Hàng không kết hợp du lịch không chỉ là chiến lược của ba “ứng viên” đang xếp hàng chờ giấy phép bay mà còn là mục tiêu của các hãng hiện hữu.
Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết từng nói, “hàng không và du lịch là một cặp song sinh” và thực tế, hãng bay Bamboo Airways của ông đã xem việc tăng cường kết nối khách đến các cơ sở lưu trú sẵn có là chiến lược khi bắt đầu khai thác trong năm vừa qua.
Không lâu sau đó, thị trường tiếp tục chứng kiến cuộc đua trở thành hãng hàng không thứ 6 tại Việt Nam của Vinpearl Air từ Vingroup, Vietravel Airlines từ Vietravel và KiteAir từ Thiên Minh.
Cả ba đang làm thủ tục xin cấp phép với tham vọng có chuyến bay thương mại ngay trong năm 2020 và đều có lợi thế nhất định hoặc có kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực du lịch.
Vingroup sở hữu mạng lưới khu lịch nghỉ dưỡng, vui chơi lớn nhất Việt Nam với 43 cơ sở, công suất trên 17.000 phòng. Vinpearl Air là cũng dự án có tổng mức đầu tư lớn nhất với 4.700 tỷ đồng. Với lợi thế đó, doanh nghiệp này tham vọng sẽ vận hành 36 tàu bay đến năm 2025 với mạng bay 62 tuyến nội địa và 93 tuyến quốc tế.
Còn Thiên Minh, ngoài các thương hiệu lữ hành, khách sạn và khu nghỉ dưỡng, Thiên Minh cũng sở hữu Công ty cổ phần Hàng không Hải Âu. Đây là nhà khai thác dịch vụ bay thủy phi cơ đầu tiên tại Việt Nam và đang cung cấp các dịch vụ bay ngắm cảnh Hạ Long, Huế, Đà Nẵng, bay thuê chuyến…
Với Vietravel, họ đã có hơn 20 năm kinh doanh dịch vụ lữ hành, doanh nghiệp này lập hãng bay với định hướng khai thác phục vụ khách du lịch theo hình thức thuê chuyến (charter). Vietravel khẳng định, đã có một lượng khách rất lớn và ổn định để đảm bảo cho các chuyến bay của mình khi mỗi năm phục vụ gần 1 triệu lượt khách.
Mô hình kết hợp hàng không, du lịch đã giúp ngành hàng không và du lịch Việt có thêm nhiều sản phẩm đa dạng hơn trong năm qua.
Sau khi cung cấp dịch vụ bay chuyên cơ 8-13 chỗ đưa khách tới khu nghỉ dưỡng từ đầu tháng 11, Six Senses Côn Đảo đã trở thành khu nghỉ dưỡng đầu tiên ở Việt Nam cung cấp sản phẩm này. Đây là sự kết hợp giữa Six Senses Côn Đảo và hãng hàng không lưỡng dụng Vietstar Airlines.
Cũng với Côn Đảo – điểm đến ngày càng thu hút du khách, công ty Trực thăng miền Nam (VNH South) đã khai thác bốn chuyến khứ hồi mỗi tuần từ sân bay Vũng Tàu hồi cuối tháng 4. Động thái này đánh dấu sự chuyển mình, tham gia vào thị trường hàng không du lịch trong nước của một doanh nghiệp trước đây chuyên bay biển, chủ yếu phục vụ bay thăm dò và khai thác dầu khí.
Một doanh nghiệp cùng ngành VNH South là Trực thăng miền Bắc cũng bắt tay FastGo để cung cấp dịch vụ đi chung trực thăng ngắm cảnh Hạ Long, sông Hồng… thông qua nền tảng đặt xe. Các khu resort, khách sạn cũng liên tục bắt tay các hãng hàng không để đua bán combo du lịch trọn gói gồm vé máy bay, phòng nghỉ, dịch vụ giải trí… với mức giá hợp lý.
Thực tế mô hình này còn dù mới nở rộ ở Việt Nam nhưng đã được nhiều hãng lữ hành thế giới áp dụng từ lâu. Doanh nghiệp lữ hành lớn nhất châu Âu – TUI hiện cũng là hãng hàng không chuyên bay charter lớn nhất thế giới. Với đội bay 60 chiếc, TUI Airway đã phục vụ hơn 11 triệu lượt khách năm ngoái. Tại Trung Quốc, công ty du lịch lớn nhất Thượng Hải Spring Tour cũng sở hữu đến 137 máy bay. Theo Tập đoàn báo cáo hàng không (ARC), các hãng du lịch có trụ sở tại Mỹ đã bán 7,8 tỷ USD tiền vé máy bay trong tháng 9, tăng 3,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ở chiều ngược lại, nhiều hãng bay giá rẻ cũng đang có xu hướng bán thêm các sản phẩm du lịch. AirAsia đang cung cấp cả dịch vụ đặt phòng khách sạn, tour du lịch… Đây cũng là một chiêu để gia tăng doanh thu của các hãng hàng không trong bối cảnh cạnh tranh trên thị trường ngày một tăng.
Đề xuất giao ACV xây nhà ga T3 Tân Sơn Nhất
Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa trình Thủ tướng kết quả thẩm định chủ trương đầu tư Dự án xây dựng nhà ga T3 CHK quốc tế Tân Sơn Nhất.
Tàu hàng không người lái nghi của Trung Quốc dạt cảng Sơn Dương
Một tàu hàng mang số hiệu Trung Quốc không người lái trôi dạt vào bờ biển Hà Tĩnh
Nguồn: Vtc.vn