Bộ tộc nguyên thủy sống giữa rừng già ở Indonesia

0
16
Vũ khí của người Kombai là cung tên và rìu tự chế. Ảnh: Frederic Lagrange.

Qua nhiều thế hệ, tộc người Kombai vẫn sinh sống và săn bắn trong những khu rừng rậm ở Papua, Indonesia.

Wanggemalo, ngôi làng nhỏ ẩn trong rừng già của tỉnh Papua, Indonesia là nơi sinh sống của bộ tộc Kombai và nhiều người bản địa khác.

Vũ khí của người Kombai là cung tên và rìu tự chế. Ảnh: Frederic Lagrange.

Vũ khí của người Kombai là cung tên và rìu tự chế. Ảnh: Frederic Lagrange.

Để đến đây, bạn phải di chuyển vài ngày trong khu rừng nóng ẩm với những con đường bùn lầy và bệnh sốt rét luôn rình rập. Tuy nhiên, khi tiến gần đến nhà trên cây của người Kombai, những người lạ sẽ bị đàn ông trong bộ tộc chặn lại và kiểm tra. Họ mang theo cung tên, loại vũ khí làm từ xương đà điểu và thân mía khô.

Hàng ngày, đàn ông của bộ tộc đi săn lợn, đà điểu, thú có túi trong những khu rừng lân cận. Bạn đồng hành của họ là một loài chó nhỏ, có nhiệm vụ đánh hơi và săn mồi. Ngoài ra, người Kombai cũng thường câu cá bên suối. Họ xây dựng những đập nhỏ, sau đó giã rễ cây độc và thả xuống nước, chờ đến khi cá ngoi lên và bắt chúng.

Lợn được xem là tiền tệ ở bộ lạc Kombai. Khi người phụ nữ không may mất đi, gia đình của họ có thể bắt đền bằng lợn. Ảnh: Frederic Lagrange.

Lợn được xem là tiền tệ với người Kombai. Ảnh: Frederic Lagrange.

Đàn ông của bộ tộc có nhiệm vụ đốn hạ những cây cọ sago mọc trong rừng. Sau đó, phụ nữ và trẻ em gái làm khô ruột cây, nghiền nát và nướng chúng như một loại bánh mì, nhằm cung cấp thêm tinh bột trong khẩu phần ăn. Một cây sago lớn có thể cung cấp đủ thức ăn cho gia đình ít nhất một tuần.

Cây sago còn mang đến món ăn khác cho người Kombai là ấu trùng bọ cánh cứng Capricorn. Những người đàn ông thường đốn cây và quấn chúng bằng lá. Sau ba tháng, thân cây mục nát trở thành nơi sinh sản của những loài bọ cánh cứng. Lúc này họ quay lại và thu hoạch ấu trùng. Đối với người Kombai và bộ tộc láng giềng Korowai, đây là món ăn xa xỉ, thường được dùng để đãi khách trong những lễ hội truyền thống.

Người Kombai tận dụng nguồn nguyên liệu dồi dào của rừng già để làm trang phục. Đàn ông thường dùng quả bầu vỏ cứng hay mỏ chim để che dương vật, một số người còn đeo vòng cổ làm từ răng chó. Phụ nữ mặc váy cỏ và đội mũ, làm từ rêu khô hoặc lông vũ. Họ để trẻ nhỏ trong một chiếc túi bằng rễ cây, đeo lên trán và mang chúng vào rừng.

Dù dao rựa và kim loại dần trở nên phổ biến hơn, đàn ông Kombai vẫn mang theo một chiếc rìu tự chế, được làm từ một mảnh đá gắn vào khúc cây. Chúng thường được lưu giữ và truyền lại qua nhiều thế hệ trong mỗi gia đình.

Để bảo vệ bộ tộc khỏi lũ lụt, động vật hoang dã và chống lại kẻ thù, người Kombai dựng nhà cây cao 6-25 m so với mặt đất, mái làm từ tán cây sago. Cách duy nhất để tiếp cận nhà của họ là trèo lên một chiếc thang làm từ thân cây. Tuy nhiên, chỉ đàn ông trong bộ tộc được ngủ trên nhà cây, còn phụ nữ ở lại trong ngôi nhà nhỏ dưới mặt đất. Phần lớn thời gian trong ngày họ không ở hay ăn uống cùng nhau.

Những ngôi nhà trên cây được xây dựng cao từ 6-25 m, thậm chí là cao tới 50 m trong thời điểm xung đột giữa các bộ tộc. Ảnh: Frederic Lagrange.

Ngôi nhà trên cây có thể dựng cao tới 50 m trong thời điểm xung đột giữa các bộ tộc. Ảnh: Frederic Lagrange.

Kể từ lần đầu tiên được phát hiện bởi một nhà truyền giáo người Hà Lan cách đây gần 40 năm, cộng đồng Kombai hiện còn khoảng 4.000 người. Ngày nay, lãnh thổ và lối sống nguyên thủy của bộ tộc Kombai bị đe dọa nghiêm trọng bởi nạn phá rừng, sự bất ổn chính trị, khai thác và buôn bán gỗ. Những người bản địa trên hòn đảo là hy vọng cuối cùng để bảo vệ vùng đất mà tổ tiên của họ đã sinh sống hàng nghìn năm.

Lan Hương (Theo Mapita)

Nguồn: Vnexpress.net