Không gian bảo tàng trưng bày những chiếc áo dài qua các thời kỳ, từng được các nhân vật nổi tiếng ở Việt Nam mặc.
Bảo tàng Áo dài (đường Long Thuận, quận 9) do nhà thiết kế thời trang Sỹ Hoàng xây dựng và khánh thành năm 2014. Công trình là một trong hai bảo tàng tư nhân của TP HCM.
Nhà trưng bày các mẫu áo dài rộng khoảng 200 m2, được thiết kế theo kiểu nhà dài với hệ khung gỗ và mái ngói âm dương. Nơi đây trưng bày khoảng 150 mẫu áo dài.
Bên phải (theo lối vào) giới thiệu lịch sử áo dài qua từng thời kỳ. Bên trái là các bộ áo dài gắn với những người phụ nữ Việt Nam có những đóng góp lớn trong các lĩnh vực chính trị – xã hội ở thế kỷ 20.
Ngay lối vào là chiếc áo dài trong cung đình của vương triều Nguyễn vào thế kỷ 19 được phục dựng lại.
Những bộ áo dài cho cả nam và nữ mặc trong lúc biểu diễn nhã nhạc cung đình Huế.
Chiếc áo dài Le Mur đã có phần mục nát là kỷ vật tình yêu của một đôi vợ chồng từ năm 1940 và từng được chôn giấu qua chiến tranh loạn lạc. “Le Mur” là cách dịch sang tiếng Pháp của họa sĩ Nguyễn Cát Tường. Vào thập niên 30, ông đã thực hiện một cải cách quan trọng trên chiếc áo tứ thân để biến nó chỉ còn lại hai vạt trước và sau như ngày nay.
Các mẫu áo dài tân thời theo từng mùa của thập niên 1930 – 1940 được trưng bày. Từ năm 1934, phong trào cải cách y phục phụ nữ, cũng chính là phong trào Le Mur từ Hà Nội lan truyền ra các tỉnh thành trong nước, chinh phục nữ giới ở nhiều tầng lớp xã hội khác nhau.
Kiểu mẫu áo dài những năm 1950 mà phụ nữ miền Nam thường mặc.
Áo dài của nữ tướng – anh hùng Nguyễn Thị Định, cùng bức tượng bán thân của bà.
Chiếc áo dài bên trái từng được nhà ngoại giao Nguyễn Thị Bình mặc. Bên cạnh là áo dài của nguyên Phó chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa.
Từ trái qua là hai bộ áo dài của nghệ sĩ Phùng Há và Bạch Tuyết, hai người nổi tiếng trong bộ môn nghệ thuật cải lương.
Chị Thùy Chi (33 tuổi) ngắm nhìn những chiếc áo dài của các đạo Phật, Cao Đài, Công giáo… “Những bộ áo dài được trưng bày đều rất đẹp, phong phú, giúp tôi hiểu thêm về sự phát triển của trang phục truyền thống Việt Nam”, chị Chi nói.
Những mẫu vải, bộ đồ nghề để may áo dài được trưng bày.
Bảo tàng nằm trong khu vườn 20.000 m2, không gian mang đậm bản sắc miền quê Việt Nam với những nếp nhà mang kiến trúc truyền thống, có màu sắc thiền tịnh. Bảo tàng mở cửa từ 8h đến 17h mỗi ngày. Giá vé tham quan 100.000 đồng, học sinh – sinh viên 30.000 đồng, miễn phí cho trẻ dưới 6 tuổi và người trên 70 tuổi.
Quỳnh Trần
Nguồn: Vnexpress.net