Khi Covid-19 ập đến, không có khách quốc tế, khi hẫng hụt về nguồn khách và doanh thu mới thấy du lịch chưa đi bằng hai chân vững vàng. Cần nhìn nhận lại thị trường du lịch nội địa và có cách tiếp cận mới.
Đó là nhận định của Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng tại Diễn đàn du lịch nội địa – Động lực khôi phục du lịch Việt Nam trong bối cảnh bình thường mới, diễn ra ngày 15/4 tại Ninh Bình.
Đây là diễn đàn du lịch lớn nhất kể từ đầu năm, với sự tham gia của 500-600 doanh nghiệp du lịch, lữ hành nội địa cùng cơ quan quản lý du lịch các địa phương trong cả nước.
Phát biểu chỉ đạo, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng, thời gian qua, ngành du lịch luôn lấy thị trường quốc tế làm thước đo thành công và hiệu quả, cũng như luôn đánh giá cao chi tiêu của một du khách khách quốc tế dựa trên chi tiêu so với du khách trong nước.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Cần xác định du lịch nội địa là cứu cánh, là phương tiện bù đắp lại thiếu hụt về doanh thu, doanh số lợi nhuận từ khách quốc tế. |
Khi Covid-19 ập đến, gây ra một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng, khách quốc tế không có, ngành du lịch mới giật mình nhìn lại và nhận thấy lâu nay mới chú trọng đối tượng này mà bỏ lỡ một “trận địa” quan trọng là khách nội địa. Theo Bộ trưởng, cả sản xuất, kinh doanh đến quản trị, quản lý ngành du lịch chưa thực sự đi bằng hai chân.
Vì vậy, đây là thời điểm để chúng ta nhìn nhận lại, tìm cách tiếp cận mới để phát triển thị trường nội địa. “Bộ VH-TT&DL cũng đã có nhiều thông điệp, nhiều khuyến cáo và mong các doanh nghiệp chủ động phương án, xoay trục từ thị trường khách quốc tế sang thị trường nội địa. Chúng ta xác định du lịch nội địa sẽ là động lực, là cứu cánh để làm “nóng lại” thị trường du lịch và bù đắp sự thiếu hụt về doanh thu, doanh số, lợi nhuận và quan trọng hơn là phải hiểu sâu sắc hơn về một thị trường tiềm năng hơn 100 triệu dân trong nước” – Bộ trưởng nhấn mạnh.
Ông lý giải, trong bối cảnh dịch bệnh, khách nội địa là đối tượng mà ngành phải nghĩ đến để phục vụ, thu hút, tạo ra các tour tuyến mới, đổi mới phương pháp, cách làm, thu hút thì sẽ mở ra nguồn thu mới không kém khách quốc tế.
Do đó, tại Diễn đàn, lãnh đạo Bộ VH-TT&DL nêu ra một số giải pháp để các DN cùng thảo luận, đẩy mạnh phát triển thị trường du lịch nội địa.
Cụ thể, các doanh nghiệp du lịch, đặc biệt là lữ hành, cần sớm cơ cấu lại, có giải pháp để quản lý về nhân lực, nguồn lực; nghiên cứu lại thị trường nội địa, cơ cấu lại thị trường khách để điều tiết thị trường, xây dựng sản phẩm đúng với nhu cầu và chiến lược phải được tính toán lâu dài cho vấn đề phát triển thị trường du lịch nội địa.
Khách đổ xô đi du lịch trong nước từ đầu tháng 3 đến nay |
Đồng thời, liên kết du lịch phải dựa trên những sản phẩm du lịch có tính đặc biệt, đặc trưng, có tính thu hút cao và tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến, xây dựng thương hiệu, sản phẩm; kết nối các giá trị và lan tỏa những giá trị của sản phẩm để khơi lên nhu cầu du lịch của du khách; gắn du lịch, sản phẩm du lịch với yếu văn hóa.
“Điều quan trọng, 600 doanh nghiệp có mặt tại diễn đàn là 600 đơn vị tiên phong gương mẫu, đi đầu, tác động đưa du lịch nội địa thành dòng chủ đạo trong bối cảnh hoàn cảnh mới khi chúng ta chưa có điều kiện đầy đủ để mở cửa với khách quốc tế”, Bộ trưởng Hùng nói.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển du lịch Việt Nam – đánh giá, đại dịch Covid-19 bùng phát mặc dù đã gây thiệt hại rất lớn cho ngành du lịch. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để ngành du lịch nhìn nhận, đánh giá lại quá trình phát triển của mình, đặc biệt là với phát triển du lịch nội địa.
Bởi, đây là nguồn lực có đóng góp quan trọng trong sự phát triển của ngành. Nếu như năm 2011, khách nội địa mới chỉ đạt 30 triệu lượt thì đến năm 2019 con số này đã tăng lên 85 triệu lượt (gấp hơn 2,8 lần), tốc độ tăng trưởng bình quân đạt khoảng 15%/năm. Lượng khách tăng mạnh nhất vào năm 2015, với 57 triệu lượt khách, tăng 50% so với năm 2014 và tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao trong các năm tiếp theo.
Do đó, để tiếp tục thúc đẩy phát triển du lịch nội địa, ông Nguyễn Anh Tuấn lưu ý, các doanh nghiệp cần giải quyết đồng thời 2 thách thức: Nhân lực du lịch đang có xu hướng bị thu hẹp do những hậu quả của đại dịch Covid-19 và chuyển đổi số, phát triển du lịch thông minh, ứng dụng thương mại điện tử. Tuy nhiên, khả năng áp dụng công nghệ trong cung ứng các sản phẩm du lịch (lưu trú, vận chuyển, ăn uống và các dịch vụ liên quan,… ) còn hạn chế.
Ngọc Hà
Nguồn: Vietnamnet.vn