Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cho rằng nguồn thu TP.HCM đóng góp cho ngân sách quốc gia chiếm tỷ trọng lớn nhưng phần được giữ lại khá ít dẫn đến thiếu vốn đầu tư hạ tầng.
Chiều 12/4, tại buổi làm việc của Thủ tướng với UBND TP.HCM, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể lo ngại tình trạng kẹt xe ở TP.HCM nếu không được giải quyết sẽ khiến nền kinh tế thành phố bão hòa và không thể phát triển thêm được nữa.
Ông Thể nhận định TP.HCM là đô thị lớn nhất nước, đông dân nhất nước và ùn tắc giao thông cũng nghiêm trọng nhất nước. Người đứng đầu Bộ GTVT dẫn chứng con số 85% diện tích của TP.HCM đã bị đô thị hóa, muốn có thêm động lực phát triển thì cần phải có hệ thống đường vành đai, cao tốc, vệ tinh.
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể lo ngại tình trạng kẹt xe ở TP.HCM càng thêm nghiêm trọng nếu không đầu tư các tuyến vành đai. Ảnh: Nguyên An |
TP.HCM có 5 tuyến quốc lộ hướng tâm nhưng mặt đường đều nhỏ hẹp, nếu đầu tư mở rộng cần nhiều thời gian, công sức, tiền bạc vì dân cư đã ổn định. Ngoài ra, 4 đường vành đai dù được thi công nhưng đến nay vẫn chưa khép kín được (hiện còn 13 km nữa).
Muốn phát triển, ông Thể cho rằng TP.HCM cần phải làm thêm các tuyến vành đai, đặc biệt là vành đai 3 và 4 giữ vai trò quan trọng để tạo ra một lộ trình mới, tránh tình trạng đi xuyên tâm.
“Các tuyến đường vành đai không chỉ giúp TP có thêm động lực phát triển mà còn giúp cả các tỉnh miền Đông và miền Tây. Bộ đã có nghiên cứu dự án đường vành đai 3 hoàn chỉnh, hiện chỉ còn tính giải pháp nào để dự án hoàn thành càng sớm càng tốt”, ông Thể thông tin.
Giải đáp cho câu chuyện TP.HCM phải đối phó với tình trạng kẹt xe, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân, cho rằng nguyên nhân chính là do thành phố vẫn khó khăn trong việc tái đầu tư cho hạ tầng. Cụ thể, nguồn thu đóng góp cho ngân sách quốc gia chiếm tỷ trọng lớn nhưng phần được giữ lại khá ít dẫn đến thiếu vốn đầu tư.
Ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy TP.HCM cho rằng thành phố bị mất cân đối trong nguồn vốn đầu tư hạ tầng Ảnh: Nguyên An |
Ông Nguyễn Thiện Nhân dẫn chứng qua các con số như TP.HCM có dân số chiếm 9,5%, lao động chiếm 82%, đóng góp 27% ngân sách cả nước nhưng chỉ được sử dụng 5,2% nguồn thu. “Đó là sự mất cân đối khá trầm trọng, nếu tính bình quân thì lẽ ra 9,5% dân số sẽ được dùng 9,5% ngân sách”, ông Nhân so sánh.
Ngoài việc thiếu nguồn vốn thì còn do phân cấp quản lý các công trình mà cụ thể là hầu hết công trình lớn thuộc bộ quản lý như các tuyến vành đai, quốc lộ, metro,…
Để đẩy nhanh tiến độ tuyến Vành đai 3, UBND TP.HCM đã kiến nghị Thủ tướng cho phép thành phố được tạm ứng nguồn vốn đề giải phóng mặt bằng. Ông Nguyễn Thiện Nhân cho rằng nếu như đợi đến khi có đủ vốn, nghĩa là qua nhiệm kỳ sau thì chi phí sẽ rất đắt, khi đó tổng vốn đầu tư sẽ bị đội lên. Việc giải phóng mặt bằng trước cũng sẽ tạo ra quỹ đất 2 bên đường để kêu gọi đầu tư theo hình thức đối tác công tư.
Nguồn: News.zing.vn