Bản Đoòng trong mây – Ảnh: H.S.
Là bản nhỏ của người Bru – Vân Kiều, bản Đoòng (xã Tân Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình) chỉ có 9 nóc nhà và 42 người, với đời sống tự cung tự cấp nên ở đây vẫn còn giữ được nét hoang sơ của đất và người. Chính vì vậy mà nhiều du khách trước hoặc sau khi đã vào Sơn Đoòng trở về đều muốn ghé lại bản Đoòng.
Cung đường trải nghiệm
Trên đường Hồ Chí Minh (nhánh Tây), tại ngã ba Trạ Ang theo đường 20 Quyết Thắng đến km37 là đến chỗ cắt vào một đường độc đạo giữa vùng lõi của rừng Phong Nha – Kẻ Bàng, bắt đầu hành trình vào với bản Đoòng. Con đường nhỏ xuyên sâu giữa rừng cây nguyên sinh với nhiều tầng lá dày tạo cảm giác hun hút, càng đi càng… xa. Đường đi dọc theo thung lũng Rào Thương có nhiều đoạn suối và các bãi đất cát bồi, nếu để ý kỹ sẽ thấy còn in những dấu chân của muông thú đi kiếm ăn qua lại.
Nhiều triền núi có suối nước chảy dưới chân tạo ra các hang nhỏ, có cửa nằm sát trên mặt nước hay nằm chìm lờ mờ dưới mặt nước tạo ra khung cảnh ngoạn mục khác thường. Sau ba giờ cuốc bộ trên những lối mòn ngoằn ngoèo, vượt qua các con dốc cao có nơi như dựng đứng với nhiều triền đá tai mèo sắc và trơn trượt, hay lội qua những đoạn suối nước trong vắt vào mùa hè sẽ đến bản Đoòng.
Bản nằm nhô cao một chút giữa thung lũng khá bằng phẳng. Từ xa trông như đang chông chênh giữa màu xanh ngút mắt của cây rừng nguyên sinh. Bao bọc bản là những vòng núi đá cao, lô nhô. Nhiều buổi chiều sương mù buông xuống từng mảng, hay mây trắng sà chờn vờn trên nóc bản tạo cảnh sắc huyền diệu đến vô cùng. Quanh bản là những cánh rừng nguyên sinh tươi tốt, từng có bò tót sinh sống nên còn được gọi là vùng Hung bò tót.
Đây cũng là nơi có cây gùa cổ thụ gốc đến 12 người ôm mới xuể, độ tuổi được nhận định gần 1.000 năm. Du khách có thể đến chiêm ngưỡng để cảm nhận thời gian xa xôi, đằng đẵng được kết tinh trong thân hình xù xì, bong tróc của cây gùa này. Do nằm ở độ cao 1.000m nên nhiệt độ ở bản Đoòng luôn ở mức dưới 25oC. Du khách sau một chặng đường dài đi bộ xuyên rừng sẽ rất thích thú khi được nghỉ chân trong làn gió rừng mát mẻ và gặp gỡ người dân bản Đoòng. Bản Đoòng hoang dã, như nhiều người vẫn gọi, bởi Đoòng không điện, không đường bêtông, không sóng điện thoại, không chợ… Có người dân chưa một lần về xuôi… Tuy nhiên, sau khi Công ty Oxalis đưa khách vào tham quan hang Sơn Đoòng, bản trở thành điểm nghỉ chân của các đoàn khách trước khi tiếp tục hành trình lội suối, trèo non vào hang.
Sản vật rừng mà người dân bản Đoòng khai thác dùng để nấu nước uống phục vụ du khách – Ảnh: H.S.
