Bún riêu 40 năm không có ốc, không gạch cua, không giò nhưng vẫn cực hút khách

0
3
Bún riêu 40 năm không có ốc, không gạch cua, không giò nhưng vẫn cực hút khách - Ảnh 1.

Có mặt ở chợ Bến Thành hơn 40 năm, quán bún riêu Gánh còn có biệt danh là bún riêu “sang chảnh” vì đặc biệt hút khách nước ngoài, Việt kiều.

 

Du khách đến chợ Bến Thành, qua phía cửa Đông ở góc đường Lê Lợi giao với Phan Bội Châu hỏi gánh bún riêu “sang chảnh” ở đâu thì ai cũng biết. Bởi cách đây hơn 40 năm, gánh bún của bà Mai Thị Liên (60 tuổi) đã có mặt và hòa vào nhịp sống của khu chợ trung tâm TP HCM. Điểm đặc biệt ở quán là bún không có ốc, không gạch cua, không giò như phiên bản thông thường, nhưng vẫn gọi là bún riêu cua.

Hầu hết khách ghé quán ban đầu đều do tò mò. Song nhiều người dần trở thành khách quen vì trót phải lòng một trong những món ăn nổi tiếng đất Sài thành.

Bún riêu 40 năm không có ốc, không gạch cua, không giò nhưng vẫn cực hút khách - Ảnh 1.

Nồi nước lèo vô cùng đặc trưng của tiệm đã lôi cuốn không biết bao nhiêu người đi đường lẫn du khách nước ngoài dù chỉ đi ngang qua một lần.

Quán có những ưu điểm là nằm ở quận trung tâm, vị trí dễ tìm, không gian sạch sẽ, phục vụ nhanh và chỉ bán một món bún riêu với mức giá 55.000 đồng. Tuy không có nhiều lựa chọn nhưng dễ dàng hơn cho các thực khách nước ngoài trong việc gọi món.

Mặc dù bán hàng ở một địa điểm đáng mơ ước của những người làm nghề buôn bán thế nhưng thay vì làm cửa hàng của mình trở nên sang trọng hay hợp thời hơn thì cô Liên vẫn giữ nguyên gánh hàng rong làm bằng mây, tre của năm xưa như một góc ký ức và là đặc điểm nhận dạng của tiệm. Ngoài ra cô cũng dùng luôn cái tên “Bún Riêu Gánh” theo cách nói miệng suốt mấy chục năm qua của các vị khách tứ phương hay nhắc về trở thành “thương hiệu”.

Tô bún của cô Liên thoạt nhìn đơn giản gồm phần bún sợi nhỏ, vỏn vẹn miếng huyết, viên chả cua thịt, đậu hũ cắt góc và cà chua, thêm hành trụng bên trên. Từng thành phần của tô bún đều có kích cỡ lớn, phải cắn vài miếng mới hết chả cua thịt chắc nịch và phần huyết vịt dai mềm, đậu hủ nóng chấm cùng nước me sệt pha mắm ớt. Nước dùng trong, đậm đà, có sắc vàng tươi tự nhiên không phải màu đỏ của cà chua thường thấy trong bún riêu. Phần rau ăn kèm gồm rau muống, bắp chuối bào sợi, giá, ngò gai và húng cây.

Bún riêu 40 năm không có ốc, không gạch cua, không giò nhưng vẫn cực hút khách - Ảnh 2.

Con gái của cô Liên hiện là người nối nghiệp đời thứ 4 của Bún Riêu Gánh. Ảnh: Afamily

Vào thời điểm cách đây 6 – 7 năm, khi internet và các trang mạng xã hội, review ẩm thực phát triển, Bún Riêu Gánh bắt đầu được nhiều người phương xa biết tới hơn nhờ các bài viết chia sẻ rầm rộ. Thậm chí hàng bún riêu này còn được rất nhiều người Hà Nội hay du khách nước ngoài dành tình cảm, trở thành khách hàng trung thành nhiều năm nay.

Chủ quán bún riêu, cô Mai Thị Liên (60 tuổi), cho biết trên Zingnews, trước khi dịch COVID-19 bùng phát, phần đông khách ghé quán là du khách, Việt kiều.

“Lúc mới mở, quán có một số khách Việt kiều. Họ ăn rồi lại giới thiệu cho bạn bè, người thân ở nước ngoài. Nhờ vậy mà càng về sau quán càng có nhiều khách ngoại quốc”, bà Liên nói.

Trong mùa dịch, việc kinh doanh của quán cũng bị ảnh hưởng không nhỏ do lượng khách nước ngoài giảm. “Một số khách quen của tôi ở nước ngoài không về được trong mùa dịch. Họ nhắn với người thân bên mình là thèm món này lắm mà không biết làm sao”, chủ quán kể.

Bún riêu 40 năm không có ốc, không gạch cua, không giò nhưng vẫn cực hút khách - Ảnh 3.

Một tô bún riêu có giá 55.000 đồng gồm bún, chả cua thịt, huyết vịt và đậu hủ. Ảnh: Zingnews

Quán bún riêu gánh mở bán từ 8h đến khoảng 19h hàng ngày, quán có không gian hẹp, bàn ghế thấp nhưng có máy lạnh nên không quá nóng và sạch sẽ. Một số thực khách đánh giá phần bún trong một tô không nhiều với người có sức ăn. Ngoài đồ ăn trong tô, khách gọi thêm chả cua thịt đậu hũ, chả cua thịt huyết, huyết và đậu hũ sẽ tính giá 55.000 đồng một phần và khăn lạnh giá 3.000 đồng một cái. Khách đi xe máy cần trả thêm 5.000 đồng phí gửi xe gần quán.

(Theo GiadinhNet)

Nguồn: Vietnamnet.vn