Nếu ai thích thú và từng đến Bali thì hẳn đều biết nơi này không chỉ đẹp đến tê tái với những biển xanh, cát trắng mà còn là một vùng đất Phật với rất nhiều ngôi đền. Bali từng gây chấn động báo giới và các nhà nghiên cứu trong suốt một thời gian dài trước thông tin về một “ngôi chùa hơn 2000 năm tuổi” chìm sau dưới đáy đại dương. Ngôi chùa ấy bây giờ ra sao?
Bí ẩn dưới đại dương. -Ảnh: destinationtour
Không gây ấn tượng với lối kiến trúc độc đáo, phá cách, vượt ra mọi quy chuẩn; ngôi chùa hôm nay chúng ta nhắc tới lại khiến thế giới phát sốt lên bởi sự bí ẩn đến kinh ngạc. Ngôi chùa ấy “không còn nguyên” dáng vẻ lộng lẫy nguy nga, mà thay vào đó là những mảnh ghép tưởng chừng như của một quần thể đồ sộ bị vùi lấp bởi nước cả ngàn năm.
Sự khó tin dưới lòng biển. -Ảnh: balitribune
Theo tư liệu ảnh chụp lại dưới lòng đại dương, ngôi chùa này có rất nhiều nét kiến trúc phảng phất Borobudur, có điều trông “cũ kỹ” hơn. Khi mới phát hiện ra ngôi chùa với rất nhiều tượng phật, di tích kiến trúc, các nhà nghiên cứu căn cứ vào kiến trúc và kiểu dáng, suy đoán rằng ngôi chùa này có cùng niên đại với đền thờ Borobudur tức là vào thế kỷ 7-8 sau công nguyên.
Đại dương và muôn vàn câu hỏi. -Ảnh: oriannabalitours
Để đưa ra lời nhận định này, các nhà khoa học dựa vào một số yếu tố lịch sử, cũng như hiểu biết về thời kỳ hưng thịnh của Phật giáo ở Quốc gia Srivijaya (thế kỷ 7-8). Cộng với đó là những kiến tạo nền đá đặc trưng đồng thời là vị trí khá gần so với Borobudur.
Đại dương diệu kỳ. -Ảnh: vogueresorts
Ngoài ra, một giả thiết nữa được đặt ra, đó là ngôi chùa bị vùi lấp này nằm ở khu vực núi lửa hoạt động mạnh từ xưa đến nay. Những vụ hoạt động thường xuyên của núi lửa vào thời gian trước đã làm thay đổi vỏ trái đất. Điều này cũng sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến các di tích, ngay cả di tích bằng đá. Việc một ngôi chùa bị chôn vùi dưới lòng đại dương nghe chừng là một điều hoàn toàn có thể xảy ra ở đất nước triệu đảo.
Những thứ bị “vùi lấp”. -Ảnh: bali.newamazing
Xem thêm: Các khách sạn tại Bali
Thế nhưng, câu chuyện có dừng lại ở đây? Ngôi chùa này thực sự có niên đại cả ngàn năm và bị vùi lấp dưới đáy biển bởi tác động của thiên nhiên?
Những bức ảnh thu lại từ các cuộc lặn biển, cùng với những lý giải khoa học khiến người ta gần như tin vào một thế giới đã ẩn mình dưới lòng đại dương suốt nhiều năm. Tuy nhiên, sự thực về nó lại còn khiến người ta bất ngờ hơn cả khi khám phá nên quần thể kiến trúc này.
Con người tạo nên những bất ngờ còn hơn cả đại dương. -Ảnh: huodong.ctrip
Theo như thông tin mới nhất về ngôi chùa thì đây không phải là một kiến trúc cổ xưa bị chôn vùi dưới lòng đại dương. Nó là một sản phẩm được làm nên bởi con người, chính con người hiện đại đã xây dựng và đưa những bức tượng, “những di tích” xuống dáy biển. Nguyên cớ đâu lại có sự việc này?
Vì sao có công trình này? -Ảnh: Shutterstock
Trên thực tế, công trình “bị vùi lấp” này thuộc một chương trình bảo tồn của Indonesia. Tổng quan kiến trúc bao gồm 10 bức tượng và 1 ngôi chùa, được tài trợ bởi Cơ quan Phát triển Quốc tế Úc (AusAid), đặt ở độ sâu 29m. Những tróc vẩy, những hỏng hóc, những cũ kỹ đều do một tay con người tạo nên, không phải do tác động của thiên nhiên, của núi lửa như những phỏng đoán trước đó.
Những cũ kỹ do chính con người tạo ra. -Ảnh: lnanews
Công trình này như một trò đùa? Như một cái tát vào giới chuyên gia? Không đâu. Có thể ngôi chùa đã làm náo loạn giới truyền thông, náo loạn các nhà khoa học trong một thời gian nhưng chắc chắn nó không phải là một trò lừa gạt. Hình ảnh những bức tượng bị chôn vùi dưới đáy biển làm con người ý thức hơn bao giờ hết việc bảo tồn các di tích.
Hơn bao giờ hết, con người cần có ý thức về bảo tồn. -Ảnh: lepotamira
Một ngôi chùa dưới lòng biển đưa cho người ta nhiều trăn trở lắm. Liệu, đến khi nào những thành tựu của văn minh nhân loại sẽ bị vùi lấp đi? Liệu, sau này con cháu chúng ta có đi khai quật những thứ thuộc về thời đại hôm nay và mất rất nhiều công sức để lý giải chúng? Con người ai cũng sẽ trở về với cát bụi. Thế nhưng, những thành quả mà con người làm ra nếu được bảo tồn sẽ ở lại lâu dài với hậu thế, để đời sau không phải thắc mắc quá nhiều việc khi xưa cha ông chúng đã sống như thế nào…
Chuyện cha ông ngày sau sẽ là chuyện của con cháu. -Ảnh: EunJae Im
Vào năm 2006, giai đoạn thứ hai của công trình này được tiến hành ở độ sau 15m, dành cho những vị khách ít có kinh nghiệm lặn biển có thể tự tin tới Bali để trải nghiệm một phần tuyệt tác của con người này. Dù là di tích cổ hay không thì đó chắc chắn là kết quả sau một quá trình làm việc vất vả và tỉ mỉ. Những người có cơ hội chiêm ngưỡng nên tự hào về điều đó.
Trân trọng văn hóa và truyền thống. -Ảnh: Paul M Turley
Xem thêm: Các khách sạn tại Indonesia
Hẳn bạn từng có những phút mơ mộng tới Bali. Hãy phấn đấu để giấc mơ ấy có thể trở thành hiện thực. Và khi giấc mơ ấy đã là hiện thực, hãy khám phá trọn vẹn hòn đảo lắm cảnh đẹp, lắm văn hóa này. Mong bạn luôn vui và sống hết mình với tuổi trẻ và những hành trình.
Iki Oleo – Camnangdulich.vn
Lưu ý: Nội dung bài viết thuộc bản quyền của Camnangdulich.vn (Không bao gồm hình ảnh). Mọi sao chép cần ghi rõ nguồn, tên tác giả, nhiếp ảnh gia cùng với liên kết về nội dung tương ứng tại Camnangdulich.vn.
Nguồn: News.zing.vn