Là một trong bảy kỳ quan thiên nhiên thế giới mới, Vịnh Hạ Long không chỉ quan trọng với Quảng Ninh, mà còn mang tầm quốc gia. Kiên định quan điểm phát triển du lịch bền vững, mang đẳng cấp quốc tế, Quảng Ninh đặc biệt quan tâm bảo vệ môi trường sinh thái, giữ bằng được những giá trị nguyên bản của vịnh Hạ Long…
Trước hết phải khẳng định, vịnh Hạ Long vẫn là trụ cột trong chiến lược phát triển du lịch, đặc biệt thu hút du khách quốc tế đến với Quảng Ninh. Bản thân chính quyền địa phương cũng xác định, du lịch biển đảo là dòng sản phẩm chủ đạo, cốt lõi, tạo nên sự khác biệt của Quảng Ninh so với các địa phương khác. Sau nhiều năm “tự do”, vịnh Hạ Long đang chịu nhiều sức ép về môi trường sinh thái bởi nhiều tác nhân như: Biến đổi khí hậu, các hoạt động KTXH… Chủ tịch UBND TP Hạ Long, Trưởng Ban quản lý vịnh Hạ Long Phạm Hồng Hà cho biết, TP rất quan tâm và đã có biện pháp cụ thể để ngăn chặn sự xâm hại mang yếu tố con người. Đơn cử như việc đưa vào đồng bộ hệ thống thu gom rác thải và giám sát hoạt động thu gom rác thải trôi nổi trên vịnh; hệ thống di động phục vụ nhu cầu vệ sinh cá nhân của du khách… Từ 2016, thành phố quyết định cấm hoàn toàn dịch vụ ăn uống, ca nhạc trong các hang động trên vịnh, cấm nấu ăn trên tàu du lịch, cấm dịch vụ chèo thuyền… Ngoài ra, việc cấp giấy phép cho các phương tiện phục vụ kinh doanh nghỉ dưỡng trên biển cũng được kiểm soát gắt gao…
Cùng với việc bảo vệ môi trường sinh thái, Quảng Ninh cũng chú trọng bảo tồn tài nguyên biển. Sẽ rất khó phát triển nếu để xảy ra tình trạng biển chết, tức là mất đi hệ sinh thái dưới biển thì vịnh Hạ Long sẽ không còn sự hấp dẫn nữa. Thực tế, chỉ riêng các loại cá con mà ngư dân đánh bắt tận diệt bán cho các cơ sở nuôi cá trên vịnh Hạ Long, Bái Tử Long mỗi năm lên tới khoảng 140 tấn. Đây là nguồn cá giống khổng lồ, nếu được đánh bắt hợp lý, sẽ bổ sung nguồn lợi thủy sản cực lớn cho các ngư trường. Mới đây, trong lần đi kiểm tra bất ngờ một vài tàu đánh cá trên vịnh Hạ Long, Bái Tử Long, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Văn Đọc yêu cầu cấm ngay hoạt động đánh bắt, khai thác thủy sản bằng mọi hình thức trong vũng lõi vịnh Hạ Long và có lộ trình cấm đánh bắt cả trong vùng đệm, nhằm bảo vệ, gìn giữ nguồn lợi thủy hải sản.
Ngày 21.11 vừa qua, UBND TP Hạ Long tiếp tục ban hành kế hoạch bảo tồn và phát huy một số giá trị văn hóa tiêu biểu của những làng chài có tuổi đời hàng trăm năm trên vịnh. Cụ thể, tại khu vực làng chài Cửa Vạn trước đây, sẽ xây dựng Trung tâm Văn hóa nổi Cửa Vạn nhằm trưng bày, giới thiệu đời sống sinh hoạt, phương thức kiếm sống của ngư dân giai đoạn trước và sau khi di dời. Tại đây còn tổ chức chiếu phim tư liệu tái hiện đời sống vật chất, tinh thần của ngư dân, truyền dạy, trình diễn hát giao duyên, hát đám cưới, hò biển. Bên cạnh đó, tái hiện mô hình lớp học nổi trẻ em làng chài, trình diễn tổ hợp đan lờ, đan lưới, sửa chữa ngư cụ. Ngoài ra, du khách có thể trải nghiệm làm ngư dân trên vịnh Hạ Long.
Kế hoạch trên được coi là động thái nhằm bảo tồn, phát huy bền vững, tránh làm mai một giá trị văn hóa tiêu biểu của ngư dân làng chài. Đồng thời tạo sản phẩm du lịch độc đáo, tăng thêm sức hấp dẫn, thu hút và kéo dài thời gian tham quan của khách du lịch trên vịnh Hạ Long. Đây cũng là yếu tố để phát huy vai trò, trách nhiệm của cơ quan quản lý, chính quyền địa phương, cộng đồng ngư dân và khách du lịch trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa làng chài trên vịnh Hạ Long.
Theo Tổng cục du lịch
Nguồn: Dulich.vtv.vn