Người bản Đoòng sẽ làm du lịch
Bản nghèo nên du khách đến chỉ được mời nồi khoai, rổ sắn (củ mì)… Đoàn nào ghé lâu thì nhờ dân bản bắt cho con gà nuôi thả rừng nấu nồi cháo gạo nương. Sau những giờ cuốc bộ lội suối, trèo non mệt nhọc, có bát cháo gà thơm lừng mùi hành tỏi, rau màu giữa đại ngàn Trường Sơn xa xôi quả thật không gì sánh bằng… Nhiều khách cảm mến sự chân chất và nghèo khó của dân bản nên để lại một ít lương thực, thực phẩm trước khi vào hang, như muốn bày tỏ lòng cảm ơn họ đã giữ gìn cho rừng một di sản thế giới tốt lành.
Trong chuyến vào hang Sơn Đoòng đầu năm 2014, khi ghé lại bản Đoòng, thái tử Hamad bin Hamdan Al Nahyan của Tiểu vương quốc Abu Dhabi (thuộc Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất) khá thích thú trước vẻ biệt lập của bản và cuộc sống còn nhuốm màu hoang sơ của cư dân bản Đoòng.
Những đứa trẻ bản Đoòng hầu hết chưa một lần rời chân khỏi bản, với những ánh nhìn ngơ ngác trước đoàn khách cũng tạo ấn tượng mạnh với thái tử và bạn bè của ông. Vị thái tử này đã nói với các thành viên dẫn khách của Công ty Oxalis rằng ông mong muốn cùng gia đình trở lại Sơn Đoòng để tiếp tục khám phá, trải nghiệm thêm với Sơn Đoòng và cuộc sống cư dân bản Đoòng.
Tại bản Đoòng, du khách có thể tham gia với dân bản các cuộc săn bắt thú nhỏ làm thức ăn. Cứ 5-7 ngày một lần, đàn ông trong bản cùng bầy chó vào rừng vây bắt thú. Dân bản không dùng các loại bẫy hay súng đạn gì khi săn bắt thú rừng, mà chỉ dùng bầy chó để rượt đuổi, bao vây bắt con mồi. Mọi người thi nhau hò hét, đốc thúc bầy chó đuổi theo con thú đến khi nó kiệt sức thì bắt về.
Ông Nguyễn Châu Á, giám đốc Công ty Oxalis, cho biết trước khi tiếp tục hành trình vào Sơn Đoòng, du khách sẽ nghỉ chân ở bản Đoòng và đội dẫn khách phục vụ bữa trưa ngay tại bản. Đây cũng là điểm nghỉ thuận lợi, phù hợp giữa chặng đường dài. Người dân trong bản góp thêm vào với đội những công việc như nấu nướng, bày biện, cung cấp củi lửa… cũng có thêm thu nhập.
“Chúng tôi có dự định cho khách nghỉ lại bản với thời gian dài hơn để họ có thêm một trải nghiệm thú vị nữa trong chuyến đi khám phá Sơn Đoòng. Bởi người bản Đoòng vẫn giữ những giá trị văn hóa, tinh thần nguyên sơ” – ông Á nói.
Anh Nguyễn Văn Tường, một người dân ở bản Đoòng, cho biết dân thực thi theo quy ước bảo vệ rừng mà bản đã đưa ra nên chỉ săn bắt những con thú không thuộc loài quý hiếm như lợn, dúi (loài giống như chuột), gà… mà thôi, không bao giờ đụng đến các loài thú quý của rừng. “Đến con cá trên sông suối chúng tôi cũng không bắt về nhiều mô. Chỉ bắt đủ ăn thôi, còn phải để lại cho những lần sau nữa. Khi bắt chỉ dùng cái lưới hay cái tay chớ không lấy cái bả, cái thuốc” – anh Tường cho biết.
‘Du lịch’ Sơn Đoòng 5 triệu năm tuổi bằng công nghệ thực tế ảo | Một cách đến với Sơn Đoòng thú vị | Sa Pa, Mù Cang Chải, Sơn Đoòng… nguy cơ ‘chết’ trước khi đến |
Nguồn: Dulich.tuoitre.vn