Báo Mỹ: Việt Nam thắng lớn trong thượng đỉnh Trump – Kim

0
7
Bữa tối giữa hai nhà lãnh đạo vào ngày 26/2. Ảnh: Nhà Trắng.

Một chuyên gia nhận định thượng đỉnh Mỹ – Triều là cơ hội tuyệt vời để Hà Nội quảng bá vẻ đẹp và lòng hiếu khách của người Việt.

Việt Nam có khoảng hai tuần để chuẩn bị tổ chức hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Kim Jong-un, tiếp đón hàng nghìn nhà báo nước ngoài, đảm bảo an ninh.

Cuộc gặp gỡ thứ hai giữa hai nhà lãnh đạo kết thúc mà không đạt thỏa thuận nào về chương trình hạt nhân của Triều Tiên. Tuy nhiên, Los Angeles Times nhận định sự kiện này vẫn mang lại những giá trị nhất định.

Bữa tối giữa hai nhà lãnh đạo vào ngày 26/2. Ảnh: Nhà Trắng.

Bữa tối giữa hai nhà lãnh đạo vào ngày 26/2. Ảnh: Nhà Trắng.

“Thượng đỉnh kết thúc sớm, nhưng có ít nhất một bên thắng lớn, chính là Việt Nam”, theo Alexander Vuving, Phó giáo sư tại Trung tâm nghiên cứu An ninh châu Á – Thái Bình Dương ở Honolulu (Hawaii, Mỹ).

“Đó là một cơ hội tuyệt vời để Hà Nội quảng bá vẻ đẹp, lòng hiếu khách và khẳng định với thế giới mô hình đổi mới kinh tế và định hướng chính sách đối ngoại của Việt Nam”, ông Vuving nói.

Theo báo Mỹ, trải qua chưa đầy nửa thế kỷ, Việt Nam đã bỏ lại nỗi đau chiến tranh, nắm vai trò chủ nhà cho hội nghị thượng đỉnh, đưa đất nước này trở thành tâm điểm của thế giới.

Metropole, khách sạn nổi tiếng nhất Hà Nội, là nơi Trump và Kim gặp gỡ, ăn tối và chụp ảnh. Tòa nhà di sản với kiến trúc Pháp này đã đem đến một không gian tao nhã cho cuộc gặp căng thẳng giữa hai nhà lãnh đạo.

Khách sạn nơi Trump - Kim gặp gỡ có những bức tường quét vôi trắng, những cửa hiệu xa hoa theo phong cách Paris và nội thất gỗ bóng bẩy. Ảnh: Reuters.

Khách sạn nơi Trump – Kim gặp gỡ có những cửa hiệu xa hoa theo phong cách Paris và nội thất gỗ sang trọng. Ảnh: Reuters.

Nền kinh tế hiện đại hóa của Việt Nam như được thu nhỏ trong những khách sạn năm sao đón tiếp phái đoàn Mỹ – Triều. Đây chính là mô hình Mỹ hướng đến cho tương lai của Triều Tiên, nếu như đất nước này từ bỏ chương trình hạt nhân và chấm dứt tình trạng cô lập với thế giới.

“Chúng tôi đều cảm thấy rất tuyệt khi cuộc gặp thượng đỉnh quan trọng được tổ chức tại Việt Nam vì các bạn chính là một minh chứng điển hình cho những thành tựu có thể đạt được nhờ đường lối đúng đắn”, ông Trump nói trong cuộc hội đàm Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ngày 27/2.

Việt Nam gặp không ít thách thức trong khâu chuẩn bị khi phải kiểm soát an ninh trước thềm hội nghị Mỹ – Triều, bởi sự kiện này diễn ra tại thủ đô nhộn nhịp có tới 9 triệu người sinh sống. Hà Nội nổi tiếng với hình ảnh khách bộ hành len lỏi qua những làn ôtô và xe máy, mọi người ung dung ngồi cà phê vỉa hè, xì xụp bún phở hay uống bia. 

Nhiều doanh nghiệp nhỏ đã tìm cách tận dụng thời cơ hội nghị thượng đỉnh bằng cách bán áo phông in hình Trump – Kim, vẽ tranh, cắt tóc theo kiểu mẫu đặc biệt của hai nhà lãnh đạo, thậm chí một quán bar còn ra mắt ly bia đặc biệt mang tên Kim Jong Ale…

Burger Trump - Kim giá từ 150.000 đồng trong phố cổ Hà Nội. Ảnh: Phong Vinh.

Burger Trump – Kim giá từ 150.000 đồng trong phố cổ Hà Nội. Ảnh: Phong Vinh.

“Việt Nam cởi mở với bất kỳ điều gì”, chị Nguyễn Thanh Hà, 40 tuổi, nói khi ngồi uống bia tại một quán ngoài trời vài giờ sau khi cuộc gặp thượng đỉnh chấm dứt. “Chúng tôi từng hy vọng Hà Nội sẽ nổi tiếng và ghi danh trong một hiệp định hòa bình. Chúng tôi đã cho thế giới thấy rằng đây là một đất nước an toàn và thân thiện”, chị chia sẻ.

Trước đó, trong cuộc họp báo ngày 1/3, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết: “Việt Nam chưa tổng hợp chi phí nhưng có thể nói là không nhiều và trong số đó có sự chung tay của một số doanh nghiệp”.

Ông Dũng nhấn mạnh: “Việt Nam đạt được rất nhiều từ việc đăng cai hội nghị, có những điều nhìn thấy ngay và cũng có những việc cho lâu dài”.

Xem thêm: Cơ hội lịch sử của du lịch Việt Nam từ hội nghị Mỹ – Triều

Nguồn: Vnexpress.net