Hà Nội 7 bộ trang phục trưng bày tại tầng 4 của bảo tàng Phụ nữ Việt Nam kể lại quá trình ra đời, cách tân của tà áo dài.
Mẫu vật tà áo dài Việt Nam qua các thời kỳ được đặt tại khu vực Thời trang nữ ở tầng 4 của bảo tàng Phụ nữ Việt Nam. Bên dưới mỗi bộ trang phục là phần chú thích 3 thứ tiếng: Việt, Anh và Pháp.
Áo dài được cho là có nguồn gốc từ áo giao lãnh, tiền thân của áo tứ thân sau này (bộ ở giữa), tuy nhiên 2 thân trước để giao nhau, không buộc lại.
Áo tứ thân được may bằng vải thô, mặc ngoài yếm lót, kết hợp với váy và thắt lưng. Vào thế kỷ 19, vua Minh Mạng có chiếu cấm mặc váy nhưng ở nhiều vùng nông thôn, trang phục này vẫn phổ biến.
Những năm 1930, họa sĩ Cát Tường đã thực hiện cải cách cơ bản trên chiếc áo tứ thân của người Việt. Trang phục này được gọi là áo dài Lemur, gồm 2 vạt trước, đáp eo, mặc với quần satanh trắng ống loe.
Theo thuyết minh tại bảo tàng, năm 1934, họa sĩ Lê Phổ đã tạo ra những mẫu áo dài mới, với phần thân ôm sát người và tà áo mềm mại. Áo dài Việt Nam được định hình cơ bản từ đây.
Năm 1950, những chiếc áo dài được cải cách với phần cổ cắt thấp và thêm họa tiết trang trí. Năm 1960, áo dài có thêm phần tay giáp lăng, giúp xóa đi những nếp nhăn xuất hiện trên áo dài phiên bản trước đó. Trên ảnh là mẫu áo phổ biến năm 1940 – 1960.
Từ năm 1971 đến 1975, áo dài được may từ vải tổng hợp. Áo có vạt ngắn, bó eo và được trang trí với các họa tiết.
Khu vực còn trưng bày nhiều mẫu áo dài ngày nay, để thể hiện sự phong phú về chất liệu vải, kiểu dáng và họa tiết. Trên ảnh là áo dài của 2 nhà tạo mẫu Ngân An và Minh Hạnh.
Du khách Ethan, Australia chia sẻ, anh biết tới bảo tàng thông qua lời giới thiệu của bạn mình. “Áo dài Việt Nam rất đẹp, các thiết kế đã dần trở nên thời trang hơn qua các thời kỳ. Tôi đoán rằng mỗi chiếc áo đều lưu giữ một dấu ấn về lịch sử”, Ethan nói.
Ngoài áo dài, tầng 4 còn trưng bày nhiều y phục của phụ nữ các dân tộc thiểu số Việt Nam; trang sức; phụ kiện; dụng cụ nhai trầu, nhuộm răng.
Trên ảnh là chiếc nón Bình Định năm 1986 được làm từ vành tre, lá nón và hoa văn sợi len.
Bảo tàng nằm tại số 36, đường Lý Thường Kiệt được thành lập năm 1987, trực thuộc Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Nơi đây gồm một sảnh đón tiếp và 3 tầng trưng bày thường xuyên với 25.000 mẫu vật về các chủ đề: Phụ nữ trong gia đình, Phụ nữ trong lịch sử và Thời trang nữ.
Mở cửa từ 8 giờ đến 17 giờ (thứ 2 đến chủ nhật), mỗi ngày bảo tàng đón khoảng 300 – 350 khách. Vé vào cửa bảo tàng là 30.000 đồng một người. Du khách có thể thuê thiết bị thuyết minh tự động với giá 30.000 đồng.
Trên ảnh là khu vực trưng bày tranh cổ động, ở tầng 3 Phụ nữ trong lịch sử.
Lan Hương
Nguồn: Vnexpress.net