Biển, đi ra bãi biển

0
12
/// Ảnh minh họa: TNO

Không chỉ riêng lần đầu tôi đi biển Ninh Thuận, tìm mãi không có lối ra bãi biển vì gặp phải những tường rào dự án.

/// Ảnh minh họa: TNO – Ảnh minh họa: TNO

Người dân ven biển Ninh Thuận bảo rằng “đi ra bãi biển của mình mà khó tìm lối ra bãi trước, khéo rồi không còn lối ra biển bãi sau nữa”. Lần này tôi ra Bãi Cháy, Hòn Gai (Quảng Ninh), quãng đường biển khoảng mười cây số đã có những tòa nhà đang sơn xanh, hồng, trắng, xây bốn tầng, mái úp bê tông… ngự hết đường ra bãi biển.
Chỉ có lối nhỏ ra đảo Rều, một cậu bảo vệ tuýt còi bảo tôi phải trình giấy tờ. Tôi hỏi: “Đi dạo bãi biển cũng phải xuất trình giấy tờ sao?”. Cậu bảo vệ tòa nhà bảo: “Không giăng sao gì cả, ở đây có camera tốt nhất, bác lên chỗ nhà sơn trắng kia mua vé ba trăm ngàn đồng, ra bãi sau đảo mà chơi, rồi theo tàu sang đảo Rều ngó nghiêng cho thích”. Đảo Rều ngày xưa trong ước mơ rêu phủ của bao người dân biển, nơi vốn thơ mộng và hoang sơ, thì nay tầm nhìn của biển như hẹp và chật lại, nhìn nơi đâu cũng bê tông hóa, nhìn đâu cũng thấy công trường.

Cung đường năm xưa đến Cao Xanh, bãi cát đã không còn. Những thứ thiên nhiên của rong rêu, mướt xanh cứ trôi dạt đi đâu cả, chẳng còn nữa mênh mông cát và mênh mông biển. Những năm trước, tôi đã từng ngồi thuyền nan đi biển với chị Thúy Mơ. Chị đưa tôi lên một bãi gần chân núi đá, nướng cá hồng, tu hài và sò huyết mua trên chợ biển ăn. Khói củi và cá biển bên cạnh rong rêu và đá xám.
Ngày ấy, vừa ăn vừa trò chuyện, chị Thúy Mơ chỉ ước ao được lên đất liền. Lần này gặp chị Mơ, chị kể dân chài nhiều người đã lên đất liền, “được tạo nhà ở, cho con cái học hành là sướng rồi”. Nhưng chồng chị Mơ thì vẫn “một thuyền một biển; ông nói nhớ biển nên cứ để ông sống trên nước và cũng thích ngủ dưới nước, chắc lúc chết ông ấy cũng muốn ở dưới nước luôn”, chị Mơ kể thế.
Đôi lần một tháng ông gọi điện cho vợ à ơi, vẫn đi câu tôm câu mực. Thôi thì cứ thuận theo biển, để ông ấy sống tự lo cho mình. Ngoài biển ông ấy khỏe lắm. Cứ lên bờ là kêu ốm. Không sao lý giải được. Có thời ở nhà bốn mẹ con đi buôn cá từ ba giờ sáng trên tàu, rồi chở về chợ Cái Dăm bán lẻ; nay con gái lớn phổng phao, đi chạy bàn tiếp thực ở phố giả cổ, cũng đủ cái ăn cho riêng nó. Thằng con trai thứ của chị đi trông xe đạp xích lô cho phố đi bộ. Một mình chị Thúy Mơ, bỏ thuyền nan, nuôi một đứa con trên đất liền cũng không còn khó khăn nữa.

Trời luôn chia nắng cho người khờ khạo như chị. Nhờ trời được nhất là ba đứa con khỏe mạnh, biết đọc và biết viết là chị sướng nhất. Sợ nhất là ba đứa mù chữ… Lần này chị Thúy Mơ khoe với tôi rồi cạn cốc nước chanh đá bảo có dịp đi Hà Tu nhớ xuống chơi nhà chị…
Cát ở bãi biển ở đâu cũng là cát, nhưng giờ ra đến Bãi Cháy phải đi vòng vèo rất xa mới tới. Nếu chịu khó đi xe ôm xuống phía vịnh Bái Tử Long, thì vẫn còn cung đường rất thoáng nhìn thuyền và biển. Biển có bãi trước bãi sau nhưng Bãi Cháy giờ đây không còn thấy bờ cát chạy dài như mơ nữa.

Nguồn: Thanhnien.vn