3.000 chiếc bánh chưng dành tặng du khách đến dâng hương. Trước đó vào ngày 13/4, công viên này đã tổ chức lễ diễu hành trên địa bàn quận để giới thiệu về sự kiện này.  

Bánh nghệ Gò Công, đặc sản Tiền Giang. Ảnh: Canthopromotion.

Bánh nghệ Gò Công, đặc sản Tiền Giang. Ảnh: Canthopromotion.

Cần Thơ

Lễ hội bánh Dân gian Nam bộ lần thứ VIII năm 2019 với chủ đề “Hương sắc Phương Nam” đã khai mạc vào ngày 12/4 tại đường Lê Lợi, Ninh Kiều. Đây là sự kiện dài 5 ngày (12-16/4) với quy mô 220 gian hàng trưng bày, giới thiệu và bán các loại bánh dân gian, đặc sản vùng miền của thành phố Cần Thơ và 18 tỉnh, thành phố khác trên cả nước. Trong đó bánh dân gian Nam Bộ chiếm một nửa số gian hàng. Sự kiện có tám hoạt động chính gồm hội thi làm bánh, trình diễn cách làm, các khu ăn uống, buffet bánh, chương trình dạ hội áo bà ba và toạ đàm về thị trường bánh dân gian.

Đồng Tháp

Tại thành phố Cao Lãnh đang diễn ra Hội chợ Mua sắm ẩm thực hàng Việt Nam – Thái Lan năm 2019. Sự kiện kéo dài từ 12 đến 21/4 với sự tham gia của 200 doanh nghiệp, 300 gian hàng bày bán các sản phẩm của Thái Lan, khu ẩm thực và khu trưng bày văn hoá nghệ thuật của quốc gia này. Sự kiện hướng tới thúc đẩy giao thương và hiểu biết văn hoá giữa hai nước.   

Nhân dịp nghỉ giỗ Tổ, chủ một vườn hoa hồng hơn 6.000 cây trên đường Cao Thắng, thành phố Sa Đéc miễn phí tham quan với khách du lịch khi đến vườn chụp ảnh, vui chơi.  

Kiều Dương 

Nguồn: Vnexpress.net